Yên Bái: Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2010 | 2:07:17 PM

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái khoá XVI, 5 năm qua, dù liên tục gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, song với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn, sự nỗ lực của bà con nông dân, sản xuất vẫn gặt hái được những kết quả khá toàn diện.

Nông dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thu hái chè, năng xuất bình quân ở đây đạt 8 tấn/ha.
Nông dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thu hái chè, năng xuất bình quân ở đây đạt 8 tấn/ha.

Giá trị sản xuất bình quân 5 năm tăng 4,83%/năm, cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực: tỷ trọng nông nghiệp giảm 1,15%, chăn nuôi, thủy sản tăng 1,45%...; giữ vững và mở rộng thêm một số vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giá trị trên mỗi ha diện tích canh tác tăng khá.

Nông dân hôm nay sản xuất không chỉ lấy lương thực mà sản xuất lúa, gạo làm hàng hoá, lấy giá trị trên mỗi đơn vị canh tác làm thước đo hiệu quả kinh tế. Là một tỉnh miền núi, diện tích lúa ruộng chưa đầy 20 ngàn ha, để cân đối an ninh lương thực, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung thâm canh cao, áp dụng những bộ giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, trong 5 năm, ngành nông nghiệp đã mở được 10.700 lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng 100 mô hình trình diễn cho trên 350 ngàn lượt hộ nông dân. Nếu như trước đây, nông dân Yên Bái sản xuất chỉ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì nay họ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào đầu tư thâm canh. 100% diện tích lúa được gieo cấy bằng giống lúa tiến bộ, cơ giới hoá trong khâu làm đất, thu hoạch.

 Những vùng lúa thuộc cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ), Đại-Phú-An (Văn Yên), Bạch Hà, Cẩm Nhân (Yên Bình), bắc Trấn Yên, Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên) đã đi vào sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, với tổng diện tích 5 ngàn ha. Đối với huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đưa 100% diện tích lúa lai vào gieo cấy. Hàng ngàn ha ruộng trước đây chỉ gieo cấy một vụ mùa nay đã được đưa vào gieo cấy 2 vụ chắc ăn.

Vụ đông năm 2009 - 2010, toàn tỉnh đã đưa vào gieo trồng trên 10 ngàn ha cây vụ đông, không dừng lại ở đó, nhiều huyện, thị còn tổ chức liên kết tốt “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bằng những hướng đi đó, sản xuất nông nghiệp Yên Bái liên tục giành thắng lợi, năng suất lúa tăng 10,5% so với năm 2005, tổng sản lượng lương thực năm 2010 đạt 238 ngàn tấn, đưa bình quân lương thực từ 277 kg/người/năm năm 2005 lên 318 kg/người/năm.

Cùng với cây lúa và hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng công nghiệp và trang trại, tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Chưa bao giờ phong trào chăn nuôi lại phát triển mạnh như hiện nay, tổng đàn gia súc chính tăng bình quân 5 năm 4,33%, trong đó đàn trâu tăng 2,66%, đàn bò tăng 4,64%, đàn lợn tăng 4,7%, gia cầm tăng 5,34%, sản lượng thịt năm 2010 đạt 23.200 tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2005. Quan trọng hơn là Yên Bái đã bổ sung và thực hiện tốt một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, như chăn nuôi bò bán công nghiệp, lợn, gà, vịt hàng hoá và thị trường. Nhờ vậy, tỉnh đã hình thành hàng ngàn mô hình chăn nuôi trâu, bò với số lượng từ 20 con đến 400 con, 350 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô trên 100 con trở lên. Mô hình chăn nuôi 400 con trâu, bò của anh Nguyễn Hữu Tuyến, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên là một minh chứng rõ nhất. Trang trại chăn nuôi từ 100 đầu lợn trở lên thì xã nào, địa phương nào cũng có vài chục hộ.

Chăn nuôi thủy sản cũng phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng đạt 17,62% /năm, sản lượng đạt trên 5.500 tấn, tăng 2 ngàn tấn so với năm 2005. Tất cả diện tích mặt nước đều được tận dụng nuôi trồng thuỷ sản, nhiều hộ gia đình còn đầu tư cả trăm triệu đồng để đào ao thả cá, nuôi tôm. Vùng Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) chăn nuôi cá ruộng đã và đang phát huy hiệu quả. Ở Trấn Yên, Yên Bình phát triển nuôi cá lồng, đến nay có hàng ngàn lồng cá. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao phát triển khá mạnh, như mô hình nuôi cá tầm của Công ty Phương Bắc (Yên Bình), nuôi cá hồi của anh Huy (Mù Cang Chải), nuôi ba ba khu vực Ba Khe (Văn Chấn). Với tốc độ chăn nuôi như hiện nay, chỉ một hai năm nữa Yên Bái sẽ cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn cá hồi, cá tầm và ba ba. Nhờ phát triển chăn nuôi mà nhiều hộ đã trở lên khá giả, có gia tài cả chục tỷ đồng.

Là cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Đề án phát triển chè giai đoạn 2006-2010. Sản xuất kinh doanh chè đã đạt được những kết quả nhất định. Toàn tỉnh đã tập trung trồng cải tạo, thay thế được trên 2 ngàn ha bằng giống chè lai LDP1, LDP2 và một số giống nhập nội; trồng mới được 382 ha. Sản lượng chè búp tươi tăng theo từng năm,  năm 2010 ước đạt 85 ngàn tấn, tăng 24.500 tấn so với năm 2005.

Người trồng chè đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thu hoạch, chất lượng chè búp nâng cao đáp ứng yêu cầu chế biến. Doanh nghiệp tích cực đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến, sản lượng chè đen chiếm 70%, còn lại là chè xanh, chè chất lượng cao. Từng bước đã xây dựng thương hiệu chè Ô Long, chè Bát Tiên, chè xanh Hương Lý... đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Dẫu trải qua nhiền thăng trầm của thị trường nhưng nhìn chung người làm chè vẫn sống được bằng nghề chè. Chè đã góp phần quan trọng vào phong trào xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Nói như vậy không có nghĩa là sản xuất nông nghiệp không còn những tồn tại, yếu kém. Dẫu đã có mức tăng trưởng khá, nhưng nhìn một cách tổng thể thì việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm, chất lượng và hiệu quả còn thấp, đặc biệt là cơ cấu giống lúa. Lúa lai vẫn chiếm tỷ trọng lớn, diện tích gieo cấy lúa thuần, lúa chất lượng cao thấp, không tập trung.

Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, song việc quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng lúa hàng hoá vẫn chưa cụ thể và rõ nét. Sản xuất đã theo hướng hàng hoá, nhưng vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa tạo ra khối lượng sản phẩm lớn để hình thành thị trường hàng hoá. Một điểm yếu nữa là sản xuất chưa gắn kết với chế biến, dẫn đến một số sản phẩm làm ra tiêu thụ khó, giá rẻ. Trong chăn nuôi chưa chú trọng đến phòng chống dịch bệnh, chất lượng nguồn giống không đảm bảo, chăn nuôi thiếu tính bền vững.

Trong sản xuất kinh doanh chè vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Vùng chè đặc sản vùng cao đã hình thành nhưng chưa rõ nét; chè cải tạo bằng giống mới chưa tập trung và hình thành vùng nguyên liệu chế biến lớn, người dân chưa thực sự sống bằng chè. Trong chế biến chè vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về chế biến chè cho phù hợp với từng vùng nguyên liệu. Có quá nhiều cơ sở chế biến, tổng công suất chế biến đã vượt quá hai lần khả năng cung cấp nguyên liệu. Các cơ sở chế biến có thiết bị cũ, lạc hậu, nhất là hàng loạt các cơ sở chế biến thủ công, không đảm bảo chất lượng, dẫn đến chất lượng sản phẩm chè thấp.

Sản phẩm chè của các doanh nghiệp đơn điệu, chủ yếu là chè đen chưa qua tinh chế và chưa xây dựng được chiến lược sản phẩm. Tiềm lực tài chính các doanh nghiệp yếu, không có điều kiện đổi mới thiết bị công nghệ nên hiệu quả kinh tế thấp và chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm. Quan hệ giữa người làm chè với doanh nghiệp thiếu gắn bó chặt chẽ, dẫn đến các cơ sở thiếu nguyên liệu sản xuất, giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được với cơ sở chế biến nhỏ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Khâu tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu chè bị thu hẹp, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Trong quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là quản lý về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và các chế tài cần thiết khác để bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị tham gia sản xuất.

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Những năm trở lại đây, ngành xây dựng Yên Bái đã có những bước phát triển lớn cả về số doanh nghiệp, số cán bộ công nhân, doanh thu và cả quy mô công trình nhận thầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng sự phát triển của ngành xây dựng thực sự chưa xứng với tiền năng và với nhu cầu của xã hội!

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, Thủ tướng cho phép các đơn vị hữu quan bỏ tờ khai hải quan cho tất cả hành khách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, tại các cửa khẩu đã được trang bị máy đọc hộ chiếu và nối mạng máy tính.

Chiều 12-9, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009, nhiều doanh nghiệp bị tăng thuế rất cao.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trước ý kiến cho rằng, Thông tư số 122/2010/TT-BTC về sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Giá nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới định hướng thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục