Trạm Tấu: Chủ động hơn nữa phòng chống dịch bệnh cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2010 | 9:13:14 AM

YBĐT - Nhiệm kỳ 2011-2015, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) phấn đấu đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Do đó công tác phòng dịch, chống rét cho gia súc mỗi khi mùa đông đến luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các phòng ban chuyên môn.

Rất ít hộ dân ở Trạm Tấu có chuồng trại để nhốt gia súc.
Rất ít hộ dân ở Trạm Tấu có chuồng trại để nhốt gia súc.

Hiện nay Trạm Tấu có hơn 9.000 con trâu, bò; đàn lợn hơn 13.000 con; đàn dê gần 3.000 con.Đồng chíNguyễn Văn Chiến - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: "Để chủ động đối phó với rét đậm rét hại, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc gia súc, gia cầm; tăng cường cán bộ về cơ sở, giám sát, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chống rét, chống dịch bệnh cho đàn gia súc”. Đây cũng là thời điểm ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo cán bộ, phối hợp với các đơn vị trong khối chuẩn bị các phương án chống rét cho gia súc.

Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Trạm Tấu cho biết: "Ngay sau khi thu hoạch vụ mùa, Phòng đã hướng dẫn người dân tích trữ rơm rạ, (tối thiểu 500kg/1 con trâu, bò), tăng cường chăm sóc diện tích cỏ và cây thức ăn khác như: cây ngô, cây chuối… Ngoài ra tổ chức tuyên truyền người dân bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh (cám, bột ngô, bột sắn…) hoặc cháo nóng, cho trâu, bò uống nước ấm pha thêm muối loãng để tăng khả năng chống rét”.

Mùa đông ở Trạm Tấu nhiệt độ thường xuống thấp và kéo dài kết hợp với độ ẩm không khí cao làm cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng để chống rét, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp có điều kiện bùng phát. Do đó, công tác tiêm phòng đã được Trạm Thú y huyện triển khai ngay sau khi có vắc xin. Đến thời điểm này toàn huyện đã tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 13.000 liều, tụ huyết trùng lợn 6.000 liều, dịch tả lợn 10.000 liều. Riêng vắc xin lở mồm long móng mới tiêm được 70% do vắc xin đến chậm, nhưng dự kiến đến 25/11 cũng sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, sự hạn chế trong nhận thức và tập quán chăn thả của người dân vẫn là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Trên thực tế chỉ có hơn 15% số hộ có chuồng nhốt gia súc, không ít hộ dân có chuồng nhưng vẫn thả rông gia súc và rất ít hộ quan tâm đến việc dự trữ thức ăn. Việc dự trữ thức ăn của người dân cũng chưa đúng kỹ thuật mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật rất nhiều lần.

Đơn giản như dự trữ rơm rạ, hiện nay sau khi thu hoạch người dân chỉ chất thành đống, trong khi theo yêu cầu cần phải xử lý qua nước vôi, sau đó rửa sạch phơi khô cho rơm mềm đi thì mới để được lâu và gia súc khi ăn dễ tiêu hoá. Bài học từ đợt rét 2008 vẫn còn nguyên giá trị, nhưng tâm lý chủ quan của người dân vẫn còn. Vấn đề này được thể hiện rõ hơn qua kết quả tiêm phòng, hàng năm toàn huyện chỉ tiêm được 85% số gia súc theo kế hoạch. Chưa nói đến việc lãng phí 15% số thuốc không sử dụng hết, mà chất lượng và hiệu quả tiêm cũng chưa cao.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Chiến, vắc xin được bảo quản trong điều kiện lạnh, nên chỉ cấp phát thuốc trong ngày khi triển khai tiêm tại các thôn bản. Tuy nhiên, thực tế thuốc về thôn, bản thì sau 1-2 ngày mới được tiêm mà các hộ dân sống phân tán cách xa nhau, có khi đến nhà gia súc lại thả trên rừng không thể tiêm phòng cũng làm giảm hiệu quả phòng bệnh. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh vẫn xảy ra lẻ tẻ ở nhiều xã. Hiện nay Trạm Thú y huyện mới chỉ có 4 cán bộ trong đó mới có 2 biên chế, 12 xã thị trấn đều đã có thú y viên cơ sở, tuy nhiên chỉ có 2 người đã qua đào tạo trung cấp, số còn lại mới chỉ qua vài lớp tập huấn thú y chưa thể đáp ứng yêu cầu công tác.

Hàng năm vào mùa đông, Trạm Tấu vẫn có gia súc chết do bị rét, dịch bệnh, điển hình như năm 2008 số lượng trâu bò bị chết lên tới hàng trăm con. Để hạn chế những thiệt hại không đáng có, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không thả rông gia súc, tuân thủ các quy định về tiêm phòng... Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn thì công tác thú y cần phải được quan tâm hơn nữa, trong đó cấp bách hiện nay là  nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở để đội ngũ này làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ và chẩn đoán điều trị một số bệnh thông thường tại địa phương mình quản lý. Về lâu dài cần bổ sung thêm biên chế cho Trạm Thú y huyện, tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ thú y viên có trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Anh Dũng

Các tin khác
Cầu máng công trình thuỷ lợi Khuổi Nậm, Ngòi Sài xã Ngọc Chấn.

YBĐT - Thực hiện chính sách đầu tư theo Chương trình 135 của Nhà nước, năm 2010 huyện Yên Bình được đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn vùng 3.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, trong tháng 11, cả nước có thêm 74 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn 512 triệu USD. Tuy nhiên, không có thêm vốn tăng thêm cho các dự án đang hoạt động.

Ngày 25-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ra chỉ thị về việc khẩn trương đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân ở 3 khu vực đang bị khô hạn nhất nước gồm: miền Bắc, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Ngày 25/11, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) công bố bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục