Vẫn nỗi lo “bão giá”
- Cập nhật: Thứ năm, 30/12/2010 | 2:22:51 PM
YBĐT - Vẫn biết cứ gần ngày Tết là các mặt hàng lương thực, thực phẩm lại "niêm yết" cho mình một loại giá mới nhưng có lẽ chưa năm nào người dân lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo lớn như năm nay khi mà cơn “bão giá” ngày một hoành hành.
Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm bình quân tăng từ 5 - 25% so với tháng trước.
|
Tết đến - mừng ít, lo nhiều
Mặc dù Chỉ thị số 1875/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành nhằm đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và bình ổn giá cả thị trường trong dịp tết Nguyên đán Tân Mão cũng như quý I năm 2011 nhưng xem ra vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục biến động từng ngày.
Chạy quanh một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Yên Bái, điểm qua các mặt hàng thiết yếu nhất đối với đời sống người dânnhư: gạo, rau, thịt… thì tất cả đều có chung một điệp khúc: tăng giá và tăng giá. Mới chỉ cách đây khoảng gần một tháng, gạo Bắc Hương đứng ở mức 11.000 - 11.500 đồng/kg thì nay đã lên 14.500 đồng, tám thơm 14,8 nghìn đồng/kg, tám sữa 20.000 đồng/kg, Chiêm Hương 14,8 nghìn đồng/kg.
Cùng với gạo, các mặt hàng khác cũng rủ nhau tăng vù vù. Tại chợ Yên Thịnh, Đồng Tâm, Hồng Hà… thời điểm này, giá các loại cải canh, cải cúc tăng từ 10 nghìn đồng/kg lên 13 nghìn đồng/kg, trứng vịt từ 2.200 lên 2.600 đồng/quả, trứng gà ta từ 2.800 lên 3.200 đồng/quả. Tăng mạnh nhất có lẽ là thịt lợn. Chỉ cách đây gần tháng, 1kg thịt lợn mông có giá 70 nghìn đồng/kg thì nay đã lên tới 75 nghìn đồng/kg. Tương tự, các loại thịt thăn, thịt ba chỉ cũng tăng bình quân 5 nghìn đồng/kg: thịt thăn từ 75 lên 80 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ 55 nghìn đồng/kg trở lên. Nhìn chung, các mặt hàng thiết yếu đều có mức tăng trung bình từ 5% - 25%, cá biệt một số mặt hàng xấp xỉ 40%.
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao, đặc biệt là dịp giáp Tết khiến không ít người lo nhiều hơn vui. Bà Việt, một người dân phường Yên Thịnh (TP Yên Bái) than thở: “Tết mọi năm, nếu có tăng giá thì cũng chỉ tăng ít, chứ như năm nay thì người dân chúng tôi chắc không có tết”. Lo lắng nhất vẫn là những người nông dân. Ngoài thu nhập ít ỏi từ cây lúa, cây ngô thì làm thế nào để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày trong thời “bão giá” này cũng đã là khó, chứ chưa nói đến mua sắm cho ngày tết.
Chị Hường, thôn 11, xã Hưng Khánh (Trấn Yên) tâm sự: “Nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, bây giờ cái gì cũng tăng giá như thế này thì có miếng ăn bỏ miệng cũng là may lắm rồi”. Dưới ảnh hưởng của cơn “bão giá”, nhiều bạn sinh viên cũng đang phải “thắt lưng buộc bụng” số tiền ít ỏi từ gia đình để vừa đảm bảo cuộc sống lẫn học hành.
Bạn Yến, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật kể: Trước mỗi tháng, bố mẹ cho hơn 1 triệu đồng là đủ cho tiền thuê nhà, ăn uống và chi tiêu lặt vặt, nhưng giờ cái gì cũng đắt nhưng tiền vẫn chỉ có thế nên bọn em phải chắt góp từng đồng chứ không đòi hỏi bố mẹ hơn được nữa.
Sốt giá, vì sao?
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào thời điểm này các loại rau củ quả ít có biến động, còn các mặt hàng trứng, gạo và đặc biệt là thịt lợn đều tăng từ 5-25% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do rau đang thời điểm chính vụ, lượng cung dồi dào còn thịt lợn thì nhiều tiểu thương cho biết: do giá lợn hơi tăng. Hiện nay, giá lợn hơi đã lên 39 nghìn đồng/kg, thậm chí 42 ngàn nhưng vẫn không có hàng, do đa phần lợn đã được chuyển về xuôi nên gây hiện tượng thiếu hàng, đẩy giá lên cao.
Thêm vào đó, đã thành lệ, vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng đều có xu hướng tăng, hệ quả là cầu lớn hơn cung, tạo điều kiện trực tiếp cho việc đẩy giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu lên cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và đến mặt bằng giá một số hàng hóa trên thị trường, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến đời sống của những người lao động phổ thông và người có thu nhập thấp.
Mặt khác, do tâm lý gom hàng, tích hàng của nhiều tiểu thương đã gây nên hiện tượng sốt ảo, giá ảo không đúng với thực tế. Hệ quả cuối cùng, người dân phải gánh chịu. Hơn nữa, vài tháng trở lại đây, giá vàng liên tục tăng, tại thời điểm này vàng SJC đã vượt mức 36 triệu đồng/cây. Tỉ giá ngoại tệ trong tháng cũng tăng mạnh, tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu và lan sang các mặt hàng tiêu dùng khác.
Nhà nước những tháng cuối năm đã liên tục chỉ đạo các cấp, các ngành có biện pháp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng song xem ra chưa mấy hiệu quả vì không theo kịp những diễn biến khó lường của thị trường.
Hùng Cường
Các tin khác
Mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, cách tính giảm trừ gia cảnh không phù hợp, tốc độ trượt giá quá cao… đã khiến cho Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sau 2 năm thực hiện đã bắt đầu bộc lộ những bất cập và lạc hậu.
YBĐT - Đến 30/11/2010, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái đã giải ngân 66 tỷ 200 triệu đồng đạt 100% kế hoạch.
YBĐT - Trong năm 2010, sản lượng nấm trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt 195 tấn.
Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới, 1/1/2011, hàng loạt chính sách mới sẽ được áp dụng ở các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng như: Doanh nghiệp được tự in hóa đơn đỏ; Tăng lương tối thiểu; Giảm thuế nhập khẩu ô tô; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động VND…