Sức xuân những con đường
- Cập nhật: Thứ hai, 3/1/2011 | 9:15:06 AM
YBĐT - Một mùa xuân nữa lại về với bao niềm hy vọng. Trên những con đường tỏa đi khắp nơi như những mạch máu nuôi cơ thể, lòng ta lại nghĩ về những người thợ giao thông.
Đường mùa xuân.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Với bao nhiêu khó khăn về vốn, biến động của giá cả thị trường, thiên tai bão lụt... nhưng với sự cố gắng không mệt mỏi của họ mà những mạch máu giao thông vẫn lan tỏa, thông suốt để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khó có thể nói hết niềm vui của người dân khi những công trình giao thông làm thay đổi cuộc sống và bộ mặt quê hương. Đường Nguyễn Tất Thành với tổng mức đầu tư trên 429 tỷ đồng đi qua địa phận phường Đồng Tâm, Yên Thịnh, xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) và thị trấn Yên Bình (Yên Bình), không chỉ là một cửa ngõ đẹp, hiện đại mà còn tạo cho thành phố khoảng không gian rộng lớn để phát triển kinh tế và chỉnh trang đô thị.
Cầu Trái Hút bắc qua sông Hồng thuộc địa bàn xã An Bình (Văn Yên) với tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng hoàn thành đã giúp cho giao thương các xã vùng thượng huyện không còn khó khăn do cách sông, cách đò. Cùng với tuyến đường Hợp Minh - Minh An, các dự án cầu Khe Đóm, Ngòi Bục, Khe Mán... hoàn thành đúng tiến độ đã phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn.
Phát huy ngoại lực phát triển giao thông, các dự án thuộc nguồn trái phiếu Chính phủ, dự án xây dựng cơ bản Trung ương cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công như: dự án đường Mường La - Mù Cang Chải, Khánh Hòa - Minh Xuân, quốc lộ 32 đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim, Tiểu dự án giải phóng mặt bằng quốc lộ 70, đường cao tốc Nội Bài - Lao Cai... đã góp phần nhanh chóng đổi thay bộ mặt Yên Bái.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông nhưng công tác sửa chữa đường bộ, bảo đảm giao thông tiếp tục duy trì tốt. Ngành giao thông - vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố… bảo đảm cho các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, mọi tuyến đường luôn phong quang, thông suốt, an toàn trong mọi tình huống.
Cùng hệ thống giao thông huyết mạch, giao thông nông thôn, miền núi tiếp tục được triển khai tốt. Từ phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, 180/180 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đã thông được nền đường ô tô đến trung tâm. Một số xã đã kiên cố hóa mặt đường và công trình thoát nước, bảo đảm giao thông đi lại bốn mùa, trong đó có nhiều xã vùng cao như: Tân Phượng, Phan Thanh (Lục Yên); Tà Xi Láng, Túc Đán (Trạm Tấu); Chế Tạo, Nậm Khắt (Mù Cang Chải); Nậm Mười (Văn Chấn); Nà Hẩu (Văn Yên)...
Đường về đánh thức các vùng quê và tạo sự đổi thay nhanh chóng bởi đây là điều kiện quan trọng để hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, trường, trạm... được tiếp tục đầu tư dễ dàng hơn. Quan trọng hơn, giao thông đi lại thuận tiện, các loại sản phẩm từ bàn tay lao động cần cù của người Thái, Mông, Tày... đã trở thành hàng hóa, đem lại cuộc sống no ấm hơn cho bà con. Máy cày, máy bừa… cùng với mô tô, xe máy… đã trở thành phương tiện hữu dụng của nhiều gia đình ở vùng cao, góp phần giảm bớt khó khăn đồng thời tăng năng suất, hiệu quả lao động.
Đáng vui hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông dần hoàn thiện là yếu tố để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đầu tư phương tiện vận tải vận chuyển hành khách, nối miền ngược với miền xuôi, vùng cao với vùng thấp, cùng nhau phát triển đi lên.
Sức xuân lan tỏa từ những con đường trên khắp quê hương Yên Bái, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho một năm mới…
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Trong số các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnhYên Bái thì cây ngô đang chiếm được sự ưu tiên số một của cả các cấp chính quyền và người nông dân.
YBĐT - Có thể nói năm 2010 là năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp trong tỉnh Yên Bái. Nhìn lại một năm qua và chuẩn bị cho một năm mới đầy khởi sắc, các doanh nghiệp đã nói gì?
YBĐT - Với người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn (gọi tắt là vùng cao), Chương trình 135 của Chính phủ đã trở nên quen thuộc, gần gũi và cần thiết như chính làng bản, ngôi nhà, ruộng nương của họ.
Ngày 1.1, giá vàng trong nước tăng mạnh 350.000 đồng/lượng so với trước đó một ngày. Giá mua bán vàng SJC trên thị trường tự do dao động quanh 36,15-36,35 triệu đồng/lượng.