Bất cập trong nghề miến dong
- Cập nhật: Thứ ba, 31/8/2010 | 9:06:19 AM
YBĐT - Nguyên nhân cơ bản nhất mà chúng tôi nhận ra là làng nghề vẫn làm ăn nặng tính tự phát, thiếu vốn và chưa có sự tác động mạnh từ sự định hướng phát triển và đầu tư nguồn lực từ phía các nhà quản lý.
Nông dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) chế biến miến dong.
|
Cách đây khoảng chục năm, Vùng miến Giới Phiên và Phúc Lộc mỗi xã có 40 - 50 hộ chế biến miến dong. Huyện Trấn Yên khi đó kỳ vọng đưa sản phẩm này trở thành hàng đặc sản và có thương hiệu. Hội Phụ nữ xã Phúc Lộc đã được giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và được đầu tư máy đóng gói quảng bá sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu. Nhưng kể từ khi 2 xã này chuyển về thành phố Yên Bái thì số người làm nghề miến ở đây cũng giảm dần. Đến nay chỉ còn mỗi xã khoảng 2 chục hộ.
Vì sao mà số hộ làm nghề miến lại giảm đáng kể như vậy? Không phải sản phẩm miến không tiêu thụ được, bởi sản lượng miến trong suốt bao năm qua cơ bản tương ứng với nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Công lao động cũng không phải thấp bởi mức bình quân trên 100.000đồng/người/ngày.
Nhiều nguyên nhân giảm số hộ làm nghề được người trong cuộc đưa ra rằng, làm miến cần có không gian rộng để phơi miến (làm 100 kg bột cần 1.000 m2 để phơi), nhưng bây giờ đất đai phải san sẻ cho con cái làm nhà nên không còn rộng rãi như trước nữa. Lao động ở nông thôn cũng đang bị hút vào các khu công nghiệp nên cũng thiếu người để giữ nghề… Nguyên nhân cơ bản nhất mà chúng tôi nhận ra là làng nghề vẫn làm ăn nặng tính tự phát, thiếu vốn và chưa có sự tác động mạnh từ sự định hướng phát triển và đầu tư nguồn lực từ phía các nhà quản lý.
Ông Nguyễn Văn Hậu ở thôn 4, xã Phúc Lộc là một trong hai hộ còn làm nghề miến trong thôn cho biết: nếu sản xuất ở quy mô trung bình thì một năm cần 8 - 10 tấn bột để chế biến từ vụ này sang vụ khác. Nhà nào không tự túc được bột mà phải mua thì cần có vốn khoảng 80 - 100 triệu đồng mua bột để làm dần. Ngược lại, khi bột hiếm (từ tháng 4 đến hết tháng 8 Âm lịch) mà phải đi mua bột thì lãi suất thấp. Tuy nhiên, có một nguồn vốn như trên để tích trữ bột dong riềng thì không phải nhà nào cũng có, nên người làm miến chỉ trông đợi vào các nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Huy Tuyết-Chi hội trưởng chi Hội Nông dân thôn I, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Phúc Lộc và cũng là một gia đình làm miến lâu năm cho biết: tháng 5/2009 là lúc chuẩn bị cho vụ chế biến mới thì Phòng Công thương thành phố Yên Bái đã về họp dân để bàn về công tác khuyến công với nghề miến.
Trong cuộc họp này đã đề cập đến nội dung về vốn, về đầu tư máy chế biến nhưng rốt cuộc đến nay cả vốn và máy vẫn không thấy đâu. Trong cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2010 ở xã Phúc Lộc, lĩnh vực khuyến công với nghề miến cũng không thấy nhắc đến mà chỉ bàn về khuyến công trong chế biến gỗ rừng trồng và sản xuất nấm.
Nhiều nông dân ở xã Minh Quán (huyện Trấn Yên) trước đây làm nghề chế biến miến dong nhưng nay họ chuyển hẳn sang trồng nguyên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với ông Tuyết lên thăm gia đình ông Tăng Kế Tôn ở thôn 6, xã Giới Phiên xem chiếc máy làm miến mà ông Tôn mới nhận từ Đề án khuyến công. Qua câu chuyện và nhìn cung cách làm ăn của ông Tôn, phải thừa nhận ông là người rất có kinh nghiệm, năng động và tâm huyết với nghề miến.
