Tổng quan kinh tế Yên Bái năm 2010
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/1/2011 | 2:59:19 PM
YBĐT - Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Yên Bái năm 2010 cũng còn bộc lộ những tồn tại.
Xuất khẩu năm 2010 của tỉnh có bước đột phá, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28.253,7 ngàn USD, cao nhất từ trước tới nay.
|
Đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy cao, nhưng chủ yếu do đầu tư, chưa phải tăng do nội lực của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Năm 2010, nền kinh tế cả nước cũng như Yên Bái vẫn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thời tiết lại khá khắc nghiệt, hạn hán vụ đông xuân xảy ra trên diện rộng, nguy cơ lạm phát và giá cả tăng cao trong các tháng cuối năm gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Với những chủ trương, giải pháp và chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tỉnh, chú trọng công tác an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, kích cầu đầu tư, nhất là sự cố gắng của các địa phương, các thành phần kinh tế và của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nên kinh tế Yên Bái vẫn giữ được nhịp độ phát triển ổn định và tiếp tục tăng trưởng.
Dự ước tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) đạt 3.773,5 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 1994), tăng 443,5 tỷ đồng so với năm 2009. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,3%/13% kế hoạch đề ra, là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 trong 12 tỉnh khu vực vùng Tây Bắc (gồm Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang).
Cơ cấu kinh tế trong GDP năm 2010 có: Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản 33,31%, công nghiệp - xây dựng 33,68%, dịch vụ 33,68%. Cơ cấu kinh tế tuy chưa đạt đúng so với kế hoạch nhưng so với các năm trước cơ cấu trong các nhóm ngành đều chuyển dịch theo chiều hướng tích cực (so với năm 2009: Nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 0,72%, nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 0,57% nhóm dịch vụ tăng 0,15%).
Dự ước GDP bình quân đầu người đạt 10,95 triệu đồng vượt Nghị quyết HĐND tỉnh 9,55% và tăng 20% so với năm 2009, đứng thứ 9 trong các tỉnh vùng Tây Bắc. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 675,44 tỷ đồng, tăng 12,5% dự toán, tăng 18% so với năm 2009, đứng thứ 8 so với các tỉnh trong khu vực.
Sản xuất nông, lâm, nghiệp phát triển khá toàn diện. Sản xuất nông nghiệp tăng trên cả 3 mặt diện tích, năng suất, sản lượng. Diện tích gieo trồng cây nông nghiệp cả năm vượt 3,34% kế hoạch, tăng 3,74% so với năm 2009.
Diện tích cây lương thực có hạt đạt 63.652,7 ha, vượt 5,55 kế hoach (tăng gần 3948 ha), chủ yếu là do tăng diện tích cây ngô khi thực hiện đề án phát triển cây ngô hàng hóa; diện tích cây chất bột lấy củ vượt 8,82% kế hoạch, diện tích các loại cây rau đậu tăng 3,9%...
Diện tích cây lâu năm đạt 19.594 ha, tuy chưa đạt kế hoạch nhưng cũng tăng 0,8% so với năm 2009, chủ yếu tăng do trồng mới được 330 ha cây cao su ở huyện Văn Chấn, Văn Yên; diện tích chè có hơn 11.909 ha, đạt 98,16% kế hoạch; diện tích cây ăn quả có 7267 ha, giảm 0,74% kế hoạch.
Năng suất lúa cả năm đạt 45,37tạ/ ha, tăng 0,42%%; năng suất ngô đạt 28,59 tạ/ha, tăng 7,09% so với năm 2009. Sản lượng lương thực có hạt đạt 250.796,9 tấn, tăng 6,46% so với năm 2009, đứng thứ 6 so với các tỉnh trong khu vực, trong đó sản lượng thóc đạt 186.060 tấn, giảm 139 tấn so với năm 2009. Lương thực bình quân đầu người đạt 333,85 kg, đứng thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực.
Năm 2010, năng suất lúa cả năm của tỉnh Yên Bái đạt 45,37tạ/ ha, tăng 0,42%%.
Sản lượng chè búp tươi đạt 85.946 tấn, tăng 5134 tấn. Tổng đàn gia súc chính tăng 4,63%, trong đó đàn trâu 11.6249 con, tăng 3,39%, đàn bò 30.188 con, giảm 12,02%, đàn lợn 449.288 con tăng 6,32% so với năm 2009. Đàn bò tiếp tục giảm, do đồng cỏ ít, bãi chăn thả thiếu, mặt khác do việc sử dụng bò đực phối giống hoàn toàn mang tính tự nhiên, dẫn đến hiện tượng cận huyết, làm chất lượng con giống ngày càng giảm, tăng đàn sinh học rất chậm.
Sản xuất lâm nghiệp tăng khá so với kế hoạch. Diện tích rừng trồng mới đạt 14.600 ha, tăng 4,29% so với kế hoạch, đứng thứ 2 trong các tỉnh khu vực, trong đó rừng tập trung chiếm trên 97%. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 59,2%, đứng thứ 2 so với các tỉnh trong khu vực.
Nuôi trồng thủy sản năm 2010 có nhiều cố gắng, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 2.648 ha, có 507 hộ nuôi cá lồng với 801 lồng cá, tăng 42 hộ và 209 lồng. Sản lượng thủy sản đạt 5.659,8 tấn tăng gần 492 tấn so với năm 2009, đứng thứ 2 về sản lượng so với các tỉnh trong khu vực.
Sản xuất công nghiệp năm 2010 gặp khá nhiều bất lợi, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, điện phục vụ sản xuất bị cắt luân phiên, lãi suất ngân hàng tăng, việc vay vốn khó khăn, mực nước hồ Thác Bà xuống thấp, vận chuyển nguyên liệu cho hai nhà máy xi măng và các nhà máy sản xuất Cácbonat Can xi, sản xuất giấy đế gặp nhiều trở ngại. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 1994) đạt 2850 tỷ đồng, đứng thứ 3 so với các tỉnh trong khu vực, tăng 20,8% so với năm 2009, nhưng chỉ bằng 95% kế hoạch.
Sản xuất công nghiệp năm 2010 gặp khá nhiều bất lợi, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, điện phục vụ sản xuất bị cắt luân phiên, lãi suất ngân hàng tăng, việc vay vốn khó khăn.
Trong đó công nghiệp Trung ương chiếm 34% tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 84,4% kế hoạch. Thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 5.350,365 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong các tỉnh thuộc khu vực, tăng 19,28% so với năm 2009.
Trong đó vốn đầu tư phát triển của Nhà nước đạt trên 3.600 tỷ đồng, gồm vốn địa phương quản lý thực hiện được 2.138,88 tỷ đồng, tăng 26,33%; vốn Trung ương quản lý thực hiện đạt 1.461,335 tỷ đồng, tăng 17,28% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư ngoài nhà nước thực hiện đạt 1.660,849 tỷ đồng, vượt 24,98% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt 89,3 tỷ đồng, tăng 23,68% so với năm 2009. Trong năm một số công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như cầu Trái Hút, đường Lý Thường Kiệt, đường Yên Bái - Khe Sang, đường Vĩnh Kiên - Vũ Linh, 10 điểm trường thuộc dự án giáo dục...
Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2010 tăng mạnh so với năm 2009. Nguyên nhân tăng do nền kinh tế phục hồi, bắt đầu phát triển, mức thu nhập tăng, sức mua của người dân tăng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 5.384,435 tỷ đồng, vượt 19,08% kế hoạch, đứng thứ 6 so với các tỉnh trong vùng. Trong đó kinh tế Nhà nước chiếm 6,6%, kinh tế tập thể chiếm 0,14%, kinh tế tư nhân chiếm 30,03%, kinh tế cá thể chiếm 63,23%.
Công tác quản lý thị trường, kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được tăng cường và hiệu quả hơn. Hoạt động du lịch có chuyển biến, tiếp tục phối hợp với tỉnh Phú Thọ, Lao Cai tổ chức tốt chương trình du lịch về cội nguồn; tổ chức tốt tuần văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc từng vùng.
Xuất khẩu năm 2010 của tỉnh có bước đột phá, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28.253,7 ngàn USD, cao nhất từ trước tới nay, tăng 57,39% so với năm 2009 vượt kế hoạch 41,27%, đứng thứ 4 so với các tỉnh trong vùng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế Nhà nước đạt 1.505,7 ngàn USD, giảm 35,25%; của khu vực kinh tế tư nhân đạt 19.052,7 ngàn USD, tăng 93,8%; của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.695,3 ngàn USD tăng 32,8% so với năm 2009.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Yên Bái năm 2010 cũng còn bộc lộ những tồn tại, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy cao, nhưng chủ yếu do đầu tư, chưa phải tăng do nội lực của nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đạt mục tiêu đề ra; thu ngân sách, GDP bình quân đầu người, lương thực bình quân đầu người ở nhóm thấp so với các tỉnh trong khu vực. Một số chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế như giá trị sản xuất công nghiệp, sản lượng thóc, đàn bò, nguồn vốn đầu tư do Trung ương quản lý, vận tải hàng hóa... chưa đạt kế hoạch đề ra. Xúc tiến thương mại chưa được đẩy mạnh; xuất khẩu tăng một phần do biến động mạnh của tỷ giá đồng ngoại tệ và do giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao.
Hoạt động du lịch còn nhiều khó khăn, chưa có sản phẩm du lịch đích thực, hấp dẫn, các nhà đầu tư chưa dám làm du lịch nên Yên Bái chủ yếu vẫn là điểm dừng chân của khách du lịch.
Trần Thi
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng 7-1. tiếp tục giảm thêm khoảng 200.000 đồng/lượng. Tại Hà Nội, vàng miếng hiệu rồng Thăng Long niêm yết tại công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu lúc 11 giờ 15 là 35,63 - 35,73 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Năm 2010, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục làm tốt công tác uỷ thác cho hội viên vay tín chấp.
YBĐT - Từ cuối tháng 12- 2010 đến tiết Tiểu hàn, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ ở một số nơi tại các huyện vùng cao có lúc xuống tới 5 độ C, khiến sinh hoạt của nhân dân trong vùng gặp khó khăn.
YBĐT - Một thời, Yên Bái là niềm tự hào về công nghiệp chế biến chè hiện đại trong cả nước. Các nhà máy chè đen xuất khẩu nổi tiếng như Nhà máy chè đen Yên Bái,