Ấn tượng Hồng Hà
- Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2010 | 9:42:01 AM
YBĐT - Phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái thực sự là địa phương giàu về kinh tế, mạnh về chính trị và vững vàng trên thế trận quốc phòng an ninh.
Sự ra đời và phát triển của hàng loạt các siêu thị lớn đã góp phần tăng giá trị ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn phường.
|
65 năm nước nhà độc lập, 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, người dân Hồng Hà đã phát huy truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tận dụng được lợi thế của địa phương là đầu mối giao thông đi các huyện, thị, trên địa bàn lại có chợ trung tâm, có nhà ga, có các tuyến phố lớn thuận tiện cho phát triển kinh doanh dịch vụ.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “Phát triển kinh tế là trọng tâm”, chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trên địa bàn cùng phát triển, trong đó coi trọng lĩnh vực thương mại dịch vụ và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đánh giá mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của phường đạt bình quân 16% năm; cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch mạnh mẽ với thương mại - dịch vụ chiếm 75,17%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm. Hàng loạt các nhà hàng, siêu thị, trung tâm dịch vụ thương mại lớn đều tập trung trên địa bàn phường như: siêu thị Anh Mỹ, Hoàn Mỹ, Trung tâm Vật tư, vận tải, vật liệu xây dựng Hòa Bình, các khách sạn: Hữu Nghị, Thuỷ Quang..., cùng hàng nghìn hàng quán dịch vụ đã tạo nên một Hồng Hà - một trung tâm thương mại và dịch vụ phát triển của thành phố, góp phần quan trọng vào việc lưu chuyển hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu ngân sách.
Cùng với thương mại và dịch vụ, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường cũng khá phát triển với các tổ hợp cơ khí, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng... Theo báo cáo thống kê năm 2010 ước giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của phường Hồng Hà, đạt trên 70 tỷ đồng và tăng 2 lần so với năm 2005.
Khi đời sống vật chất của người dân được cải thiện và nâng cao thì nếp sống văn minh đô thị cũng theo đó mà dần hình thành. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đi vào chiều sâu, làm đời sống văn hóa thấm sâu vào trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Đến nay toàn phường có 90% số hộ được công nhận là gia đình văn hóa, 60% tổ dân phố được công nhận tổ dân phố văn hóa; duy trì tốt hai đường phố văn hoá.
Cụ Nguyễn Thị Thược - người đã sống gần một thế kỷ, nhà ở đường Thanh Niên phường Hồng Hà cảm nhận rõ nét ý nghĩa của độc lập, tự do, của hòa bình và dân chủ, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo đã đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trò chuyện với chúng tôi cụ kể: Lính khố xanh, khố đỏ dưới sự chỉ huy của quan thầy thực dân tuần tiễu, bắt bớ, ức hiếp người dân khổ sở vô cùng. Rồi cách mạng vùng lên giành chính quyền, ngày 2/9/1945 có cuộc mít tinh lớn, mừng ngày Độc lập ở vườn hoa thành phố, ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời, cán bộ Việt Minh nói cho nhân dân hiểu ý nghĩa của độc lập, của cờ đỏ sao vàng, của bài hát Quốc ca...
Rồi ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái, Bác nói chuyện với đồng bào ngay tại sân Căng, chỉ cách nhà tôi có trăm thước, hàng ngàn người từ các huyện, thị cùng đổ về để nghe Bác nói chuyện... Nhờ Đảng và Nhà nước, nhờ đổi mới mà phố phường đẹp thêm, khang trang thêm, người dân cuộc sống đã khá lên trông thấy.
Nhà tôi chưa giàu nhưng cũng đã có cuộc sống no đủ, các cháu đều học đại học, hiện đang làm việc cho các công ty của Nhà nước và liên doanh nước ngoài - Cụ Thược nói.
Chia tay cụ Thược, niềm háo hức đón chào Tết Độc lập dâng đầy trong tôi. Trời thu tháng Tám trong xanh. Gió thu nhè nhẹ nâng lá cờ đỏ sao vàng bay cao trong nắng càng làm cho nhịp sống của người dân Hồng Hà những ngày thành Tám lịch sử thêm vui.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần, cây cầu Trái Hút bắc qua sông Hồng, nối liền 2 xã An Bình và Đông An của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư và đưa vào sử dụng.
YBĐT - Trò chuyện với cụ Phạm Thị Thơm ở thôn 15, xã Đại Lịch (Văn Chấn) bên đình Bằng Là, cụ tâm sự: “Tôi cứ nghĩ có khi đến lúc chết cũng chẳng được nhìn thấy ô tô về thôn! Thế mà bây giờ thôn đã có đường trải nhựa và việc đi lại sướng quá rồi!...”.
YBĐT - Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Sùng Đô có 307 hộ dân với 2.017 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông. Đây cũng là địa phương có diện tích đất tự nhiên rộng trên 4 ngàn ha nhưng địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi.
Mỗi lượng vàng đột ngột vượt lên và bỏ xa mốc 29 triệu đồng vào sáng nay, sau khi thị trường thế giới có dấu hiệu nhảy vọt.