Hiệp hội là cầu nối tạo sức mạnh đoàn kết các doanh nghiệp cùng nhau phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 21/2/2011 | 3:33:48 PM
YBĐT - Để phát triển kinh tế, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Yên Bái là phải tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhanh chóng vươn lên, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Yên Bái tham quan gian gới thiệu tiềm năng nuôi trồng thủy sản tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc tháng 12 năm 2010. Ảnh: Quang Thiều
|
Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, hoạt động của doanh nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội, quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo...
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường do khủng hoảng… nhưng có thể khẳng định, doanh nghiệp Yên Bái là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Sự tiến bộ của các doanh nghiệp ở Yên Bái thời gian qua góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương. Số nộp thuế của các doanh nghiệp những năm gần đây luôn chiếm tỷ lệ từ 55% - 65% kế hoạch ngân sách hàng năm.
Yên Bái hiện có 1.083 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2010, đã có thêm 231 doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được thành lập, đi vào sản xuất, kinh doanh; khu vực kinh tế tập thể có thêm 25 hợp tác xã thành lập mới. Trong đó, có 263 công ty cổ phần, 334 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, 227 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, 259 doanh nghiệp tư nhân với tổng vốn kinh doanh gần 5.420 tỷ đồng.
Cụ thể trong năm 2010, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp 420 tỷ đồng, chiếm 58,2% tổng số thu ngân sách tỉnh Yên Bái; giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 2,4 vạn lao động. Bản thân các doanh nghiệp cũng có những tiến bộ vượt bậc về quy mô, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký từ 7 - 10 tỷ đồng.
Qui mô vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp theo đăng ký kinh doanh là 6,5 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp quy mô vốn trên 20 tỷ đồng. Từ hoạt động đã có gần 100 doanh nghiệp có hàng hóa tham gia xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp. Nhân tố mới là nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các lĩnh vực mới như y tế, đào tạo - dạy nghề, dịch vụ với nguồn vốn khá lớn. Từ những bước phát triển đó, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại Yên Bái cùng những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua!
Chế biến gỗ rừng trồng là thế mạnh của các doanh nghiệp Yên Bái.
Ảnh: Chế biến gỗ rừng trồng ở Công ty TNHH Thanh Bình.
Mặc dù có bước phát triển nhưng thẳng thắn đánh giá có thể nhận thấy, so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thì hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp còn ít và đều thuộc quy mô nhỏ và vừa, quy mô vốn đầu tư và trình độ công nghệ còn lạc hậu, trình độ tay nghề của lao động thấp, năng lực quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp còn yếu. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chiến lược về sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao.
Một số doanh nghiệp làm ăn bước đầu có lãi nhưng chưa nhiều. Từ đó đặt ra yêu cầu cần có một tổ chức để các doanh nghiệp liên kết lại, cùng nhau phát huy tiềm năng, trí tuệ, khơi dậy niềm tự hào của các doanh nhân Yên Bái để cùng nhau phát triển.
Với mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong khu vực, để phát triển kinh tế, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phải tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhanh chóng vươn lên, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Vì vậy, cùng các giải pháp tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại và đầu tư cho cán bộ quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp; củng cố các trung tâm dạy nghề hiện có của tỉnh, chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; chú trọng việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh phát triển theo quy hoạch; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư; tiến hành các hoạt động quảng bá hình ảnh địa phương, những lợi thế về vùng đất, con người, tiềm năng tỉnh Yên Bái và các khu, cụm công nghiệp, cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư, môi trường đầu tư, các thủ tục và những chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh Yên Bái...
Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước, thực hiện tốt chế độ “một cửa” liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh. Việc tổ chức thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp trong những ngày đầu xuân Tân Mão này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa .
Vì vậy, ngay sau Đại hội, Hiệp hội Doanh nghiệp cần giữ vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan chính quyền các cấp, cầu nối liên doanh, liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, cầu nối giữa doanh nghiệp với các nhà tài trợ. Hiệp hội cũng giữ vai trò tập hợp nguyện vọng của các doanh nghiệp, kiến nghị và tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tuyên truyền các cơ chế, chính sách, pháp luật tới các doanh nghiệp thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp hội viên; tư vấn hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, tư vấn kinh doanh, hòa giải...
Để làm tốt nhiệm vụ đó, trong thời gian tới, Hội cần làm tốt công tác củng cố, tổ chức bộ máy; xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động; phát triển nguồn nhân lực, hội viên; xây dựng và phát triển quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, nước ngoài và các tổ chức hiệp hội có cùng mục tiêu...
Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư và tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để khai thác các chương trình tập huấn, đào tạo các lớp nâng cao kiến thức, trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, phát triển doanh nghiệp cho hội viên; đăng ký cho hội viên tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; tổ chức cho hội viên tham gia các chương trình hỗ trợ, tài trợ...; tạo cơ hội để các doanh nghiệp và các đối tác giao lưu, chia sẻ thông tin, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, liên doanh liên kết…
Từ những hoạt động thiết thực của Hiệp hội sẽ giúp cho các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, góp phần đắc lực xây dựng Yên Bái nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Công tác thu ngân sách luôn được huyện Trạm Tấu quan tâm và coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới là một vấn đề quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay do đó cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hội chợ châu Á 2011 là cơ hội tuyệt vời để quảng bá đất nước và con người Việt Nam với các doanh nghiệp châu Âu
Bộ Công thương khẳng định, mặc dù việc kinh doanh xăng dầu hiện nay đang gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cam kết vẫn nhập khẩu theo đúng tiến độ đã đăng ký.