Đề nghị đưa cá tra khỏi danh mục đỏ
- Cập nhật: Thứ năm, 9/12/2010 | 8:29:24 AM
Ngày 8-12, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, khi chưa rõ ràng về các tiêu chí, báo cáo đánh giá, các tổ chức Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) ở châu Âu cần đưa cá tra khỏi danh mục đỏ. Việc làm này, nếu không giải quyết cẩn thận, sẽ ảnh hưởng tới uy tín của WWF.
WWF cần đưa cá tra ra khỏi danh mục đỏ khi chưa có chứng cứ rõ ràng.
|
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, sáng 8-12, Tổng cục đã đối thoại trực tiếp với WWF Việt Nam quanh việc xếp cá tra vào danh mục đỏ trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 của 6 tổ chức WWF ở châu Âu.
Theo ông Tuấn, phía WWF Việt Nam không tham gia quá trình đánh giá trên. Đơn vị này cũng cho biết họ chưa có bộ tiêu chí đánh giá và báo cáo đánh giá, sớm nhất ngày 13-12 tới mới có. Hai bên cũng thống nhất khi có tài liệu trên, sẽ thảo luận những tiêu chí, đánh giá đó có phù hợp không.
Theo ông Tuấn, việc đưa một sản phẩm có tính quốc gia như cá tra vào danh mục là điều không thể chấp nhận. “Vì khi đánh giá cá tra có đạt tiêu chuẩn A, B hay C, chỉ đánh giá trong những vùng, ao nuôi, hệ thống nuôi cụ thể. Còn sản phẩm có tính chất toàn quốc, trải rộng ở nhiều địa phương, vùng khác nhau, cần một đánh giá rất toàn diện, công phu”, ông Tuấn nói.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị, khi chưa rõ ràng về mặt tiêu chí, số liệu đánh giá báo cáo, WWF Việt Nam phải có tiếng nói chính thức, đề nghị WWF ở các nước đưa cá tra ra khỏi danh mục đỏ.
Bất bình trước thông tin gây bất lợi cho cá tra Việt Nam, ông Nguyễn Tử Cương, đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Một số tổ chức WWF ở châu Âu đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của Hiệp định FPS, thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), buộc các quốc gia và tổ chức phi chính phủ phải tuân thủ.
“Tiêu chí của WWF là hoạt động đa biên, tức là phối hợp với nhiều bên. Thế mà họ vào đây thực hiện, dân không biết, Hội nghề nuôi không được mời, Bộ NN&PTNT không được báo, các tỉnh thành không được gọi. Một số tổ chức WWF ở châu Âu đã vi phạm nguyên tắc của chính mình là không khách quan và công khai, dẫn đến kết luận sai”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, mỗi vùng nuôi đều có quy trình khác nhau. Trên 20 hộ nuôi lớn được nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP, và nhiều hộ nuôi đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Một chuyên gia thủy sản khẳng định: Về thị trường, hiện rất nhiều nước công nhận cá tra Việt Nam an toàn thực phẩm, an toàn môi trường nên nhập khẩu nhiều sản phẩm này như EU (28 nước), Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN.
Việt Nam vẫn bán hàng bình thường, không mất thị trường, nhưng thông tin vừa qua đã bôi nhọ người nuôi cá tra Việt Nam, gây tâm lý không tốt với người tiêu dùng châu Âu, gây bất lợi cho nghề nuôi cá tra khi Việt Nam đưa ra chiến lược phát triển loài cá này đến năm 2020.
(Theo TPO)
Các tin khác
Chiều 8/12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đã kết thúc tốt đẹp. Cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD. Cũng tại Hội nghị, vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô được các nhà tài trợ đặt ra với nhiều lo ngại.
YBĐT - Ngày 8/12, UBND tỉnh Yên Bái, Ban chỉ huy PCCCR tỉnh tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2010-2012. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Trong khi ở nhiều địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhưng sau mỗi vụ thu hoạch lúa hàng ngàn tấn rơm, rạ phải bỏ tại ruộng, vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường thì ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) có một nhóm thanh niên đã biết tận dụng nguồn phụ phẩm này để phát triển nghề trồng nấm rơm cho thu nhập cao.
YBĐT - Trong tháng 10, do các doanh nghiệp sản xuất ổn định và mở rộng qui mô sản xuất, thời tiết thuận lợi cho việc khai thác khoáng sản đã tạo đà cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện tăng cao.