Luật Thuế thu nhập cá nhân bộc lộ nhiều bất cập và lạc hậu
- Cập nhật: Thứ năm, 30/12/2010 | 2:00:44 PM
Mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, cách tính giảm trừ gia cảnh không phù hợp, tốc độ trượt giá quá cao… đã khiến cho Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sau 2 năm thực hiện đã bắt đầu bộc lộ những bất cập và lạc hậu.
Mức thu nhập chịu thuế hiện nay được cho là bất hợp lý và không theo kịp diễn biến thị trường.
|
Ba bất cập chính
Có ba bất cập chính mà Luật Thuế TNCN đã bộc lộ rõ. Bất cập đầu tiên là mức khởi điểm chịu thuế với quy định là 4 triệu đồng/người lao động chính và bất cập thứ hai là mức giảm trừ gia cảnh là 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc. Hai mức tiền quy định này so với thực tế chi phí đời sống hiện nay là quá thấp. Thậm chí, số đông ý kiến phản ánh đến Báo Lao Động còn cho rằng trong khi họ chưa đủ ăn, đủ chi phí cho nhu cầu tối thiểu bản thân thì đã phải nộp thuế TNCN.
Phân tích về hai bất cập này thì có thể thấy, rõ ràng mức thu nhập chịu thuế cũng như mức giảm trừ gia cảnh đã thực sự lạc hậu. Anh Huy Đồng - làm việc tại một doanh nghiệp liên doanh - cho biết: "Hiện tôi có mức thu nhập là 6 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này, mỗi tháng tôi phải nộp 100.000đ tiền thuế TNCN.
Nhưng điều đáng nói là với thu nhập này, tôi không đủ trang trải chi phí và không thể có tiền dành dụm, tái đầu tư cho bản thân". Anh Đồng phân tích: "Mỗi tháng hiện nay tôi thuê căn nhà ở mức tạm bợ tại Hà Nội đã mất 1 triệu đồng/tháng. Nếu tính thêm tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại cá nhân tôi cũng mất thêm 1 triệu đồng nữa.
Với khoảng 4 triệu còn lại, tôi chỉ có thể chi phí cho xăng xe, ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Tôi hầu như không thể dành tiền để lo khám bệnh, thuốc men khi ốm đau, cũng không thể trả tiền học thêm và cũng thật khó có tiền để biếu bố mẹ già ở quê".
Tương tự như anh Đồng, chị Minh Lý (Đống Đa - Hà Nội) cho biết: “Bất cập tôi cho nghiêm trọng ở chỗ tôi có mẹ già chỉ hưởng lương mất sức 800.000đ/tháng. Thế nhưng mẹ tôi không được tính là người phụ thuộc”. Anh Đồng và chị Lý thẳng thắn phản ánh: Đúng là số tiền thuế phải nộp không lớn, nhưng với bất cập này, chúng tôi cho rằng dường như đang bị “tận thu” bởi rõ ràng với thu nhập và chi phí như vậy, sẽ chẳng bao giờ chúng tôi có tiền tiết kiệm để đề phòng lúc rủi ro, chứ đừng nói là có thể đi du lịch, mua xe máy hay mua nhà.
Đã đến lúc cần điều chỉnh
Cần phải lưu ý rằng trên thực tế, Dự luật Thuế TNCN được tiến hành xây dựng từ năm 2007 và đến năm 2008 được thông qua và năm 2009 có hiệu lực thi hành. Trong quá trình này, việc căn cứ vào mức thu nhập của năm 2008 (theo cách tính của ngành tài chính là 1,5 triệu đồng/tháng) để áp dụng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh cho thời gian sau đó đã khiến tính toán này trở nên lạc hậu.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2008 là gần 23% so với 2007 - tuy nhiên nhóm lương thực tăng gần 50% và nhóm thực phẩm tăng gần 33%.
Tiếp đến năm 2009, CPI là gần 7% so với 2008 - trong đó nhóm lương thực, thực phẩm tăng hơn 8%. Tiếp đó năm 2010, CPI tăng tới 11,75% so với 2009 - nhưng nhóm hàng ăn uống tăng tới hơn 16%. Rõ ràng sau 3 năm, với tốc độ trượt giá của riêng nhóm lương thực thực phẩm thì đã đủ thấy thu nhập của người dân không theo kịp đà tăng giá.
Bên cạnh đó, nhóm giáo dục cũng liên tục tăng giá, trong đó có cả việc tăng học phí. Với đà tăng này, mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh đã quá thấp. Luật gia Hữu Dung cho rằng: Người làm chính sách hãy đặt mình vào hoàn cảnh có mẹ già, có vợ là công nhân, có 2 con đi học nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN thì sẽ thấy bức xúc.
Số đông chuyên gia trong đó có ông Cao Sỹ Kiêm - Uỷ viên UB Kinh tế Quốc hội, ông Trịnh Huy Quách - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội và bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Thuế (nguồn Tuổi Trẻ) đều cho rằng đã đến lúc cần sửa luật theo hướng nâng mức khởi điểm chịu thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh hoặc giảm mức thuế suất.
(Theo LĐO)
Các tin khác
YBĐT - Đến 30/11/2010, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái đã giải ngân 66 tỷ 200 triệu đồng đạt 100% kế hoạch.
YBĐT - Trong năm 2010, sản lượng nấm trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt 195 tấn.
Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới, 1/1/2011, hàng loạt chính sách mới sẽ được áp dụng ở các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng như: Doanh nghiệp được tự in hóa đơn đỏ; Tăng lương tối thiểu; Giảm thuế nhập khẩu ô tô; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động VND…
YBĐT - Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Yên Bái ước đạt trên 25,67 triệu USD, bằng 128,35% kế hoạch, tăng 42,98 % so với cùng kỳ. Đây là năm Yên Bái đạt kim ngạch cao nhất và tăng trưởng mạnh nhất từ trước tới nay.