Đến lượt ngành thép kêu cứu
- Cập nhật: Chủ nhật, 11/7/2010 | 9:31:21 AM
Hiệp hội Thép Việt Nam liên tiếp có công văn khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính - phủ chấn chỉnh ngay việc cấp giấy phép đầu tư, nhằm cứu ngành thép khỏi nguy cơ vỡ quy hoạch sẽ kéo theo hàng loạt những hậu quả khó lường khác có thể xảy ra. Tuy nhiên, vỡ quy hoạch không chỉ đang xảy ra với riêng ngành thép.
Thép xuất xưởng tại Nhà máy Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột.
|
Nguy cơ vỡ quy hoạch
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Sau hơn 3 năm thực hiện, kết quả kiểm tra (quy hoạch) do Bộ Công thương công bố gần đây cho thấy, có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch nhưng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong số này, nhiều dự án đã đưa vào sản xuất hoặc đang hoàn chỉnh, sắp đi vào hoạt động. Tính ra, số dự án ngoài danh mục quy hoạch lớn hơn cả số lượng dự án trong quy hoạch (23 dự án).
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, so với mức tiêu thụ năm 2009 (khá cao), công suất lắp đặt của các nhà máy hiện vượt gấp hơn hai lần, gây nguy cơ dư thừa, lãng phí trong đầu tư cũng như tranh giành thị phần thép. Hiệu quả kinh tế của các nhà máy rất thấp.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vỡ quy hoạch ngành thép là từ năm 2005 trở lại đây, giá thép trong nước và quốc tế ngày càng tăng làm cho các dự án sản xuất thép thỏi trở nên hấp dẫn hơn. Doanh nghiệp (DN) cả trong nước lẫn nước ngoài đổ xô vào đầu tư. Các địa phương cũng vì thành tích và nôn nóng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng "trải thảm đỏ" tràn lan. Đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan không chỉ dẫn đến vượt quá công suất mà còn thiếu sự nghiên cứu, cân đối với sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển...
Trào lưu "làm công nghiệp"
Tiến trình công nghiệp hóa đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch phát triển ngành để tránh chồng chéo, lộn xộn. Nhưng trên thực tế, tình trạng phá vỡ quy hoạch (theo cả hai hướng, hoặc "xé rào"- lạm phát số lượng dự án, hoặc "phá dậu" - đầu tư vô tổ chức ngoài ngành), quy hoạch "treo" đang diễn ra rất phức tạp. Ngành thép là một ví dụ điển hình và không làm ngạc nhiên nhiều người bởi đây chỉ là "sự tiếp nối" trào lưu "làm công nghiệp" theo cảm tính và mong muốn chủ quan của cả các địa phương cũng như DN.
Bốn năm trước, Tập đoàn Công nghiệp cao su (VRG) đặt ra chỉ tiêu tới năm 2010, cả nước có 1 triệu héc ta cao su (lúc ấy cả nước chỉ có 600.000ha). Nay diện tích cao su, gộp cả diện tích đầu tư ở Lào, Campuchia, vẫn chưa tới 700.000ha. Xuất khẩu mủ cao su vẫn là chủ lực, trong khi đó VRG lại đang triển khai hàng loạt dự án... ngoài ngành từ thủy điện, khách sạn, khu công nghiệp đến cả... chứng khoán, ngân hàng...
Ngành xi măng cũng đang "bấn" vì quy hoạch bị vỡ vụn. Trong vòng 12 năm, đã 3 lần Thủ tướng Chính phủ phải liên tục điều chỉnh quy hoạch. Các nhà máy càng về sau càng không theo quy định nào, đua nhau "bao vây" các đô thị lớn và vùng danh lam thắng cảnh, phá nát cảnh quan môi trường.
Nóng bỏng hơn cả là lĩnh vực khai thác khoáng sản. Hoạt động khai thác tài nguyên đang bộc lộ rất nhiều bất cập, từ cấp phép đến quản lý, khai thác sử dụng. Năm 2000, cả nước mới có 427 DN được cấp phép khai thác thì nay đã có tới hơn 1.500 DN. Đó là chưa kể hàng nghìn băng nhóm khai thác tự do mà cơ quan quản lý gần như bất lực.
Các quy hoạch phát triển của nhiều ngành liên tục bị phá vỡ đã gây ra nhiều xáo trộn. Câu chuyện giải cứu "con tàu khổng lồ Vinashin" cho thấy nhiều kinh nghiệm cay đắng. Nhưng bài học từ Vinashin không chỉ dành cho Vinashin mà cũng là lời cảnh báo đối với nhiều tập đoàn nhà nước, nhiều ngành khác nói riêng và đối với quản lý kinh tế vĩ mô nói chung. Hạn chế lớn nhất của nhiều ngành kinh tế hiện nay là tầm nhìn còn giản đơn, áp đặt chủ quan trong quy hoạch phát triển.
Các tin khác
Từ hôm nay 10-7, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai cho các thành viên mua tạm trữ lúa gạo với giá mua lúa tối thiểu 3.500 đồng/kg.
Trên thị trường đang xuất hiện tin đồn về sự mất cân đối cung, cầu ngoại tệ khiến tỷ giá USD/VND tăng đột ngột. Hôm qua, 9-7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), thời gian thanh tra là 60 ngày làm việc.
YBĐT - Vụ mùa là vụ sản xuất chính trong năm của người Mông ở huyện Mù Cang Chải. Theo kế hoạch năm 2010, toàn huyện sẽ gieo cấy 2.400 ha lúa mùa và 1.250 ha lúa nương. Tuy nhiên, diễn biến bất lợi của thời tiết đang ảnh hưởng nhất định đến sản xuất vụ mùa.