Văn Chấn: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
- Cập nhật: Thứ năm, 8/7/2010 | 2:47:06 PM
YBĐT - Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo, những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, bước đột phá là cải tạo và thay thế các giống cũ, đưa giống vật nuôi mới vào chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình trang trại, trại chăn nuôi tập trung.
Khu vực nuôi lợn nái sinh sản của HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Phù Nham (huyện Văn Chấn).
|
Với những biện pháp tích cực, phong trào chăn nuôi ở Văn Chấn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Người nông dân đã từng bước chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang áp dụng kỹ thuật, đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa. Sau một thời gian tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và thấy được hiệu quả từ các mô hình kinh tế trong vùng, đầu năm 2008, anh Lò Văn Tốt ở xã Gia Hội đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà. Hiện tại, gia đình anh chăn nuôi 5 con lợn nái, trên 100 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng trên 15 tấn lợn hơi, trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng. Anh Tốt là một trong 47 chủ trang trại của Văn Chấn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và nhận được sự hỗ trợ của tỉnh 30 triệu đồng. Mặc dù mô hình mới được đầu tư xây dựng nhưng đã khẳng định được hướng đi đúng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Tốt là một trong hàng chục mô hình chăn nuôi khác trên địa bàn huyện đưa lại hiệu quả, thể hiện tính đúng đắn trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Tại các địa phương: Nậm Búng, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Nậm Lành… có điều kiện tự nhiên về đất đai, đồi rừng, đã xuất hiện một số trang trại chăn nuôi bò theo hướng sind hóa với quy mô từ 20 - 30 con có 2 - 5 ha cỏ thâm canh, vốn đầu tư ban đầu hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên từ xã đến huyện đều có các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi như: đầu tư xây dựng các mô hình điểm; hướng dẫn trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, hợp đồng với nơi sản xuất thức ăn gia súc để cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm...
Bên cạnh sự đầu tư của người dân, những năm gần đây, chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở Văn Chấn còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Điển hình là HTX Phù Nham - một hợp tác xã chuyên các - dịch vụ thức ăn gia súc và chăn nuôi lợn với một quy trình nghiêm ngặt, an toàn.
Ông Quách Văn Nguyện - Phó chủ nhiệm HTX cho biết: “Hiện nay, chúng tôi duy trì chăn nuôi 400 đến 500 con lợn thịt và 70 lợn nái. Hàng năm, bán từ 1.500 - 2.000 con giống, xuất 350 tấn lợn hơi, đảm bảo thu nhập 2 - 4 triệu đồng cho 5 công nhân”. Theo ông Nguyện, vấn đề cơ bản, quan trọng nhất đối với một trang trại quy mô lớn là môi trường cho chăn nuôi. Nếu để xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng thì chỉ cần một lần cũng sẽ gây thiệt hại nặng nề. Chính vì thế, môi trường chăn nuôi ở HTX Phù Nham được đặc biệt quan tâm nên 6 năm liền trang trại không có dịch bệnh. Công nhân, khách thăm quan vào trại đều phải qua phun nước khử trùng. Trang trại 3 ngày lại phun khử trùng và khử mùi một lần, đặc biệt, hệ thống làm mát hoàn toàn tự nhiên, bằng cây xanh xung quanh và dàn dây leo trên mái lợp. Môi trường chăn nuôi sạch đó đã góp phần giúp đàn lợn lớn nhanh, an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi thuỷ sản cũng là một thế mạnh của Văn Chấn, nhất là chăn nuôi ba ba thương phẩm. Từ chỗ phát triển manh mún, hiện nay Văn Chấn đã có Hiệp hội chăn nuôi ba ba đại diện cho 350 hộ chăn nuôi và có thể đáp ứng đuợc các hợp đồng lớn, lâu dài cho các nhà hàng khu vực Hà Nội và thành phố Yên Bái. Với sản lượng hàng năm 10.800 con; 5,1 tấn thương phẩm đã mang lại cho người dân trên 6 tỷ đồng. Phát huy thế mạnh đó, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ 20 triệu đồng cho các trang trại xây mới và đây sẽ là động lực, cơ hội để chăn nuôi ba ba thương phẩm tiếp tục phát triển mạnh.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Những năm gần đây, nghề chăn nuôi ở Văn Chấn phát triển mạnh mẽ, góp phần lớn vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các gia đình. Đặc biệt, những địa phương vùng khó khăn, trước đây chưa chú trọng vào phát triển chăn nuôi, nay đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trang trại, đưa giống lợn siêu nạc vào chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Trong vòng năm năm trở lại đây ngành chăn nuôi của Văn Chấn luôn duy trì mức tăng trưởng trên 5% mỗi năm. Mức tăng trưởng đó sẽ còn cao hơn nếu như Văn Chấn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Dịch bệnh liên tục trong năm 2008, 2009 trên đàn gia súc đã ảnh hưởng đến các dự án phát triển đàn gia súc của huyện, gây thiệt hai cho chính người chăn nuôi. Một môi trường chăn nuôi sạch bệnh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm đầu tư và đó là vấn đề mà Văn Chấn sẽ tiếp tục phải khắc phục trong thời gian tới để ngành chăn nuôi phát triển.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Hiện trạng mặt đường và khả năng nguồn lực đầu tư kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn hiện nay ở Yên Bái đang cần có nhiều giải pháp, trong đó việc chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến là một đòi hỏi có tính cấp thiết từ thực tiễn...
Theo dự thảo Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, đối tượng chịu thuế gồm 5 nhóm, gồm: xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng.
Giá vàng trong nước sáng 8/7 bật lên mức 28,35 triệu đồng/lượng từ mức 28,20 triệu đồng/lượng cuối giờ chiều qua sau khi giá vàng thế giới tái lập mốc 1.200 USD/oz. Tỷ giá USD thị trường tự do giảm so với chiều 7/7, nhưng vẫn đứng ở mức 19.180 VND/USD, tăng 40 VND/USD so với sáng 7/7.
YBĐT - Gần một tháng nay, nhiều nông dân ở xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bái) đang tìm kiếm vận may đá quý bằng cách phá nát chính mảnh ruộng nhà mình...