Xã hội hóa công tác phòng chống cháy rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 1/11/2010 | 9:38:28 AM
YBĐT - Mùa khô hanh 2010-2011 lại đến, nỗi lo cháy rừng được các cấp, các ngành và các chủ rừng đặt lên hàng đầu, nhất là đối với khu vực phía Tây (Văn Chấn, Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải). Không lo sao được khi một hai năm trở lại đây số vụ cháy rừng ngày một gia tăng, hàng trăm ha rừng bị thiêu rụi, gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Yên Bái kiểm tra một xưởng đóng đồ mộc tại xã Hợp Minh. (Ảnh: Trường Phong)
|
Chỉ tính riêng mùa 2010 này, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ cháy rừng với diện tích cháy trên 1 ngàn ha, tập trung ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Vậy đâu là nguyên nhân.
Câu hỏi đó không khó trả lời và chắc chắn khi được hỏi bất cứ một vị lãnh đạo xã, huyện, chủ rừng hay cán bộ kiểm lâm ở các xã thường xuyên xảy ra cháy rừng cũng đều trả lời là do đồng bào vùng cao đốt nương làm rẫy.
Đành rằng đó là nguyên nhân chính, nhưng câu hỏi đặt ra là dù đã biết đó là nguyên nhân chính từ nhiều năm nay, nhưng tại sao vẫn không hạn chế được? Và rồi trách nhiệm của xã, huyện, chủ rừng và cán bộ kiểm lâm đến đâu? Huyện nào, xã nào cũng thành lập tổ đội phòng chống cháy rừng, tổ đội xung kích và đều có kiểm lâm viên phụ trách, nhưng cháy rừng vẫn cứ xảy ra? Vẫn biết lực lượng kiểm lâm địa bàn còn mỏng, trong khi diện tích rừng lại quá lớn, địa hình phức tạp, dẫn tới kiểm lâm viên chưa làm tròn trách nhiệm được giao. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến nghiệp vụ kiểm lâm viên còn yếu, không biết tiếng địa phương, không nắm bắt được phong tục, tập quán nên việc tuyên truyền, phổ biến tới dân không sâu sắc.
Sự phối hợp giữa chính quyền xã, kiểm lâm viên và chủ rừng chưa chặt chẽ, người dân thiếu kiến thức trong sản xuất nương rẫy. Không phải đến nay, khi diện tích rừng đã bị cháy để rồi chúng ta ngồi quy trách nhiệm cho nhau, nhưng có vấn đề không thể không nói đến là công tác quản lý bảo vệ rừng ở vùng cao đang còn nhiều bất cập. Toàn bộ diện tích rừng đã cháy ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải trong thời gian vừa qua đều có chủ rừng, vậy việc quản lý, bảo vệ của các chủ rừng ở đâu? Hàng trăm ha rừng đã bị thiêu rụi, thiệt hại rất lớn nhưng không thể tính được bằng tiền mà phải tính bằng mỗi cuộc đời người dân vùng cao.
Thiết nghĩ các ngành chức năng, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần phải có cái nhìn thấu đáo để rút ra những bài học kinh nghiệm. Nếu chúng ta cứ làm như hiện nay và người dân vẫn thiếu ý thức trong công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) thì lửa rừng vẫn mãi cháy theo năm, theo tháng.
Để công tác PCCCR hiệu quả, trước tiên chúng ta phải xã hội hoá công tác PCCCR. Tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng vào cuộc làm tốt công tác PCCCR, chúng ta phải lấy phòng là chính. Bởi thực tế, khi rừng đã cháy thì rất khó có thể khống chế được. Rừng là cuộc sống gắn liền với con người, nó không chỉ nuôi sống chúng ta về kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường, giữ nước, tránh lũ quét, trôi rửa đất... Vấn đề mấu chốt là phải cương quyết và xử lý nghiêm các trường hợp phát rừng làm nương rẫy ở vùng cao. Giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ xã chuyên trách, kiểm lâm viên phụ trách xã và các chủ rừng về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì cán bộ nơi đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nương rẫy, rà soát lại toàn bộ diện tích hiện có, để từ đó làm cơ sở cho phát triển sản xuất nương rẫy lâu dài. Các xã có diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng phát rừng làm nương rẫy của bà con nhân dân. Lực lượng kiểm lâm viên thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật đốt nương cho các hộ dân, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình đốt nương. Trong công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, PCCCR cần tuyên truyền bằng cả hai thứ tiếng, tiếng phổ thông và tiếng dân tộc bản địa. Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã được phê duyệt.
Hiền Lương
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, tại Công ty Cổ phần chè Liên Sơn - huyện Văn Chấn (Yên Bái), Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND huyện Văn Chấn tổ chức “Lễ ra quân trồng cải tạo chè năm 2010”.
YBĐT - Năm 2010, công tác tiêm phòng đã bị chậm 2-3 tháng theo kế hoạch đề ra. Theo Chi cục Thú y, tiêm phòng đợt một phải thực hiện vào tháng 2 đến tháng 3, đợt 2 sau đó 6 tháng, tức là vào tháng 8 đến tháng 9. Tuy nhiên do kinh phí đối ứng của tỉnh để mua vác-xin tiêm phòng được phê duyệt chậm nên đến tận tháng 4, ngành thú y mới có vắc - xin để bắt đầu triển khai tiêm phòng đợt một khiến việc tiêm đợt hai cũng phải lùi lại đến tháng 10. Chính sự chậm trễ này là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát ở diện rộng trên khắp địa phương trong tỉnh.
Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 22 hạn chế nghiệp vụ giao dịch vàng của các ngân hàng thương mại là một quyết định đúng
Các công ty kinh doanh gas thông báo, kể từ hôm nay 1.11, giá gas tăng 2.083 đồng/kg, tương đương 25.000 đồng/bình 12 kg.