Vinashin giao nhà máy Dung Quất cho Petrovietnam
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/7/2010 | 8:37:46 AM
Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu, chiều 8/7, Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) làm lễ chuyển giao nhà máy đóng tàu Dung Quất cùng nhiều dự án đóng tàu khác trong cả nước cho Tập đoàn Dầu khí.
> Vinashin choáng váng với án kỷ luật chủ tịch
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Huỳnh Văn Điểu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất cho biết quá trình bàn giao các dự án sẽ kết thúc trước 30/9.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất được khởi công xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi năm 2003. Trong chiến lược phát triển, Vinashin xác định đây là nhà máy đóng tàu quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam, một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng các loại tàu trọng tải lên tới 400.000 tấn.
Tuy nhiên kể từ khi nhà máy đưa vào hoạt động vào năm 2006, đến nay vẫn chưa thể hạ thủy được chiếc tàu nào. Trong khi đó hằng tháng Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất vẫn gồng mình trả lương hơn 2.200 lao động.
Chiếc tàu chở dầu thô đầu tiên, Dung Quất 1 trọng tải 104.000 tấn được khởi công vào tháng 10/2006, dự kiến hoàn thành hạ thủy vào tháng 3/2008. Thế nhưng đã bốn năm, chiếc tàu trị giá 800 tỷ đồng này vẫn chưa được đóng xong.
Chiếc tàu trọng tải 104.000 tấn đáng ra phải bàn giao từ tháng 3/2008 nhưng hiện vẫn nằm ụ, chưa hạ thủy được. Ảnh: Trí Tín |
Ông Huỳnh Văn Điểu cho biết, lẽ ra đã hạ thủy tàu 104.000 tấn từ năm ngoái. Thế nhưng bão số 9 vào đầu tháng 7/2009 gây triều cường, sóng lớn tràn vào ụ tàu số 1 nhà máy đóng tàu gây ngập, hư hỏng thiết bị. Thiệt hại lên đến 350 tỷ đồng. "Công ty đang huy động tổng lực để cuối tháng 7 có thể hạ thủy chiếc tàu này ”, ông Điểu nói.
Tiến độ hạ thủy chiếc tàu nói trên đã cận kề, tuy nhiên trong những ngày này trên công trường nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn còn khá ngổn ngang. Tàu thì cơ bản đã hoàn thành, song ba bộ phận quan trọng là máy chính, nồi hơi và tụ điện chính vẫn chưa được lắp ráp.
Theo ông Điểu, máy chính thì đối tác nước ngoài đang sửa chữa, khắc phục sau sự cố bị nước biển tràn vào trong bão số 9 hồi năm ngoái. Nồi hơi đã chuyển từ nước ngoài về đến cảng ở Hải Phòng chưa thể đưa về nhà máy được vì nợ thuế hải quan. Còn tụ điện chính đã đặt hàng chế tạo hoàn thành nhưng còn ở bên Hàn Quốc chưa chuyển về vì khó khăn tài chính.
Trong khi đó chiếc tàu trọng tải 105.000 đã xong phần block nhưng lại chưa thể vào ụ lắp ráp vì bị chiếc 104.000 tấn choán chỗ. Ảnh: Trí Tín |
“Tiến độ hạ thủy tàu 104.000 tấn có kịp vào cuối tháng 7 này hay không còn tùy thuộc vào việc chuyển giao nhà máy giữa Vinashin và Tập đoàn Dầu khí - Petrovietnam. Có tiềm lực mạnh thì Petrovietnam sẽ sớm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho nhà máy”, ông Điểu nói.
Tháng 2/2008, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất tiếp tục khởi công đóng mới tàu chở dầu thô 105.000 tấn (theo hợp đồng đóng ba tàu dầu thô trọng tải 105.000 tấn, mỗi chiếc trị giá 60 đến 65 triệu USD) cho Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans).
Đại diện PVTrans cho biết, ngày 14/2/2007, PV Trans ký hợp đồng thiết kế và đóng mới ba tàu nói trên với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Tiến độ cam kết bàn giao tàu thứ nhất là tháng 2/2009, tàu thứ hai vào tháng 8/2009 và tàu thứ ba ở tháng 2/2010. Kể từ mốc cam kết bàn giao tàu 105.000 tấn thứ nhất vào tháng 2/2009, đến nay tiến độ chậm gần 17 tháng, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của PV Trans.
Hiện tại, các block của tàu 105.000 tấn đã hoàn thành, thế nhưng không thể đưa xuống ụ tàu số 1 để lắp ráp được vì tàu 104.000 tấn chưa hạ thủy, đang choán chỗ.
Các kỹ sư, công nhân vẫn đang tiếp tục thi công tàu 104.000 tấn. Ảnh: Trí Tín |
Hàng loạt chiếc tàu khác của nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng bị lỗi hẹn tiến độ, như tàu chở hàng 54.000 tấn, sà lan trọng tải 18.000 tấn, tàu kéo công suất 2.400 mã lực...
Ông Huỳnh Văn Điểu cho biết: "Khó khăn lớn nhất của nhà máy đóng tàu Dung Quất hiện nay là về tài chính, các ngân hàng cân nhắc không cho vay vốn khiến hoạt động sản xuất đóng tàu bị đình trệ". Ông Phó Tổng giám đốc nói rằng, người lao động làm việc chủ yếu hưởng lương theo sản phẩm, trong khi đó tàu chưa được hạ thủy thì thu nhập nhân công chưa cải thiện.
Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Petrovietnam các dự án của Vinashin chuyển về gồm: Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban Quản lý dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang).
Cả phần vốn góp của Vinashin trong Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định) và trong các dự án do công ty làm chủ đầu tư, cũng chuyển về Petrovietnam.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Ngày 8-7, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông container tại các cảng biển do tài xế chưa có giấy phép lái xe hạng FC.
YBĐT - Hạn hán, nước hồ Thác Bà cạn kiệt không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện mà việc kinh doanh vận tải thuỷ đang hết sức khó khăn. Không những thế, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất cũng ảnh hưởng vì nguồn nguyên liện chở bằng đường thuỷ.
YBĐT - Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo, những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, bước đột phá là cải tạo và thay thế các giống cũ, đưa giống vật nuôi mới vào chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình trang trại, trại chăn nuôi tập trung.
YBĐT - Hiện trạng mặt đường và khả năng nguồn lực đầu tư kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn hiện nay ở Yên Bái đang cần có nhiều giải pháp, trong đó việc chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến là một đòi hỏi có tính cấp thiết từ thực tiễn...