Chuyển biến từ chương trình sản xuất lúa hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2010 | 9:54:16 AM

YBĐT - Để có vùng sản xuất lúa hàng hoá như hôm nay là do sự cụ thể hoá từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XIII về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng lúa và khai thác tiềm năng vùng thâm canh lúa của huyện và Đại Phác là một ví dụ điển hình.

Những cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa của Văn Yên.
Những cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa của Văn Yên.

 "Nông dân vùng Đại Phác hôm nay sản xuất không chỉ lấy lương thực ăn mà còn làm hàng hoá. Hướng đi đó đã và đang góp phần quan trọng xoá đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn" - Chủ tịch UBND xã Đại Phác (huyện Văn Yên) ông Phạm Tùng Nguyên nói với chúng tôi như vậy.

Được thiên nhiên ban tặng cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu cùng với sự đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình thủy lợi khá hoàn thiện và người dân cần cù chịu khó, tuy nhiên, những năm trước đây, xã Đại Phác cũng như các xã lân cận vẫn chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh vốn có, năng suất lúa không cao, hiệu quả canh tác trên mỗi ha diện tích thấp. Cũng chính vì lý do đó mà đời sống nhân dân không ổn định, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám.

Nhưng từ năm 2006 cho đến nay đã có một sự chuyển biến: người dân Đại Phác không chỉ sản xuất để lấy lương thực ăn mà còn sản xuất lúa, gạo theo hướng hàng hoá. Toàn xã có 129 ha lúa nước thì có tới 28 ha sản xuất lúa giống cho địa phương và trong vùng với chất lượng tốt, năng suất cao. Không sản xuất theo phong trào, hàng năm xã đứng ra liên kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh. Riêng trong năm 2009, sản xuất tiêu thụ 18 tấn giống lúa thuần, lúa lai hai dòng đã được tiêu thụ hết với giá 15 ngàn đồng/kg. Những diện tích còn lại đưa vào gieo cấy 60% diện tích lúa thuần bằng giống Chiêm Hương để làm hàng hoá.

Trong sản xuất lúa hàng hoá ở Đại Phác, xã không hô hào chung chung, mà làm rất bài bản. Có 86 hộ dân liên kết lại với nhau cùng nông dân hai xã An Thịnh và Yên Phú (cùng huyện Văn Yên) thành lập Hiệp hội những người sản xuất lúa hàng hoá chuyên giống Chiêm Hương. Do có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân, sản xuất liền ô, liền thửa và chuyên canh cả một vùng nên không chỉ tiện cho cơ giới hoá, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh tốt, năng suất cao mà còn tạo ra khối lượng hàng hoá lớn. Bằng cách làm đó, năng suất lúa ngày một nâng cao. Nếu năm 2006, năng suất lúa lai mới chỉ đạt 95 tạ/ha thì năng suất lúa bằng giống Chiêm Hương đã đạt 120 tạ/ha, lúa lai đạt 130 tạ/ha. Sản xuất lúa thuần năng suất thấp hơn lúa lai, nhưng giá trị kinh tế lại cao gấp 1,5 lần. Năm 2009, sản lượng lúa toàn xã đã đạt trên 1,5 ngàn tấn, trong đó có gần 1 ngàn tấn lúa hàng hoá được tiêu thụ hết với giá bình quân 6.500 đồng/kg thu về 6,5 tỷ đồng.

Qua đó, đã lý giải được vì sao người dân Đại Phác chủ yếu làm nông nghiệp mà lại có cuộc sống khá giả như hôm nay. Số hộ đói đã không còn, số hộ nghèo giảm nhanh theo mỗi năm, dọc hai bên đường vào trung tâm xã nhà xây hai, ba tầng mọc lên san sát. Cùng với sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hoá, sản xuất lúa giống và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng thì chỉ một vài năm nữa Đại Phác sẽ là một xã giầu của huyện Văn Yên.

Để có vùng sản xuất lúa hàng hoá như hôm nay là do sự cụ thể hoá từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng lúa và khai thác tiềm năng vùng thâm canh lúa của huyện và Đại Phác là một ví dụ điển hình. Đến nay, Văn Yên đã quy hoạch được 1.000 ha vùng sản xuất lúa hàng hoá, trong đó có 600 ha sản xuất chắc ăn thuộc các xã Đại Phác, An Thịnh, Yên Phú và Đông Cuông, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 2.400 tấn thóc.

Đồng thời, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 41.530 tấn trong năm 2010, bình quân lương thực đạt 346 kg/người/năm. Hiệu quả kinh tế khá rõ nét, nhưng cái được quan trọng hơn cả là đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân bởi đã phá vỡ cách làm ăn manh mún, tự phát đã ăn sâu vào tiềm thức. Nông dân đã biết liên kết trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.

Mặc dù vậy, khi trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên - ông Trần Thế Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo hàng hoá nói riêng, đó là: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong các công thức luân canh còn chậm; tỷ lệ gieo cấy bằng giống chất lượng cao được thị trường chấp nhận còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, lao động cùng cơ sở vật chất; sản xuất chưa gắn với chế biến và thị trường, chưa có sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân, dẫn đến sản phẩm làm ra giá trị cao song khó tiêu thụ khi mở rộng sản xuất...

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng vùng sản xuất lúa, gạo hàng hoá với diện tích trên 1 ngàn ha, mời gọi các doanh nghiệp liên kết và chế biến bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản là: tiếp tục thâm canh tăng vụ trên đất 2 vụ lúa; tăng cường ứng dụng các giống cây trồng mới năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cao vào sản xuất; mở rộng và tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh mới; đầu tư kỹ thuật trồng cây vụ đông trên đất ướt; thực hiện bón vôi cải tạo đất, đầu tư phân bón ở mức cao và cân đối; tăng tỉ lệ lúa thuần chất lượng cao; mở rộng diện  tích ngô, rau màu vụ đông; đưa mô hình trồng hoa vào sản xuất tại hai xã An Thịnh và Đại Phác; khuyến khích và có cơ chế phù hợp cho các thành phần kinh tế xây dựng cơ sở chế biến nông sản, nhất là chế biến lúa, gạo, rau mầu vụ đông.

Với những hướng đi đó, giải pháp đó chắc chắn sản xuất nông nghiệp ở Văn Yên sẽ có nhiều thành công mới trong tương lai.

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là cuộc vận động do Bộ Chính trị phát động đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong cả nước triển khai một cách đồng bộ.

Đồng chí Trần Thế Hùng - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Đức Hưởng.

YBĐT - Hơn 2 năm tích cực triển khai chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng nguồn vốn hỗ trợ đạt trên 650 triệu đồng, Văn Yên (Yên Bái) đã xây dựng được 18 cơ sở trang trại chăn nuôi lợn thịt, 12 cơ sở trang trại chăn nuôi lợn nái và 3 cơ sở trang trại chăn nuôi gia cầm.

Đây là nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về diễn biến giá thị trường trong tháng 8. Theo đó, thị trường tháng 8 sẽ không có nhiều biến động, cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục ổn định. Giá nhiều nguyên, vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo dao động ở mức thấp sẽ là yếu tố quyết định để giữ bình ổn giá thị trường tháng 8.

Thông tư này áp dụng đối với đơn vị phân phối điện, khách hàng sử dụng lưới điện phân phối và Tập đoàn Điện lực Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2010 Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 32 quy định hệ thống phân phối điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục