Khi thôn có 34 xưởng gỗ, huyện có 62 nhà máy chè

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2011 | 8:57:19 AM

YBĐT - Chế biến gỗ và chè đều tăng trưởng quá nóng, thiếu quy hoạch, không có chiều sâu... thì chỉ đem lại lợi ích trước mắt và cho một bộ phận nào đó, chỉ một thời gian là hậu quả đã hiển hiện.

Sau chỉ thị dừng cấp phép đầu tư sản xuất cho các cơ sở chế biến kinh doanh chè bằng công nghệ cũ vẫn có hàng chục nhà máy chè ra đời. Ảnh minh họa
Sau chỉ thị dừng cấp phép đầu tư sản xuất cho các cơ sở chế biến kinh doanh chè bằng công nghệ cũ vẫn có hàng chục nhà máy chè ra đời. Ảnh minh họa

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung và ngành nghề chế biến nông lâm sản nói riêng của Yên Bái đã có những bước tăng trưởng đột phá, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và GDP toàn tỉnh. Mặc dù vậy, ngành nghề chế biến nông lâm sản đang có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng về số lượng, thiếu quy hoạch và hoàn toàn không mang tính bền vững.

Chế biến lâm sản là một thí dụ điển hình. Khó có thể đưa ra số liệu chính xác Yên Bái có bao nhiêu cơ sở chế biến gỗ vì số liệu thống kê đưa ra kết quả của tháng này thì tháng sau đã có thêm vài xưởng, có khi là vài chục xưởng.

Thống kê số lượng cơ sở chế biến đã khó, việc đưa ra con số tổng công suất lại càng khó hơn do công suất, năng lực chế biến phụ thuộc vào tiền vốn, lao động, nguyên liệu... chứ không do các cỗ máy quyết định vì chỉ cần vài ngày là người ta có thể lắp thêm được một cỗ máy mới hay nâng công suất thêm vài chục phần trăm. Nói đến ngành nghề chế biến gỗ thì xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên thực sự là “thủ đô” của Yên Bái.

Từ đầu xã đến cuối xã, từ bìa rừng đến ven suối, đi đến đâu cũng thấy xưởng chế biến gỗ. Nếu Lương Thịnh là “thủ đô” của ván bóc thì thôn Phương Đạo chắc chắn là “trái tim” của “thủ đô” ấy khi ở thời điểm đầu tháng 3 năm 2011, toàn thôn đã có 34 xưởng chế biến gỗ.

 Ngay khi chúng tôi thực hiện bài viết này, trong thôn vẫn có những hộ gia đình tiếp tục san tạo mặt bằng để mở xưởng. Có thể nói, đối với hàng chục hộ dân ở Phương Đạo, hàng trăm hộ ở Trấn Yên và rất, rất nhiều hộ gia đình khác ở Yên Bái, việc đầu tư mở xưởng gỗ đã mang lại hiệu quả tức thì. Chỉ cần 120 triệu đồng là có ngay một máy bóc do Trung Quốc sản xuất; mặt bằng để xây dựng nhà xưởng cũng chẳng cần quá rộng, việc vận hành cũng không quá phức tạp, lắp đặt máy, xây dựng xưởng cũng rất nhanh, thế là trong vòng vài tuần xưởng đã hoạt động. Cả nhà có việc làm, chồng thì chạy máy, con bóc gỗ, vợ thu mua nguyên liệu, cụ già phơi ván...

Thời tiết thuận lợi mỗi xưởng như thế cũng để ra được trên dưới chục triệu đồng, chẳng mấy thu hồi vốn. Thấy nhà này làm được, nhà kia cũng đầu tư mở xưởng, mấy nhà khác khó khăn hơn thì gộp nhau lại mở một xưởng để làm chung... Chẳng mấy, cả thôn, cả xã biến thành đại công xưởng chế biến gỗ, chính quyền cũng thấy vui vì vận động dân đóng góp các khoản quỹ cũng dễ, ngân sách thu nộp nhanh và hàng nghìn lao động có việc làm với thu nhập từ 70 đến 150 nghìn đồng/người/ngày công.

Truyền thống trước ngành gỗ là ngành chè. Với thế mạnh địa phương có diện tích và sản lượng chè thuộc hàng lớn nhất cả nước, trước đây toàn bộ sản lượng chè búp tươi được các nhà máy chế biến của Nhà nước hay công ty cổ phần thu mua; khi cơ chế chuyển đổi, nhiều cán bộ ngành chè về nghỉ chế độ sẵn trình độ, tay nghề và tiền vốn liền mở xưởng chè mini và sau hơn 10 năm thực hiện cơ chế  mới đã có cả trăm cơ sở chế biến như thế ra đời.

 

Ở thôn Phương Đạo, xã Lương Thịnh (trấn Yên) đã có 34 xưởng chế biến gỗ.

Riêng huyện Văn Chấn đã có 62 cơ sở và xã Nghĩa Tâm có tới trên 10 cơ sở chế biến chè xanh, đen đi vào hoạt động. Ngành nghề chế biến chè đã thu hút một lượng lớn lao động tại các địa phương và là nguồn thu ngân sách cũng như mang lại giá trị kinh tế chủ lực tại một số địa phương trong tỉnh.

Chế biến gỗ và chè đều tăng trưởng quá nóng, thiếu quy hoạch, không có chiều sâu... thì chỉ đem lại lợi ích trước mắt và cho một bộ phận nào đó, chỉ một thời gian là hậu quả đã hiển hiện. Ngành chè đi trước lĩnh hậu quả trước! Thực tế đã cho thấy, tổng công suất của các cơ sở chế biến chè đã vượt quá xa tổng sản lượng chè búp tươi. Với “lý luận” rằng: “Chế biến chè không bị pháp luật ngăn cấm”, “Kêu ca các cơ sở làm ra chè chất lượng kém, sao họ vẫn tiêu thụ được, sao họ vẫn tiếp tục làm?”, “Người ta vẫn cấp đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư cho các cơ sở chế biến chè” … mà không chịu hiểu rằng đó là ngành công nghiệp thực phẩm, sản phẩm làm ra ăn vào mồm, uống vào bụng mà không đảm bảo chất lượng thì không được phép hoặc đã vi phạm pháp luật!

Bên cạnh đó, tỉnh đã có quy định “Chấm dứt việc cấp phép sản xuất, kinh doanh chè cho các đơn vị không áp dụng công nghệ mới”, thế mà nhiều đơn vị vẫn lo được đầy đủ thủ tục rồi xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất bình thường với công nghệ chế biến của Liên Xô từ giữa thế kỷ trước, thậm chí có khi xây dựng nhà xưởng xong đi vào hoạt động mới “chạy” các thủ tục hành chính.

Có nhà máy riêng mà không có vùng nguyên liệu riêng, các nhà máy cứ giẫm chân lên nhau! Và “cuộc chiến” nguyên liệu gay gắt diễn ra, đã xuất hiện những hành vi xô xát, cạnh tranh để giành vùng nguyên liệu hay triệt hạ đối phương. Riêng chuyện hạ thấp phẩm cấp chè nguyên liệu theo kiểu miễn sao có hàng để làm, để bán như mua chè già, chè “liềm” thì trầm kha đến mức không thể giải quyết được. Chè làm ra chất lượng thấp, giá thành hạ, khó tiêu thụ, các cơ sở làm ăn bấp bênh và đã có những công ty lớn đổ bể. Riêng câu hỏi “Bao giờ chè Yên Bái có thương hiệu?” thật khó có lời giải đáp. “Khi nào Yên Bái có Hiệp hội chè và hoạt động theo đúng nghĩa của nó?” chắc cũng vậy cho dù đã có không biết bao nhiêu cuộc họp bàn.

Mặc dù đã và đang có rất nhiều cá nhân và tổ chức tiếp tục mở xưởng chế biến gỗ nhưng không khó để nhận ra những khó khăn to lớn mà ngành này đang gặp phải như: nguồn nguyên liệu bắt đầu khan hiếm, giá gỗ tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước đây (Để có nguyên liệu sản xuất, các cơ sở ở Lương Thịnh đã phải mua nguyên liệu từ Hà Giang, Tuyên Quang có khi là Phú Thọ về làm); phần lớn các cơ sở đều sử dụng công nghệ chế biến rất thấp (bóc và phơi) nên sản phẩm chất lượng thấp, chỉ làm nguyên liệu cho các nhà máy khác nên sức cạnh tranh kém, giá trị thấp và không có thương hiệu; đặc biệt là tiêu thụ rất bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bên mua.

Mấy tháng qua trời mưa liên tiếp, đi đến các xã làm gỗ bóc nhiều như Âu Lâu, Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Hưng Khánh mới thấy xót của: gỗ phơi mưa, để mục ở khắp mọi nơi, nhiều gia đình tiếc công, tiếc của đã bốc ván lên xe ô tô chở đi Lao Cai phơi nắng, bất chấp chi phí cao miễn là gỡ gạc lại ít vốn.

Nhìn xa hơn, cái sự bất chấp của ngành gỗ là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cám cưa, vỏ bào, phế phẩm tươi và ướt không thành hàng hoá được là chiều đến cho mồi lửa, khói mù mịt, mùi nồng nặc khắp các bản làng. Thời điểm ấy mà đo nồng độ không khí chắc chắn đã ô nhiễm ở mức rất nghiêm trọng, các bệnh về phổi, mắt sẽ thừa cơ hội rình rập! Cùng với vấn đề môi trường là việc cơ sở hạ tầng như điện, đường không theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của các cơ sở chế biến gỗ, đường giao thông nông thôn đang bị cày nát, điện sáng sinh hoạt thì tù mù bởi công suất của các mô - tơ lớn dùng chạy máy cưa, máy bóc...

Còn biết bao câu chuyện khác khi đầu tư sản xuất không mang tính dài hơi, thiếu quy hoạch “mạnh ai nấy làm”!

Lê Phiên

Các tin khác

Lúc 7 giờ ngày 30-3, lần đầu tiên tàu container Columba trọng tải đến 131.263DWT (ảnh) của hãng vận tải biển CMA CGM đã cập cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) an toàn.

Sau hơn 10 năm thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, đến nay Khánh Hòa (Lục Yên) đã trồng được gần 2.900 ha rừng sản xuất

YBĐT - Sau hơn 10 năm thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, đến nay Khánh Hòa (Lục Yên) đã trồng được gần 2.900 ha rừng sản xuất . Các loại cây trồng được chọn chủ yếu là keo theo dự án phát triển rừng kinh tế 661.

Theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trong 3 tháng đầu năm đạt 22,3%, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó xăng dầu, sắt thép, ô tô là một trong những mặt hàng tăng mạnh.

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 595 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 81 doanh nghiệp so với năm 2010, hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục