Chống rét cho gia súc: Người dân giữ vai trò quyết định

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/2/2011 | 9:55:48 AM

YBĐT - Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay trong năm từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp chống rét đàn gia súc cho người dân, nhờ vậy ý thức phòng, chống rét cho đàn gia súc của người dân đã có sự chuyển biến tích cực.

Đa số các chuồng trại nuôi gia súc của người dân vùng cao vẫn còn tạm bợ.
Đa số các chuồng trại nuôi gia súc của người dân vùng cao vẫn còn tạm bợ.

Những ngày tết Tân Mão vừa qua, người dân vùng cao dường như được đón tết vui tươi, an lành hơn khi mà trận rét đậm, rét hại kéo dài gần 40 ngày đã chấm dứt. Tiết trời trở nên ấm áp, không khí đón tết, vui xuân tràn ngập mọi nẻo đường vì thế mà nỗi lo chống rét cho đàn gia súc trong những ngày qua cũng đã được xua tan.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 6/2/2011, số gia súc bị chết rét toàn tỉnh là 2.203 con, trong đó Mù Cang Chải 533 con, Văn Chấn 629 con, Trạm Tấu 365 con, Văn Yên 331 con, Lục Yên 193 con, Yên Bình 59 con, Nghĩa Lộ 59 con, Trấn Yên 33 con và thành phố Yên Bái 1 con.

Trong số các địa phương có trâu, bò chết thì thành phố Yên Bái là địa phương bị thiệt hại ít nhất với 1 con trâu bị chết tại xã Tuy Lộc. Như vậy cả 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã có gia súc bị chết vì rét. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn thì số gia súc bị chết rét đến thời điểm này đa phần là vào trâu, bò già và bê, nghé mới sinh. Những địa phương có trâu, bò chết nhiều lại tập trung tại những xã vùng cao, khí hậu buốt giá và lạnh hơn nhiều so với vùng thấp. Số gia đình có gia súc bị chết lại rơi vào những hộ nghèo, không đầu tư bạt để che chắn cho trâu, bò.

Ông Đàm Duy Đức - Trưởng phòng Chăn nuôi Sở NN&PTNT cho biết: “Có đi tận nơi, nhìn tận mắt mới thấy việc chống rét cho con trâu, con bò - tài sản đáng giá nhất của người dân vùng cao khó khăn ra sao". So với đợt rét đậm, rét hại lịch sử năm 2008 thì đợt rét trong những ngày vừa qua cũng tương đương cả về cường độ, nhiệt độ và thời gian. Ông Đức nhận định: “So với đợt rét đậm, rét hại năm 2008, thiệt hại năm nay đã giảm đi đáng kể”. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua tổng số 2.203 con gia súc bị chết trong đợt lạnh vừa qua chưa bằng 1/3 năm 2008.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay trong năm từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp chống rét đàn gia súc cho người dân, nhờ vậy ý thức phòng, chống rét cho đàn gia súc của người dân đã có sự chuyển biến tích cực.

Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) là một ví dụ, trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua toàn bản không có con gia súc nào bị chết vì rét, khác hẳn so với cách đây 2 năm khi có đến chục con gia súc ở đây đổ gục vì rét. Toàn bản có 71 con gia súc thì 100% các hộ chăn nuôi đều làm chuồng trại, làm cây rơm dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét.

Anh Sồng A Hành cho biết: “Được cán bộ hướng dẫn làm chuồng, che chắn bằng bao tải, làm cây rơm nên trong nhiều ngày rét vừa qua trâu, bò đều nhốt trong chuồng, không thả trên đồi như trước nữa”.

Còn theo anh Sùng A Vàng, gia đình anh có 5 con trâu, mọi năm đều thả trên đồi nhưng những ngày rét đậm vừa qua gia đình đều nhốt gia súc tại chuồng, đồng thời đốt lửa sưởi ấm và cắt cỏ cho chúng ăn ngay tại chuồng. Tại huyện Trạm Tấu, nơi được biết đến với nhiều vùng núi cao, địa hình hiểm trở nhiệt độ thấp hơn nhiều so với các địa phương khác nhưng vẫn có nhiều địa phương nhờ làm tốt công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc nên đã hạn chế tối đa những thiệt hại.

Trong tổng số trên 1.000 con gia súc ở  xã Hát Lừu (Trạm Tấu) thì 100% hộ chăn nuôi đã làm chuồng trại cho vật nuôi, không còn tình trạng thả rông trâu, bò trên đồi nên trong khi nhiều địa phương khác có tới hàng chục con trâu, bò gục ngã vì rét thì toàn xã cũng chỉ bị thiệt hại 5 con. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua ngoài huyện Trạm Tấu là địa phương duy nhất đã triển khai cụ thể và nhanh chóng việc hỗ trợ bạt để người dân che chắn chuồng trại cho gia súc thì các địa phương khác cũng đã có tờ trình hỗ trợ cho hộ chính sách và hộ nghèo thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn theo phương thức mua bạt che chắn chuồng trại và hỗ trợ mua thức ăn tinh.

Dưới sự tham mưu của Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Trạm Tấu đã kịp thời sử dụng số tiền trích từ nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai và dịch bệnh để mua bạt, sau đó giao cho các địa phương trực tiếp trao tận tay các hộ chăn nuôi. Mọi công tác được tiến hành khẩn trương nên chỉ sau 2 ngày, 700 hộ chăn nuôi đã có bạt để che chắn cho chuồng trại hạn chế tối đa thiệt hại trên đàn gia súc.

Trao đổi với ông Đức, chúng tôi được biết để chủ động chống rét cho đàn gia súc, thời gian tới ngành nông nghiệp cùng các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời. Phương châm chủ yếu là huy động toàn bộ lực lượng về người, vật chất, kinh phí tại địa phương để sẵn sàng chống rét cho đàn gia súc, đặc biệt tập trung tại các hộ nghèo, các địa phương vùng cao.

Cụ thể, tại nhiều vùng núi cao ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu người dân có thể đào hầm sâu vào đồi, sau đó dùng bạt che chắn, như vậy sẽ tránh được tình trạng gió từ các sườn đồi, thung lũng thổi vào vật nuôi từ nhiều hướng. Thay vì cách làm “vừa nhìn, vừa làm, vừa xem” trong phòng, chống rét cho đàn gia súc thì các địa phương trong tỉnh có thể làm theo cách làm của huyện Trạm Tấu.

Hùng Cường 

Các tin khác
Đường Khánh Hòa - Minh Xuân, công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái đang được thi công. Ảnh minh họa

Ngày 14-2, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự, chỉ đạo hội nghị.

Giá đất chuyển nhượng trên thị trường cao gấp nhiều lần giá nhà nước quy định.

Bộ Tài nguyên - Môi trường đang xây dựng Chiến lược Phát triển ngành quản lý đất đai Việt Nam đến năm 2030.

Những loại rau trái vụ ít được người trồng rau sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. (Ảnh: nông dân xã Tuy Lộc chăm sóc rau vụ đông).

YBĐT - Với tổng số gần 100 ngàn người, bình quân mỗi ngày thành phố Yên Bái cần từ 20 đến 25 tấn rau xanh.

Đến nay, nhiều thủy điện ở Văn Chấn đã đi vào hoạt động trong đó có nhà máy thuỷ điện Nậm Tộc 2 công suất 3 MW.

YBĐT - Đến nay toàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có 200 đơn vị sản xuất kinh doanh các lĩnh vực: sản xuất, chế biến nông lâm sản; sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng; khai thác, chế biến khoáng sản và xây dựng các dự án vừa và nhỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục