Các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ gần 8 tỷ USD cho Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 9/12/2010 | 7:53:51 AM
Chiều 8/12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) đã kết thúc tốt đẹp. Cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD. Cũng tại Hội nghị, vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô được các nhà tài trợ đặt ra với nhiều lo ngại.
|
>> WB: Việt Nam cần có chính sách mới chống lạm phát
Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết hơn 2,6 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản với hơn 1,7 tỷ USD, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc hơn 411 triệu USD, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hơn 270 triệu USD, Pháp hơn 221 triệu USD...
Như vậy, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ kể cả lần này là trên 64 tỷ USD cam kết, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với nền kinh tế Việt Nam.
Các đối tác tài trợ của Việt Nam cũng đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ giải ngân tương đối tốt, đạt 4,1 tỷ USD vào năm 2009 và 3,5 tỷ USD vào năm 2010.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, ngoài những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thể chế, tình hình lạm phát, cán cân thương mại,…
Hơn nữa, thời gian tới, việc phát triển lên nước có thu nhập trung bình, lượng viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi khác dành cho Việt Nam sẽ dần bị thu hẹp… điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu của Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, chống lại căn bệnh HIV/AIDS,…
Do đó, theo bà Victoria Kwakwa, với việc các nguồn tiền sẽ trở nên “đắt hơn”, ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ phải tính đến sự bền vững về nợ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, theo thông lệ quốc tế, tài trợ vốn ODA được dành nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp. Do vậy, chính sách tài trợ cho Việt Nam đang và sẽ thay đổi về quy mô, cơ cấu và các điều kiện cho vay.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, viện trợ không hoàn lại sẽ giảm, vốn ODA ưu đãi cũng giảm nhưng vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ tăng. Đây là những thách thức trong hợp tác phát triển mà Việt Nam và các đối tác phát triển phải tìm cách vượt qua.
Cũng tại Hội nghị, vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô được các nhà tài trợ đặt ra với lo ngại rằng sự mất ổn định và không rõ ràng trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ có thể gây suy giảm lòng tin của công chúng cũng như giới đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng dư nợ công của VN bằng 56,7% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là 42,2% GDP vẫn trong phạm vi an toàn. Trong khi đó, IMF lại cho rằng Chính phủ nên duy trì những chỉ số này ở dưới 50%. Liên Hiệp Quốc cũng đồng tình đây là mức tối đa có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, IMF cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng dự kiến vượt quá mục tiêu năm nay là 25% trong khi bản thân mức này đã là quá cao với nền kinh tế. Thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỉ USD trong tháng 11 và mức thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn còn rất lớn.
Kèm theo đó, VND chịu áp lực mất giá liên tục trong những tháng gần đây. Số liệu của WB cho thấy năm 2010 trên thị trường tự do, đồng VND đã mất giá 9-10% so với USD và 15-25% so với các đồng tiền khác trong khu vực ASEAN.
Về việc này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ VN là ổn định giá trị của đồng tiền nhưng chưa thực hiện tốt vì một số nguyên nhân như sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, tình trạng nhập siêu lớn; trong quá trình chuyển đổi kinh tế còn một số giá chưa theo giá kinh tế thị trường như than, xăng, dầu...
Thống đốc cho rằng: “Phong tục tập quán lâu đời người dân VN xem vàng là tài sản và đồng thời thể hiện chức năng thanh toán chứ không chỉ là trang sức. Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp can thiệp vì biến động giá vàng ảnh hưởng tỉ giá và một số giá cả khác. Về điều này chúng tôi điều hành khá thành công và ra tay kịp thời mặc dù có một số tác động xấu”.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 8/12, UBND tỉnh Yên Bái, Ban chỉ huy PCCCR tỉnh tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2010-2012. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Trong khi ở nhiều địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhưng sau mỗi vụ thu hoạch lúa hàng ngàn tấn rơm, rạ phải bỏ tại ruộng, vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường thì ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) có một nhóm thanh niên đã biết tận dụng nguồn phụ phẩm này để phát triển nghề trồng nấm rơm cho thu nhập cao.
YBĐT - Trong tháng 10, do các doanh nghiệp sản xuất ổn định và mở rộng qui mô sản xuất, thời tiết thuận lợi cho việc khai thác khoáng sản đã tạo đà cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện tăng cao.
YBĐT - Cuối tháng 6 năm 2010 trên địa bàn 2 xã Púng Luông và Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuất hiện dịch bệnh ở trâu, bò, nghi mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) với phát hiện ban đầu là 28 con.