Công nghiệp đánh thức tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/7/2010 | 2:42:20 PM

YBĐT - Những năm qua, huyện Văn Yên (Yên Bái) tập trung đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bằng các giải pháp như: thực hiện nghiêm chỉnh Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, cũng triển khai cơ chế, chính sách riêng của huyện về đất đai, thủ tục hành chính...

Công ty Đạt Thành phấn đấu thu mua 18,7 nghìn tấn lá quế và chế biến 150 tấn tinh dầu.
Công ty Đạt Thành phấn đấu thu mua 18,7 nghìn tấn lá quế và chế biến 150 tấn tinh dầu.

Quan điểm “Chính quyền là bạn đồng hành với doanh nghiệp” được thể hiện rõ nét trong các bước xây dựng và triển khai dự án, thành lập doanh nghiệp và nhất là những vướng mắc phát sinh... Nhờ vậy,  không những số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Văn Yên phát triển nhanh, làm ăn hiệu quả mà còn có nhiều cơ cở sản xuất kinh doanh với quy mô lớn, mang lại giá trị sản lượng cao và thu hút được đông đảo lực lượng lao động.

Nhiều nhà máy quy mô lớn ở Văn Yên đã đi vào sản xuất ổn định như nhà máy chế biến tinh bột sắn với 2 dây chuyền công suất 20.000 tấn /năm; nhà máy chế biến tinh dầu quế gồm 2 phân xưởng công suất trên 300 tấn sản phẩm/năm; 3 nhà máy giấy đế xuất khẩu công suất 2.400 tấn năm; một xưởng gạch công nghệ lò đứng, công suất 7 triệu viên/năm... Riêng khối công nghiệp do huyện quản lý đã có đến 1.321 cơ sở, thu hút gần 4.000 lao động.

Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên - ông Lưu Văn Đoàn cho biết: “Huyện đánh giá rất cao những đóng góp của các doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển. Doanh nghiệp là nhân tố quan trọng cho sự phát triển với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, nộp ngân sách cho nhà nước, nhất là khai thác tiềm năng, thế mạnh từ những sản phẩm nông lâm nghiệp của địa phương”.

Người dân Văn Yên biết đến doanh nhân Hoàng Văn Bẩy một trong những người tiên phong trên lĩnh vực trồng rừng và chế biến lâm sản. Từ  năm 2000 – 2001, ông Bẩy đã đầu tư trồng cả trăm ha rừng với các loại cây: quế, sưa, dó bầu và xưởng chế biến quế vỏ quy mô lớn.

Đầu năm 2009, khi rừng đã ổn định, nghề chế biến quế vỏ đã đông người làm, ông Bẩy đã quyết định chuyển sang sản xuất gỗ rừng trồng. “Chế biến gỗ là ngành nghề không mới nhưng vùng Văn Yên chưa có nhiều xưởng chế biến gỗ, trong khi nguồn nguyên liệu lại rất lớn, người dân đưa gỗ đi về xuôi thì giá không cao” - ông Bẩy đã tâm sự như vậy. Sau khi đã quyết theo nghề gỗ, ông đã đi tham quan, học tập nhiều nơi và đầu tư trên 5 tỷ đồng mua một dây chuyền chế biến ván bóc, gỗ ép hoàn chỉnh, bảo đảm sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá trị cao. Hiện nay, cơ sở chế biến gỗ Quế Lâm tại xã An Thịnh đã đi vào ổn định, mỗi tháng sản xuất trên 200 m3 ván ép chất lượng cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 80 lao động.

Cơ sở chế biến gỗ Quế Lâm đã tiêu thụ một lượng gỗ rừng trồng khá lớn thuộc vùng Đại - Phú - An và Đại Sơn, Tân Hợp... Nhiều cây quế, keo, bồ đề nhỏ (diện khai thác tỉa) trước đây chỉ làm củi hoặc bán làm cây chống, trong xây dựng cũng được ông Bẩy thu mua hết với giá 700 đến 800 nghìn đồng/m3. Là người dám nghĩ, dám làm, cộng với nền tảng tài chính vững chắc và kho tàng, nhà xưởng quy mô lớn có sẵn, ông Hoàng Văn Bẩy và doanh nghiệp Quế Lâm chắc chắn sẽ phát triển, bao tiêu một lượng sản phẩm lớn gỗ rừng trồng trong dân, tạo ra được mặt hàng có giá trị lớn trên thị trường.

Nói đến ngành nghề chế biến nông lâm sản ở Văn Yên không thể không nhắc tới Công ty Đạt Thành với ngành nghề chế biến tinh dầu quế. Được triển khai từ tháng 7 năm 2007, xưởng chế biến tinh dầu quế của Công ty Đạt Thành đặt tại Khu công nghiệp Bắc Văn Yên có giá trị đầu tư hơn 10 tỷ đồng (trong tổng số 30 tỷ của cả dự án). Sau thành công của nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, năm 2009 Công ty Đạt Thành tiếp tục đầu tư một nhà máy mới tại xã Hoàng Thắng với công suất tương đương nhà máy cũ.

Giám đốc Công ty - ông Nguyễn Bá Thể không nói nhiều về sự thành đạt của mình, một doanh nhân từ đất mỏ Quảng Ninh lên Văn Yên làm ăn mà nói nhiều đến các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái, của huyện Văn Yên, nhất là lãnh đạo huyện đã dành sự quan tâm, giúp đỡ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và sản xuất ổn định. Ý nghĩa xã hội khi Đạt Thành có mặt ở Văn Yên là rất lớn, hàng chục nghìn tấn lá quế mỗi năm bỏ lại trên nương, trên rừng gây ô nhiễm bởi dễ xảy ra cháy lớn đã được cả nghìn người thu gom chuyên chở về nhà máy, người dân có việc làm và khoản tiền gần 20 tỷ đồng (giá thu mua lá quế nguyên liệu 1000 đồng/kg) là chuyện không hề nhỏ.

Đạt Thành và các doanh nghiệp khác đã và sẽ thành đạt trên đất Văn Yên, ông Nguyễn Bá Thể đã khẳng định như vậy vì huyện đã đồng hành với doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Còn rất nhiều doanh nghiệp khác đã và sẽ đầu tư vào Văn Yên để khai thác tiềm năng, thế mạnh, nhất là thế mạnh về nông, lâm sản vì cơ chế, chính sách đã thông thoáng, các khu, cụm công nghiệp và cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh.

 Lê Phiên

Các tin khác

Giá USD tự do trên thị trường Hà Nội ngày 30/7 tiếp tục ổn định ở mức cao. Trong khi đó, các ngân hàng lại tăng giá mua vào, dù mức tăng rất nhỏ.

Dệt thổ cẩm.

YBĐT-Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, Yên Bái đã khơi dậy và khai thác có hiệu quả các di tích, danh lam thắng cảnh của các địa phương, thu hút khách du lịch. Du lịch Yên Bái đã có bước khởi sắc đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

YBĐT - 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái có bước phát triển và tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt gần 2.532 tỷ đồng, đạt 56,26% kế hoạch năm, tăng 35,05% so với cùng kỳ.

Thống kê chưa đầy đủ từ các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, có tới 5.783 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư trong năm 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục