Đồng hành cùng nông dân vượt khó
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/7/2010 | 3:17:22 PM
YBĐT - Vụ mùa là vụ sản xuất chính trong năm của người Mông ở huyện Mù Cang Chải. Theo kế hoạch năm 2010, toàn huyện sẽ gieo cấy 2.400 ha lúa mùa và 1.250 ha lúa nương. Tuy nhiên, diễn biến bất lợi của thời tiết đang ảnh hưởng nhất định đến sản xuất vụ mùa.
Cán bộ Phòng NN&PTNT Mù Cang Chải hướng dẫn nông dân nhổ mạ gieo cấy vụ mùa.
|
Suốt từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện hầu như không có trận mưa nào đáng kể. Ông Trần Mạnh Toàn - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Mù Cang Chải cho biết: “Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2010 huyện gieo cấy 2.400 ha, tăng 55 ha so với năm 2009. Đến thời điểm 22/6 huyện vẫn còn tới 350 ha khô hạn và theo thống kê vào ngày 1/7, sau khi kết thúc thời vụ vẫn có tới 150 ha thiếu nước không thể gieo cấy”.
Để đảm bảo tổng sản lượng lương thực cả năm theo kế hoạch, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, Phòng NN&PTNT huyện đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trong khối tập trung hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, tuyên truyền, khuyến khích nông dân đầu tư phân bón để nâng cao năng suất bù lại sản lượng phần diện tích không thể gieo cấy. Bên cạnh đó huy động nhân dân nạo vét, gia cố kênh mương, vận động sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước cho cả vụ. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển 150 ha thiếu nước không thể cấy lúa mùa sang trồng ngô hè thu.
Giải pháp về giống cũng đã được tính đến. Trong số 2.250 ha lúa ruộng đã gieo cấy, huyện sử dụng 80% là các giống lúa lai (chủ yếu là Nhị Ưu 838). Toàn bộ số giống trên (36 tấn) được tỉnh hỗ trợ hoàn toàn chiếm tới 90% giá thành, người dân chỉ phải tự bỏ ra 10% còn lại. Việc quản lý cung ứng giống cho nông dân đã được kiểm soát tốt hơn, huyện chỉ đạo các xã không sử dụng các giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc đã từng ảnh hưởng đến năng suất lúa những vụ trước đây.
Cùng với hạn hán, công tác vận động nhân dân chủ động đầu tư phân bón nâng cao năng suất vẫn là vấn đề nan giải. Ông Cứ A Rùa ở xã Khao Mang cho hay: “Mình biết không đầu tư phân bón thì năng suất lúa sẽ không cao, nhưng mình không có tiền để đầu tư. Gia súc không có nên phân chuồng bón cho ruộng cũng ít lắm”. Hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng các loại phân hoá học nhưng mức đầu tư rất thấp.
Giải pháp tận dụng phân chuồng đã được tính đến. Tuy nhiên, nguồn cung ứng loại phân này cũng rất hạn chế do phong trào chăn nuôi chưa phát triển, ý thức sử dụng của người dân chưa cao. Giải pháp về thời vụ cũng đã được huyện chỉ đạo thực hiện tốt. Với đặc thù nhiều vùng tiểu khí khậu khác nhau, khung thời vụ đã được huyện chỉ đạo thực hiện cấy đúng lịch, đảm bảo gieo cấy 760 ha lúa mùa sớm tại các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông...
Diễn biến vụ mùa 2010 được dự đoán còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, ngành nông nghiệp Mù Cang Chải đang đồng hành cùng nông dân quyết tâm vượt qua khó khăn để giành một vụ mùa thắng lợi.
P.V
Các tin khác
10 luật và 1 nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy đã được Chủ tịch nước ký các quyết định công bố thi hành
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 320 HTX, trong đó có 123 HTX nông nghiệp (chiếm 38,4%), 101 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (chiếm 31,56%), 10 HTX xây dựng, 4 HTX giao thông vận tải, 16 quỹ tín dụng nhân dân, 1 HTX chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và 56 HTX dịch vụ điện. Các HTX trong tỉnh đã thu hút gần 43.000 xã viên và người lao động, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 6.200 lao động, thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.
YBĐT - Xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 6 thôn, diện tích đất tự nhiên trên 1 ngàn ha, trong đó đất nông nghiệp 377,2 ha, đất lâm nghiệp 716 ha, ruộng 82,7 ha. Từ một xã thuần nông, đến nay các ngành nghề dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 59% trong cơ cấu kinh tế. Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển cho thấy sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền trong việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý của địa phương.
Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu, chiều 8/7, Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) làm lễ chuyển giao nhà máy đóng tàu Dung Quất cùng nhiều dự án đóng tàu khác trong cả nước cho Tập đoàn Dầu khí.