Tuy nhiên, qua trò chuyện với ông Tôn cũng đã cho thấy trong sản xuất miến đang nảy sinh những bất cập. Cùng làm nghề miến truyền thống như nhau mà Giới Phiên vừa được đầu tư gần chục máy ép miến, còn Phúc Lộc thì không.
Ông Tôn nói rằng, sở dĩ Giới Phiên có được máy là do tỉnh (ý nói là Ban chỉ đạo Đề án Khuyến công của tỉnh) xem xét thấy nơi nào có điều kiện triển khai hiệu quả thì mới đầu tư trực tiếp. Vừa qua, tỉnh còn đưa gần chục máy ép miến về xã Quy Mông (Trấn Yên) là vùng đang phát triển cây đao riềng. Ông Tôn cũng được nhờ chuyển giao kỹ thuật làm miến dong cho các hộ vừa nhận máy ép miến ở Quy Mông và họ đã làm được.
Những ý kiến trên chỉ là ý kiến của cá nhân ông Tôn để chúng ta tham khảo, nhưng những ý kiến của ông lại được bắt nguồn từ chính công việc thực tế đang diễn ra nên nó đã tạo khá nhiều mối băn khoăn. Chẳng hạn, nếu muốn được thụ hưởng lợi ích từ chính sách khuyến công như người làm miến ở Giới Phiên thì cần phải có mối quan hệ trực tiếp như ông Tôn thì chắc chắn không phải cơ sở nào cũng làm được. Người dân làm miến vẫn hiểu chưa rõ thế nào là xây dựng thương hiệu miến đặc sản, bởi “xây dựng thương hiệu” hiện tại chỉ là những nội dung ghi trên bao bì để giới thiệu sản phẩm miến mà thôi. Theo ông Tôn, Quy Mông mới chỉ đang trồng nguyên liệu, chưa từng chế biến thì dựa vào đâu để xác định tính hiệu quả mà đầu tư chế biến? Còn xã Phúc Lộc đã là một làng nghề truyền thống, có thợ lành nghề, sản phẩm đã có tiếng lại chưa được đầu tư.
Thiển nghĩ, việc đầu tư máy ép miến cho Quy Mông có thể được dựa trên phương châm là gắn chế biến với vùng nguyên liệu. Nếu dựa vào cơ sở đó thì Trấn Yên hiện có rất nhiều địa phương khác đang trồng đao riềng với quy mô khá lớn về diện tích thì có nên tiếp tục đầu tư cho chế biến miến nữa hay không? Vậy, có nên hiểu theo cách khác là những vùng trồng nguyên liệu ở Trấn Yên đang được gắn với chế biến miến nhờ các làng nghề truyền thống ở Phúc Lộc, Giới Phiên? Hãy lấy xã Minh Quân của huyện Trấn Yên là một thí dụ. Minh Quân đã từng có nhiều người làm miến nhưng khi thấy xuất hiện những khó khăn về nghề miến, trong đó có cả khó khăn về cạnh tranh thị trường tiêu thụ với Phúc Lộc và Giới Phiên thì họ chỉ còn trồng đao riềng. Theo họ, cây đao riềng giống mới cho năng suất cao hơn, lượng tinh bột lớn hơn, trồng thích hợp trên nhiều loại đất, không tốn công chăm sóc, đầu tư thấp, chế biến tinh bột bây giờ đã có máy móc hỗ trợ mà không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên hiệu quả kinh tế vẫn cao.
Từ thực tế nêu trên, cho thấy việc phát triển nghề miến truyền thống cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, để nghề này có bước tiến mới, phù hợp trong cơ chế thị trường, xem ra vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh cả về cơ chế chính sách từ vĩ mô cho đến những yếu tố nội sinh trong các làng miến truyền thống.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Cát Thịnh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), dân số trên 8.500 người, 9/26 thôn, bản có đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập và khối lượng nông, lâm sản, thu hẹp diện đói nghèo là hướng đi mà Đảng bộ, chính quyền xã kiên trì lãnh đạo thực hiện trong những năm qua…
YBĐT - Vừa qua, tại xã Kim Nọi, Trạm Khuyến nông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Sygenta Việt Nam tổ chức Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình thử nghiệm giống ngô lai NK66 vụ xuân hè năm 2010.
Tại cuộc họp sáng 30/8, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Ánh giữ vị trí quyền Tổng giám đốc điều hành.
Tại tọa đàm "Bối cảnh quốc tế sau khủng hoảng tài chính thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam" tổ chức chiều 30/8, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã tập trung phân tích những tác động đa chiều của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế Việt Nam.