Nỗi niềm vùng rau

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2010 | 9:27:43 AM

YBĐT - Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phát triển vùng rau an toàn, để cây rau Tuy Lộc thực sự có thương hiệu giúp nông dân sống được bằng nghề trồng rau là nỗi niềm trăn trở của người trồng rau Tuy Lộc hôm nay!

Dù khó khăn nhưng những loại rau chính như bắp cải, su hào vẫn tiếp tục được trồng trong vụ đông này dù phải nhường một phần diện tích cho trồng hoa.
Dù khó khăn nhưng những loại rau chính như bắp cải, su hào vẫn tiếp tục được trồng trong vụ đông này dù phải nhường một phần diện tích cho trồng hoa.

Có người bảo vài ba mươi năm, có người bảo còn lâu hơn thế, nhưng có một điều chắc chắn là thành phố Yên Bái từ khi sơ khai hình thành thì vùng rau Tuy Lộc cũng đã ra đời để phục vụ  nhu cầu người dân thành thị. Do vậy nhắc đến Tuy Lộc là nhắc đến rau xanh. Tuy nhiên từ đó đến nay, vùng rau an toàn của Tuy Lộc vẫn chưa hình thành, cây rau xanh vẫn chứa những nỗi niềm của người nông dân nơi đây.

Dù khó khăn nhưng những loại rau chính như bắp cải, su hào vẫn tiếp tục được trồng trong vụ đông này dù phải nhường một phần diện tích cho trồng hoa.

Nằm ngay sát sông Hồng, địa hình ít bị chia cắt, độ dốc không lớn, hàng năm lại được phù sa sông Hồng bồi đắp nên cánh đồng Tuy Lộc đặc biệt phù hợp với việc trồng rau xanh. " Cấy cây rau xuống, quãi hạt bón phân, chịu khó chăm bón là rau tốt bời bời", chị Thỏa, một người trồng rau ở thôn Tân Thành bảo.

Là xã thuần nông nhưng phần lớn người dân Tuy Lộc sống bằng nghề trồng rau xanh. Trưởng thôn Tân Thành, anh Nguyễn Xuân Tĩnh cho biết: "Cả thôn có 162 hộ thì trên 100 hộ trồng rau xanh cung cấp cho thị trường. Cây rau đã giúp số hộ nghèo và cận nghèo của thôn Tân Thành giảm xuống còn 16 hộ".  Cây rau xanh hiệu quả như vậy nên vụ này gia đình anh cũng đầu tư gần 2 triệu đồng để trồng 3 ngàn cây bắp cải và 1 ngàn cây súp lơ với hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ thêm một nguồn thu kha khá trang trải cuộc sống và đảm bảo chi tiêu trong dịp tết.

Được biết, rau Tuy Lộc được trồng một năm 3 vụ: đông, xuân hè và hè thu. Mùa nào thức đấy, từ bắp cải, su hào, rau muống, cải, dưa, cà... Nhưng trồng được rau rồi, khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm mới quan trọng. Người trồng rau phải dậy từ hai, ba giờ sáng để  rau kịp sáng sớm xuống đem bán đổ cho các chợ thành phố. Vất vả là vậy nhưng cây rau cũng bù đắp lại cho người trồng ra bởi hiệu quả kinh tế mà nó đem lại lớn.

Theo tính toán hiện nay, chi phí bình quân 1 ha rau an toàn trên một năm là 100,71 triệu đồng, tổng doanh thu bình quân một năm đạt 176 triệu đồng, trừ chi phí bình quân còn lãi 75 triệu 530 ngàn đồng, thu nhập bình quân một lao động/tháng là 2,6 triệu đồng, trong khi đó trồng lúa hay lúa xen màu lợi nhuận chỉ khoảng 18 đến 20 triệu đồng/năm. Rõ ràng trồng rau lợi gấp 2, 3 lần trồng lúa, màu. Chẳng vậy mà những ngôi nhà xây hai, ba tầng mọc nhiều bên tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang và các nhà trong xóm từ Minh Đức, Xuân Lan, Tân Thành, Thanh Sơn...! Tìm hiểu được biết, Tuy Lộc có 1.240 hộ dân, 4.200 nhân khẩu giờ trong xã chỉ còn 68 hộ nghèo, riêng số hộ nghèo của Hội Nông dân chỉ còn 18. Cây rau đem lại cuộc sống ấm no cho nông dân, tuy nhiên nó cũng ẩn chứa không ít nỗi niềm.

Theo Niên giám thống kê năm 2008, thành phố Yên Bái có 357 ha rau, sản lượng đạt 5.735 tấn. Các loại rau được sản xuất chủ yếu là: su hào, bắp cải, rau muống, rau cải, đậu đỗ, dưa chuột, các loại rau gia vị, bầu bí, mướp... Sản lượng rau trên địa bàn thành phố hiện nay chưa cung cấp đủ cho thị trường, do vậy để có đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hàng ngày thành phố phải nhập rau từ các vùng lân cận như Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên... và các tỉnh miền xuôi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ...

 Đưa chúng tôi thăm cánh đồng rau, bà Tạ Thị Trường - Hội trưởng Hội Nông dân xã nhớ lại, có thể bảo Tuy Lộc sản xuất rau hàng hóa từ năm 1964 khi xã hình thành tổ sản xuất rau để cung cấp cho sân bay Yên Bái. Lúc đó, diện tích cao điểm có đến 60 ha. Sau chiến tranh, thời kỳ bao cấp, rau cũng trồng đến 35 ha cung cấp cho cửa hàng Rau cá thành phố để đổi lấy lương thực! Đúng là thời huy hoàng của rau Tuy Lộc! Vậy mà hôm nay, vào vụ trồng chính nhưng cánh đồng rau bát ngát hôm nào giờ đã bị thu hẹp bởi ngô và hoa... Tần ngần bên gánh cải ngọt vừa mới hái, bà Sử, một nông dân có thâm niên trên 40 năm trong nghề trồng rau bảo: "Rau năm nay ế lắm chú ạ, đầu vụ còn được mười ngàn một kg, nay chính vụ chỉ còn một, hai ngàn đồng". Nhưng tiếc công sức bỏ ra hàng tháng trời nay, mặc dù trời chiều, bà Sử vẫn tong tả gánh rau xuống thành phố để bán hòng gỡ gạc lấy vài đồng! 

