Cam sẽ lại về trên đất Lục Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 24/1/2011 | 10:05:49 AM
YBĐT - Từ gần 1 tháng nay, bà con trồng cam ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên càng trở nên tất bật. Chờ đợi cả năm để đến ngày thu hoạch, vụ cam năm nay bà con đã được trả công xứng đáng bởi cam trúng mùa, được giá.
Cam Lục Yên bán tại chợ Cảm Nhân (Yên Bình). (Ảnh: Vương Trọng Phục)
|
Cam vàng - dân no
Con đường đất sau nhiều ngày mưa phùn giờ đây giống như một chậu bột bánh bị nhão, có đoạn thì đá lổn nhổn khiến chiếc Wave anpha của chúng tôi chồm lên trượt xuống thật vất vả, có đoạn dốc đến nỗi phải rải trấu mới đi được, thỉnh thoảng gặp những chiếc xe chở đầy cam thì thật khó tránh, có xe còn dạt xuống cạnh đường. Thêm vào đó là cái lạnh cắt da của tháng áp tết càng làm cho con đường dài hơn.
Tuy nhiên, sau hơn 3 cây số vật lộn với đường, chúng tôi cũng đến được “thung lũng cam” rộng hơn chục hecta thuộc thôn 5 xã Khánh Hòa. Từ xa, những quả cam vàng óng đã lấp ló trong đám lá xanh, rì rầm tiếng những người đi cắt cam đang nói chuyện, rồi tiếng phành phành của những chiếc xe Minsk nặng trĩu cam, tất cả đang rộn lên niềm vui được mùa.
Vừa từ vườn trở ra, những giọt nước còn phủ đầy trên tóc, anh Nguyễn Quốc Khánh phấn khởi: “Cam năm nay được mùa đến cây bói quả cũng sai”. Nhà anh Khánh có 3 ha với hơn 1.000 gốc cam, năm ngoái mất mùa chẳng thu được là bao, nhưng năm nay mới đầu mùa anh đã bán tỉa gần chục tấn, giá bán tại gốc rẻ nhất cũng 7 nghìn đồng mỗi cân, cao hơn so với năm ngoái 2 nghìn đồng và chắc chắn từ nay đến tết sẽ còn tăng. “Thâm nhập” vào giữa vườn cam mới thấy cây ít cũng phải trên 1 tạ quả, nhiều cây cành tỏa ra phủ kín đến hai chục mét vuông, cành nào cành ấy quả níu xuống sát đất mà nếu không có cây chống thì chắc chắn sẽ gãy, những cây như thế ước tính phải trên dưới 4 tạ quả. Là hộ trồng cam đầu tiên ở đây, đến nay những cây cam của anh Khánh đã có 14 năm tuổi, cho thu hoạch được 9 năm, mỗi năm anh lại tăng thêm diện tích này bằng 30 đến 40 gốc mới.
Mải mê tha thẩn giữa rừng cam, chúng tôi đã đi sang đất của một ông “trùm cam” khác từ lúc nào không hay. Người dẫn đường bảo đây là vườn của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn. Anh Sơn, anh Khánh cùng 2 ông chủ khác của “thung lũng cam” này đều là công nhân Lâm trường Lục Yên cũ, khi nghỉ công tác, họ đã thuê lại đất của Lâm trường để sinh nhai, thế là cây cam được lựa chọn cho vùng đất thấp, còn chỗ cao hơn là “địa phận” của keo, bồ đề…
Vườn cam nhà anh Sơn rộng 3 ha, chủ yếu là giống cam sành. Mấy năm vừa rồi anh trồng thử cam sen, thấy hiệu quả khá nên dự định sẽ mở rộng diện tích này. Cũng giống như vườn cam của anh Khánh, năm nay những cây cam của anh Sơn cho quả nhiều hơn, ước tính sản lượng thu về không dưới 100 tấn. Bù lại năm ngoái mất mùa, năm nay, tổng thu từ vườn cam được khoảng 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí anh vẫn lãi 300 triệu. Anh Sơn vui vẻ: “Nhờ cây cam, chúng tôi không những giảm được nghèo mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu”.
Nghề trồng cam phát triển không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho người dân mà còn là cơ hội việc làm và thu nhập cho nhiều người khác. Cứ vào vụ cam, mỗi chủ vườn phải thuê thêm 3 đến 5 lao động giúp thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, đáng kể nhất là với đội ngũ những người đi buôn như chị Lê Thị Vân ở thôn 8, xã Khánh Hòa.
