Cần xem lại hiệu quả công tác tiêm phòng cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/11/2010 | 9:19:07 AM

YBĐT - Năm 2010, công tác tiêm phòng đã bị chậm 2-3 tháng theo kế hoạch đề ra. Theo Chi cục Thú y, tiêm phòng đợt một phải thực hiện vào tháng 2 đến tháng 3, đợt 2 sau đó 6 tháng, tức là vào tháng 8 đến tháng 9. Tuy nhiên do kinh phí đối ứng của tỉnh để mua vác-xin tiêm phòng được phê duyệt chậm nên đến tận tháng 4, ngành thú y mới có vắc - xin để bắt đầu triển khai tiêm phòng đợt một khiến việc tiêm đợt hai cũng phải lùi lại đến tháng 10. Chính sự chậm trễ này là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát ở diện rộng trên khắp địa phương trong tỉnh.

Một đàn bò nuôi theo phương thức bán công nghiệp. (Ảnh: Thế Cường)
Một đàn bò nuôi theo phương thức bán công nghiệp. (Ảnh: Thế Cường)

Theo quy trình của ngành thú y, việc tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm năm nay thực hiện làm 2 đợt, đợt một từ tháng 2 đến tháng 3, đợt hai từ tháng 8 đến tháng 9. Tuy nhiên do bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng chậm 2 tháng nên đến tháng 5 mới tiêm xong đợt một và đến nay toàn tỉnh vẫn chưa xong đợt hai. Việc tiêm phòng không đảm bảo đúng thời gian là nguyên nhân dẫn đến bùng phát các dịch lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng trên đàn gia súc thời gian qua.

Báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh cho thấy: ngày 27/1, dịch LMLM xảy ra tại thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, thôn Đồng Tanh, Đồng Tâm của xã Phúc An (huyện Yên Bình), tổng số có 41 con gia súc bị mắc bệnh. Điều đáng nói là số gia súc này đều chưa tiêm phòng (năm 2010) và thôn Khe Gầy của xã Tân Hương lần đầu tiên xuất hiện dịch. Ngày 25/9 đến 29/9, ngay trước thời điểm chuẩn bị tiêm phòng đợt hai tại thôn 1 và thôn 3 xã An Lạc, huyện Lục Yên có 11 con trâu mắc bệnh LMLM. Để ngăn dịch lây lan, UBND huyện Lục Yên đã cho tiêu huỷ toàn bộ số gia súc mắc bệnh.

Cũng trong tháng 9, tại huyện Mù Cang Chải phát hiện ra ổ dịch tụ huyết trùng làm 8 con bị chết. Trước đó, rải rác các tháng đầu năm, toàn huyện có 21 con bị mắc tụ huyết trùng, trong đó 14 con đã  chết. Trong tháng 8, nhiều xã của các huyện Văn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu cũng xuất hiện bệnh tụ huyết trùng làm chết nhiều gia súc. 10 tháng đầu năm, dịch LMLM, tụ huyết trùng đã xảy ra ở 11 xã thuộc 5 huyện của tỉnh, làm 94 con gia súc bị mắc bệnh, trong đó đã có 29 con chết, tiêu huỷ 11 con. Dịch xuất hiện ở nhiều xã trong đó có xã xuất hiện lần đầu. So với cùng kỳ năm 2009, dịch đã xuất hiện ở phạm vi rộng hơn, số gia súc mắc bệnh và phải tiêu huỷ cao hơn. Thực trạng trên cho thấy, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc hiệu quả chưa cao, còn nhiều bất cập, hạn chế.

Năm 2010, công tác tiêm phòng đã bị chậm 2-3 tháng theo kế hoạch đề ra. Theo Chi cục Thú y, tiêm phòng đợt một phải thực hiện vào tháng 2 đến tháng 3, đợt 2 sau đó 6 tháng, tức là vào tháng 8 đến tháng 9. Tuy nhiên do kinh phí đối ứng của tỉnh để mua vác-xin tiêm phòng (Trung ương chỉ cấp 50% kinh phí tiêm phòng) được phê duyệt chậm nên đến tận tháng 4, ngành thú y mới có vắc - xin để bắt đầu triển khai tiêm phòng đợt một khiến việc tiêm đợt hai cũng phải lùi lại đến tháng 10. Chính sự chậm trễ này là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát ở diện rộng trên khắp địa phương trong tỉnh.

 

Nông dân Văn yên chăm sóc trâu nái sinh sản. (Ảnh: Văn Thông)

Quá trình diễn biến cho thấy, dịch chủ yếu bùng phát ở các xã vùng cao, vùng sâu mà lâu nay công tác tiêm phòng luôn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, tỷ lệ tiêm phòng đợt một vắc-xin LMLM và tụ huyết trùng toàn tỉnh đạt 88,9%, hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng đạt trên 80%. Từ nhiều năm nay, báo cáo của ngành thú y cho thấy tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc - xin này cũng đạt trên 90%.

Tại sao với tỷ lệ khá cao như vậy mà dịch bệnh vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục làm hàng chục con trâu, bò bị chết? Không chỉ riêng năm 2010, việc tiêm phòng bị chậm hơn so với kế hoạch do kinh phí được phê duyệt chậm mà ngay cả khi công  tác tiêm phòng được thực hiện đúng thời gian yêu cầu như những năm trước đây thì dịch bệnh vẫn xảy ra!

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm dịch vận chuyển gia súc trong và ngoài tỉnh cũng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nghe nhiều ý kiến của người chăn nuôi cho rằng, có đơn vị cung ứng giống 2 năm liền thì đều là những con giống đã ủ bệnh. Điển hình như xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, người dân nhận bò hôm trước thì vài hôm sau bệnh LMLM xuất hiện trên số bò vừa nhận về từ Dự án Giảm nghèo và lây sang đàn bò địa phương. Hay có những xã chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh LMLM nhưng khi nhận bò từ Dự án thì phát sinh bệnh!

Từ thực tế, đã đến lúc chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm phòng, công tác kiểm dịch. Cần phải có chế tài, quy trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị, địa phương nếu như để xảy ra dịch bệnh hoặc vi phạm các nguyên tắc trong công tác phòng chống dịch. Có như vậy, đàn gia súc trên địa bàn mới đảm bảo duy trì và tăng trưởng bền vững, đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Anh Dũng

Các tin khác

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 22 hạn chế nghiệp vụ giao dịch vàng của các ngân hàng thương mại là một quyết định đúng

Các công ty kinh doanh gas thông báo, kể từ hôm nay 1.11, giá gas tăng 2.083 đồng/kg, tương đương 25.000 đồng/bình 12 kg.

Kiểm tra đàn ong nuôi tại rừng cao su

Ngày 30/10, Hội nghị quốc tế về phát triển nuôi ong và thương mại mật ong đã diễn ra tại Hà Nội nhằm trao đổi kinh nghiệm và các giải pháp để hướng tới mục tiêu phát triển mạnh và bền vững nghề nuôi ong.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2011 sẽ đạt 7,2%, mức cao thứ ba trong các nước Châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam sẽ là một trong ba nước duy nhất có mức tăng trưởng năm 2011 cao hơn 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục