Nét mới trong sản xuất nông nghiệp ở Cát Thịnh
- Cập nhật: Thứ ba, 31/8/2010 | 9:02:49 AM
YBĐT - Cát Thịnh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), dân số trên 8.500 người, 9/26 thôn, bản có đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập và khối lượng nông, lâm sản, thu hẹp diện đói nghèo là hướng đi mà Đảng bộ, chính quyền xã kiên trì lãnh đạo thực hiện trong những năm qua…
Nông dân xã Cát Thịnh thu hoạch khoai tây. (Ảnh: Đức Hồng)
|
Chuyển dịch cơ cấu giống
Với một xã đặc biệt khó khăn như Cát Thịnh sản xuất lương thực luôn là ưu tiên hàng đầu. Chuyển dịch cơ cấu giống được coi là chìa khóa. Cát Thịnh đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh giống lúa lai, giống lúa tiến bộ kỹ thuật. Vụ xuân 2010, năng suất lúa bình quân của 165 ha gieo cấy đã đạt 68 tạ/ha, dự ước năng suất lúa cả năm nay của xã đạt 115 tạ/ha, sản lượng thóc trên 2.015 tấn. Chuyển dịch cơ cấu giống gắn với chuyển dịch mùa vụ, Cát Thịnh đã đưa 22,5 ha khoai tây vào trồng trên đất hai vụ lúa, trong đó có 15 ha khoai tây giống Át Lan Tích ở thôn Ba Khe và Khe Rịa, năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn/ha, nông dân thu thêm trên 700 triệu đồng từ cây trồng giống mới, vụ mới.
Để tăng thêm sản lượng lương thực từ cây có hạt, xã chỉ đạo đưa các giống ngô năng suất cao vào trồng. Đầu năm nay, diện tích ngô của xã tăng lên trên 200 ha, tăng 40 ha so với cùng kỳ năm 2009, nhiều diện tích năng suất từ 35 - 40 tấn/ha.
Ngoài cây lúa, khoai tây, ngô, Cát Thịnh mở rộng diện tích trồng cây đậu tương lên 22 ha ở các thôn, bản vùng cao, một số thôn vùng thấp như Khe Nước, Văn Hòa… Cát Thịnh có 26 thôn, bản, các thôn vùng thấp chủ yếu là người dân miền xuôi lên khai hoang, thu nhập chính từ trồng chè. Diện tích chè của xã có lúc bị thu hẹp bởi năng suất chè thấp, giá chè búp tươi giảm mạnh, nông dân chuyển diện tích sang trồng cây khác.
Đảng bộ xã sớm thấy vấn đề và có Nghị quyết về phát triển vùng chè nguyên liệu, tập trung đưa các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt như chè lai LĐP1, LĐP2, chè Shan tuyết, chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên vào trồng thay thế, cải tạo thành những diện tích tập trung. 117/348 ha chè đã được trồng mới, cải tạo bằng các giống chè mới. Thay đổi giống gắn với đầu tư, thâm canh cải tạo, xã đã có 323 ha chè kinh doanh có chất lượng, năng suất bình quân trên 6,5 tấn/ha nhiều diện tích có năng suất từ 8 -12 tấn/ha…
Đột phá trong chăn nuôi
Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã, trong đó tỷ trọng nội ngành phần đa là trồng trọt. Cái được của xã là đã tập trung phát triển chăn nuôi, chọn hướng đi phù hợp thông qua tổng kết từ mô hình thực tế. Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Phụng tâm đắc với chương trình phát triển nuôi ba ba, nuôi nhím, gà đen, hươu sao, lợn rừng và mô hình chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn. Trong đó, ba ba là con chủ lực, đem lại tiền tỷ cho nông dân mỗi năm. Toàn xã hiện có 212 hộ nuôi ba ba với diện tích chưa đầy 2,5 ha nhưng đã có trên 400 cặp ba ba đẻ và 2.214 con ba ba thương phẩm, thu nhập bình quân của nông dân từ nuôi ba ba đạt 20 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Trần Văn Phụng cho biết, tổng giá trị kinh tế từ nuôi ba ba của xã năm 2009 đạt trên 4 tỷ đồng, hết năm nay sẽ có thêm 7 mô hình nuôi ba ba được đầu tư ở 3 thôn, bản với diện tích 150 m2 đến 700 m2/mô hình. Ngoài ba ba, Cát Thịnh có 4 hộ chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con, 01 hộ nuôi lợn rừng, 23 hộ nuôi nhím, một số hộ nuôi thành công gà đen, hươu sao. Tỷ trọng chăn nuôi của Cát Thịnh trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã tăng mạnh trong những năm gần đây, mục tiêu của Đảng bộ xã trong 5 năm tới sẽ phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi ngoài đại gia súc, chủ lực là nuôi ba ba với tổng số 400 mô hình vào năm 2015. Xã cũng tạo điều kiện cho nông dân phát triển các mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng trang trại, tổng số 12.000 con, đàn trâu 1.200 con, đàn bò 1.000 con.
Những kết quả trong chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp ở Cát Thịnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị và sản lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Cát Thịnh đang cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời hơn về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ của Nhà nước để có những đột phá và kết quả toàn diện hơn.
Q.K
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, tại xã Kim Nọi, Trạm Khuyến nông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Sygenta Việt Nam tổ chức Hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình thử nghiệm giống ngô lai NK66 vụ xuân hè năm 2010.
Tại cuộc họp sáng 30/8, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Ánh giữ vị trí quyền Tổng giám đốc điều hành.
Tại tọa đàm "Bối cảnh quốc tế sau khủng hoảng tài chính thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam" tổ chức chiều 30/8, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã tập trung phân tích những tác động đa chiều của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế Việt Nam.
YBĐT - Nhờ chỉ đạo sát với thực tế nên cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch đúng hướng. Từ năm 2005 đến nay, sản xuất nông lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tổng diện tích gieo cấy lúa nước hàng năm 220ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt 90 ha, năng suất bình quân 48,2 tạ/ha/năm tăng 0,7 tạ so với năm 2005; diện tích sản xuất rau màu gần 97ha. Diện tích trồng rừng không ngừng tăng, đến nay tổng diện tích trồng rừng 1.650 ha tăng trên 900 ha so với năm 2005.