Ngày thường chị vẫn buôn bán nhỏ, nhưng cứ đến mùa cam anh chị lại dựng thêm chiếc lều nhỏ trước nhà, mua cam từ vườn về, rồi phân loại và bán lẻ. Từ đầu vụ đến giờ, chị đã đầu tư hơn 20 triệu đồng mua từ vườn về và bán với giá 10.000 - 12.000đ/kg cam loại 1. Chị bảo, mỗi cân cam lãi 2 đến 3 nghìn đồng, mỗi ngày trung bình bán được 1 tạ, vị chi mỗi ngày chị cũng thu về ít nhất 200 nghìn đồng tiền lãi.: “Mỗi mùa cam như thế này, những người buôn bán nhỏ như chúng tôi cũng có thêm cơ hội tăng thu nhập cho gia đình”, chị Vân tâm sự.
Chị Vân chỉ là một hộ làm ăn nhỏ, chứ với người có vốn nhiều thì họ bỏ ra cả trăm triệu, mua trọn cả vườn rồi bán dần, bán lẻ. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ tính riêng khu vực trung tâm xã Khánh Hòa đã có khoảng 30 hàng bán lẻ cho khách qua đường, chưa kể dọc theo quốc lộ 70, suốt từ An Lạc đến Động Quan, Trúc Lâu tất cả đều là cam Khánh Hòa. Ngã ba Khánh Hòa giờ càng trở nên tấp nập bởi khách qua đường dường như chẳng ai là không thể dừng chân, chốc chốc lại một xe cam đầy ắp chở đi nơi khác.
Cam sẽ lại về…
Hiện nay, toàn xã Khánh Hòa có trên 30 ha cam, chủ yếu tập trung ở các thôn 1, 4 và 5. Diện tích này mỗi năm lại tăng trung bình từ 3 - 5 ha. Cả xã có 10 hộ trồng lớn với diện tích vài ha, trồng vài chục gốc cũng có trên 30 hộ. Nếu như năm ngoái tổng sản lượng bà con thu về chỉ đạt 150 tấn thì năm nay, do thời tiết ổn định, mức đầu tư chăm sóc của nhiều hộ cũng tốt hơn nên con số này đã tăng lên 350 - 400 tấn, ước tính tổng thu nhập của bà con trồng cam đạt khoảng 2,3 tỷ đồng.
Cam sành vốn là đặc sản Lục Yên đã nức tiếng từ lâu, thế nhưng thời gian qua, vì lý do nào đó mà các vùng cam truyền thống như Mường Lai, Tân Lĩnh đã không thể giữ được loại cây truyền thống này. Vậy nên, cam Lục Yên phần nào đã bị người tiêu dùng lãng quên, trong khi đó đất Khánh Hòa lại đang tỏ ra rất phù hợp với cây cam. Nắm bắt được điều này, hiện nay chính quyền xã cũng đang bắt tay xây dựng một kế hoạch cụ thể. Ông Nguyễn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa cây cam vào Nghị quyết của Đảng ủy xã, tiến tới phát triển thành cây mũi nhọn”.
Rời Khánh Hòa với bao cảm xúc đan xen bởi tâm trí hãy còn đầy ắp những hình ảnh thật khó quên, ngoái đầu nhìn lại khoảng xanh ngút ngàn chạy dài giữa hai sườn núi, lấp ló trong đó sắc vàng của cành cam chín như niềm tin của chính những người dân nơi đây đã chọn cây cam để gắn bó với mình. Hy vọng rằng với những nỗ lực của xã Khánh Hoà, cam sẽ lại về trên đất Lục Yên.
Mai Huyên - Chiều Văn
Các tin khác
YBĐT - Rét đậm rét hại kéo dài trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mạ.
YBĐT - Vụ đông xuân 2010 - 2011, huyện Yên Bình gieo cấy 2.010 ha lúa, trong đó, tỷ lệ lúa lai chiếm 70% và lúa thuần chất lượng cao chiếm 30%.
Sáng 23.1, 130 doanh nghiệp (DN) đã vinh dự được nhận Cúp vàng “Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển” lần thứ IV năm 2010. Đây là giải thưởng duy nhất do một Ban Đảng ở Trung ương tổ chức.
YBĐT - Năm 2011, Hội đồng nhân dân thành phố Yên Bái đã nghị quyết tổng thu cân đối trên địa bàn là 170 tỷ 500 triệu đồng cao hơn dự toán tỉnh giao 20 tỷ đồng. Đây là con số đòi hỏi sự cố gắng của toàn thể cán bộ công chức và các đội chuyên môn trong việc thực hiện các giải pháp mà chi cục đề ra.