Chính thức công bố nhãn hiệu chè Ba Vì
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/10/2010 | 8:22:04 AM
Tối 14/10, tại Hà Nội, UBND huyện Ba Vì, TP Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chè Ba Vì được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Quyết định số 17407/QĐ-SHTT ngày 1/10/2010 chứng nhận nhãn hiệu chè Ba Vì.
Các lãnh đạo TP Hà Nội và Ba Vì vui mừng công bố logo thương hiệu chè Ba Vì
|
Đó chính là kết quả của cả một quá trình dài xây dựng thương hiệu và từ nay chè Ba Vì được định danh để phát triển mạnh hơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cây chè và nghề trồng chè đã có ở Ba Vì từ lâu đời, trước đây chủ yếu là chế biến thủ công, sản phẩm chè làm ra được cung cấp cho nhu cầu thưởng thức của nhân dân trong vùng và khu vực. Đến năm 2007, nghề trồng và chế biến chè ở Ba Trại chính thức được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề chè Ba Trại.
Những năm gần đây do áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các khâu: giống, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt là trong khâu chế biến có nhiều thay đổi lớn, từ chế biến thủ công chuyển sang bằng công nghiệp và đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…; vì vậy diện tích, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của huyện Ba Vì tăng lên rõ rệt, khuyến khích các hộ, các điạ phương và doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển vùng chè.
Hiện nay, huyện đã có 6 nhà máy chế biến chè và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công, tổng sản lượng năm 2009 đạt gần 3000 tấn. Sản lượng chè xuất khẩu mỗi năm của huyện đạt 50 - 60% tổng sản lượng chè của huyện, với các thị trường tiêu thụ như: Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông… Năm 2009 giá trị sản xuất chè của huyện ước đạt 160 tỷ đồng (trong đó xuất khẩu đạt khoảng 5 triệu USD).
Cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho hơn 10.000 người làm việc trong các nông trường, công ty chè và các hộ gia đình trong huyện, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Chè Ba Vì có đặc điểm là các giống chè trung du lá nhỏ, chè Ô Long, Kim Tuyên chất lượng cao, được trồng tập trung tại những vùng đất tơi xốp, hình thành trên các loại đá mẹ, mác ma, vàng đen của các xã miền núi và đồi gò của huyện Ba Vì.
Chè được trồng từ nguồn nước sạch, phân bón hợp lý, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hương vị đậm đà, thơm ngon, đậm hương và ngọt hậu, lưu giữ hồn quê và mang bản sắc xứ Đoài. Hiện nay các sản phẩm chính của chè Ba Vì là: chè xanh, chè đen các loại và chè ướp hương.
Huyện Ba Vì có “tham vọng” phấn đấu đến năm 2015 có diện tích trồng chè đạt 2.500ha, đến 2020 là 3.000 ha; năng suất bình quân chè búp tươi đạt 15 tấn/ha; giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 500 tỷ đồng (trong đó giá trị xuất khẩu là 25 triệu USD); tạo công ăn việc làm từ 1 vạn lao động của năm 2010 thành 3 vạn lao động năm 2020.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Ngày 14/10, lần đầu tiên, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương công bố báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Báo cáo đã vạch trần nhiều hành vi làm giá, trong đó đặc biệt là giá sữa...
YBĐT - Nhờ xóa bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu, đổi mới về tư duy, tích cực đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất nên cuộc sống của đồng bào xã vùng cao Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hôm nay đã ổn định và phát triển.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 22/2010/TT-BTTTT, liên quan đến việc nghiêm cấm sử dụng nội dung, hình ảnh, họa tiết, màu sắc của tiền Việt Nam và nước ngoài để in vàng mã.
Giá vàng trong nước sáng nay, 14 - 10, tăng mạnh, vượt mức 33 triệu đồng/lượng. Lúc 9h53, giá SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh niêm yết giá 33,03 triệu đồng/lượng mùa vào, bán ra 33,10 triệu đồng/lượng.