Triển khai hiệu quả công tác đo đạc, điều chỉnh đất nông nghiệp vùng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 17/3/2011 | 9:06:33 AM
YBĐT - Để việc đo đạc, đánh giá điều chỉnh triển khai có hiệu quả cần có sự vào cuộc của các ngành và địa phương trong chỉ đạo tổ chức tuyên truyền công tác vận động quần chúng nhân dân; hoàn thiện phương án phê duyệt điều chính đất nông nghiệp và tổ chức thực hiện phương án được phê duyệt...
Có đất sản xuất giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
|
Sau khi triển khai làm điểm tại xã Bản Mù và Trạm Tấu của huyện Trạm Tấu năm 2009 đến năm 2010, công tác đo đạc tiếp tục được triển khai tại các xã của Trạm Tấu là: Túc Đán, Phình Hồ, Xà Hồ, Bản Công và xã Mồ Dề của huyện Mù Cang Chải.
Đây là một trong những nội dung của Nghị quyết 03 - NQ/TU ngày 21/7/2006 của Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách phát triển xã hội huyện vùng cao Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 06 - ngày 12/12/2006 của Tỉnh uỷ Yên Bái về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao và Quyết định số 1074/QĐ - UBND ngày 07/7/2007 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án về một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2007 - 2010.
Từ kinh nghiệm làm điểm tại 2 xã Bản Mù và Trạm Tấu, công tác đo đạc đất đai tại 5 xã năm 2010 đã có những thuận lợi do có sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp của chính quyền và nhân dân các xã. Vì vậy, đơn vị đo đạc đã tiến hành tổng diện tích đo vẽ tại 4 xã của huyện Trạm Tấu là 5.675 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 2723 ha. Theo Phó Trưởng phòng Quản lý và đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Công Tiến, đến nay sản phẩm Bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đã được Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao tài liệu cho UBND huyện Trạm Tấu để phục vụ công tác sắp xếp, điều chỉnh.
Cụ thể, qua điều tra tại xã Túc Đán đã phát hiện 28 hộ thiếu đất canh tác, vì vậy để giúp các hộ này, phương án điều chỉnh là sẽ có 16 hộ được điều chỉnh san sẻ đất nông nghiệp, 28 hộ được giao đất nông nghiệp với tổng diện tích giao là 37,37 ha. Tại xã Phình Hồ, toàn xã có 19 hộ thiếu đất, phương án điều chỉnh là 11 hộ được điều chỉnh san sẻ đất nông nghiệp, 19 hộ được giao đất nông nghiệp với tổng diện tích giao là 8,29 ha. Xã Bản Công có 6 hộ thiếu đất, trong đó có 2 hộ ở thôn Khấu Chu, 3 hộ thôn Sán Trá, 2 hộ thôn Tà Sùa, việc giúp các hộ có đất sẽ được dựa trên sự san sẻ của bà con trong thôn. Đến nay việc điều chỉnh sắp xếp đất đã được HĐND xã thông qua và UBND xã đang hoàn thiện, trình UBND huyện xem xét, phê duyệt phương án.
Dự án WB đầu tư lắp ống thép dẫn nước ngầm để đảm bảo nước tưới cho cây trồng.
Tại xã Xà Hồ, qua kết quả bình xét thôn và vận động có 24 hộ thiếu đất ở 9 thôn trong xã đã được 28 hộ nhiều đất san sẻ với tổng diện tích là 9 ha, như vậy các hộ này sẽ được giao đất trong thời gian gần nhất. Còn tại xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải), trong tháng 2 vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra công đoạn ngoại nghiệp.
Qua kiểm tra tại thực địa, đơn vị đã tổ chức đo đạc đúng quy trình, quy phạm với diện tích khoảng 670 ha/291 ha, hiện nay đơn vị thi công đang tổ chức đi giao nhận diện tích đến từng gia đình, cá nhân, dự kiến sẽ bàn giao cho huyện trước 30/6/2011. Qua tình hình triển khai công tác đo đạc cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì yêu cầu về tiến độ đo đạc vẫn chậm. Nguyên nhân là hầu hết các xã khi thi công có khối lượng phát sinh tăng so với thiết kế, dự toán được UBND tỉnh phê duyệt (cụ thể như tại xã Mồ Dề tăng trên 230%).
Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực quan tâm chỉ đạo công tác đo đạc phục vụ điều chỉnh đất đai vùng cao năm 2010 nhưng việc giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa giải quyết triệt để, công tác tuyên truyền vận động nhân dân chưa tốt. Cụ thể như tại xã Xà Hồ, khi đo đạc đã có 40 hộ gia đình tranh chấp với diện tích 70 ha đất làm nương rẫy do người dân đã bỏ hoang từ 2 - 3 năm nay, trong đó có một số diện tích do nhiều hộ cùng canh tác trên một diện tích tại các thời điểm khác nhau...
Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng cao chính là việc đất canh tác không đồng đều có hộ gia đình nhiều đất nhưng nhiều hộ lại không có đất hoặc thiếu đất để canh tác. Vì vậy, việc thực hiện đo đạc để sắp xếp điều chỉnh theo nghị quyết của Tỉnh ủy là hết sức cần thiết. Theo kế hoạch, trong năm 2011, công tác đo đạc, điều chỉnh sắp xếp lại đất đai vùng cao tiếp tục được triển khai tại 6 xã còn lại của huyện Trạm Tấu.
Để việc đo đạc, đánh giá điều chỉnh triển khai có hiệu quả cần có sự vào cuộc của các ngành và địa phương trong chỉ đạo tổ chức tuyên truyền công tác vận động quần chúng nhân dân; hoàn thiện phương án phê duyệt điều chính đất nông nghiệp và tổ chức thực hiện phương án được phê duyệt; đôn đốc đơn vị tư vấn triển khai công tác cấp giấy chứng nhận cho nhân dân các xã đã đo đạc và sắp xếp xong... Có như vậy, bà con vùng cao mới ổn định sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Nguyễn Đình – A Mua
Các tin khác
YBĐT - Để việc đảm bảo an toàn lao động đi vào thực chất, được coi trọng là hoạt động thường xuyên, hàng ngày và trở thành một trong những điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp ở Văn Yên phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.
Bộ GTVT thống nhất với chủ trương trên, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai nghiên cứu đầu tư, xây dựng để tách đường bộ khỏi cầu chung đường sắt.
Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa giảm thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam.
YBĐT - Chiếm 80% trong tổng số chiều dài đường bê tông nông thôn, Khai Trung hiện đang là xã dẫn đầu trong phong trào cứng hoá đường giao thông nông thôn ở Lục Yên.