Thời buổi cạnh tranh tự do, việc được mất trong sản xuất  giờ đã là chuyện bình thường và việc diện tích rau ở Tuy lộc bị thu hẹp cũng là chuyện bình thường. Nhưng có lẽ, việc được mất của người dân Tuy Lộc đã được báo trước do đến nay người dân nơi đây vẫn trồng rau theo phương pháp truyền thống. Có nghĩa là chủ yếu là khai thác lợi thế tự nhiên, theo mùa vụ, vào thời kỳ cao điểm của các mùa vụ thì lượng hàng hóa tập trung cao, không tiêu thụ nhanh thì lỗ, nhưng trái vụ không có. Trong khi đó, rau Tuy Lộc lại chịu sự canh tranh quyết liệt của các vùng rau khác với sản lượng cao hơn, giá thành thấp hơn. Mà kết quả của quá trình sản xuất theo kiểu tự phát này Trưởng thôn Tân Thành là người thấm thía nhất, bởi năm 2008 gia đình anh đã phải chặt bỏ 3.000 gốc bắp cải (khoảng 6 tấn rau) để làm phân vì giá bán quá thấp, chi phí thu hoạch cao hơn gấp mấy lần giá trị ruộng rau.

 

Một số diện tích đã được người nông dân Tuy Lộc chuyển sang trồng hoa.

Công bằng mà nói, không phải từ trước đến nay người dân Tuy Lộc chưa được chuyển giao kỹ thuật để sản xuất rau bài bản, đáp ứng nhu cầu thị truờng. Đó là vào năm 2002, UBND thành phố Yên Bái có dự án xây dựng cơ sở thí điểm trồng rau an toàn tại xã với diện tích 1,5 ha. Do đó, cơ sở hạ tầng một số điểm đã được đầu tư khá cơ bản gồm: hệ thống tưới tiêu, lưới rào chắn, mái che..., người nông dân được chuyển giao KHKT, phương pháp trồng rau an toàn. Tuy nhiên theo thời gian, dự án hết thì vùng rau an toàn cũng mất tăm luôn bởi nguyên nhân chính vẫn do người dân chưa theo kịp thị trường, vẫn cứ dễ  làm khó bỏ. Các loại rau cao cấp và trái mùa gần như bỏ ngỏ, sản xuất thì mang tính tự phát nhỏ lẻ, thời vụ bố trí không hợp lý.

Nhiều hộ dân trồng rau đã áp dụng và tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau an toàn song đến khi thu hoạch lại không biết xác nhận chất lượng an toàn ở đâu, khi bán không có gì chứng minh là rau an toàn nên không được giá. Trong khi đó, vẫn còn nhiều hộ dân chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau an toàn nên rau sản xuất ra chưa đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Sau đó một dạo, thành phố và xã đã xây dựng điểm bán rau an toàn tại 3 điểm chợ là Nam Cường, Nguyễn Thái Học và  chợ Km 4 Đồng Tâm nhưng chỉ được vài tháng những điểm chợ này cũng "chết yểu" bởi  lượng hàng cung cấp không thường xuyên, giá cao, người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng, chưa kịp quen, chưa nhận thức được giá trị của rau an toàn thì đã hết rau bán!

Rau xanh luôn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, vì vậy nhu cầu của thị trường rất lớn. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phát triển vùng rau an toàn, để cây rau Tuy Lộc thực sự có thương hiệu giúp nông dân sống được bằng nghề trồng rau là nỗi niềm trăn trở của người trồng rau Tuy Lộc hôm nay! Có lẽ, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước trong hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu trồng rau cần phải quản lý chỉ đạo, phân công, phân cấp rõ ràng trong xây dựng kế hoạch phát triển rau an toàn hàng năm, xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến bao tiêu đầu ra cho nông dân...

Chỉ khi nào nhận thức của người nông dân thay đổi, tự giác liên kết lại, thành lập các liên gia, tổ nhóm, hợp tác xã... chuyên sản xuất rau; việc trồng rau được lập kế hoạch, được tính thời vụ, các loại rau đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và rau xanh được cơ quan chức năng chứng nhận về sản xuất rau an toàn  được nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng... thì có lẽ cây rau xanh Tuy Lộc mới có cơ hội phát triển!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Rất ít hộ dân ở Trạm Tấu có chuồng trại để nhốt gia súc.

YBĐT - Nhiệm kỳ 2011-2015, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) phấn đấu đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Do đó công tác phòng dịch, chống rét cho gia súc mỗi khi mùa đông đến luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các phòng ban chuyên môn.

Cầu máng công trình thuỷ lợi Khuổi Nậm, Ngòi Sài xã Ngọc Chấn.

YBĐT - Thực hiện chính sách đầu tư theo Chương trình 135 của Nhà nước, năm 2010 huyện Yên Bình được đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn vùng 3.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, trong tháng 11, cả nước có thêm 74 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn 512 triệu USD. Tuy nhiên, không có thêm vốn tăng thêm cho các dự án đang hoạt động.

Ngày 25-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ra chỉ thị về việc khẩn trương đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân ở 3 khu vực đang bị khô hạn nhất nước gồm: miền Bắc, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục