Lục Yên: Công nghiệp làm đột phá
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2011 | 9:20:00 AM
YBĐT - Nghị quyết Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XX đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị công nghiệp của huyện đạt gần 1000 tỷ đồng; hết nhiệm kỳ, công nghiệp - xây dựng chiếm 40% cơ cấu kinh tế, trong đó công nghiệp chiếm 24%.
Sản xuất tranh đá quý ở Lục Yên. (Ảnh: T.L)
|
Từ mục tiêu đặt ra, huyện Lục Yên đã chú trọng thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Huyện thực hiện một hệ thống các giải pháp mang tính khả thi gồm cơ chế, chính sách đầu tư, thu hút vốn, khai thác thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư và mở rộng qui mô sản xuất, tạo lượng hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Lục Yên đã thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp Yên Thế, Vĩnh Lạc.
Trong đó, Cụm công nghiệp Yên Thế với diện tích 50 ha đã được đầu tư 8 tỷ xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đang được đầu tư đường phân lô. Từ cơ chế thu hút đến nay, đã có trên 30 công ty đã và đang tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, khai thác tiềm năng khoáng sản trên địa bàn. Riêng Cụm công nghiệp Yên Thế đã thu hút 4 nhà doanh nghiệp vào đầu tư là: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK, Công ty Đại Hoàng Long, Công ty TNHH Thành Phát và Công ty cổ phần Khoáng sản Cửu Long VPV với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.
Không chỉ khai thác tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực khoáng sản, với tiềm năng sẵn có, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng được huyện chú trọng. Thông qua việc khuyến khích, thực hiện tốt các chính sách mà sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên đã có cơ hội phát triển.
Theo thống kê đến nay trên địa bàn có trên 1.000 cơ sở sản xuất chế biến tiểu thủ công nghiệp, hàng năm giá trị sản xuất đạt hàng ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Chủ cơ sở sản xuất gạch không nung Diệp Thanh Phong, tổ 1, thị trấn Yên Thế cho biết: "Từ chính sách đầu tư công trong năm nay, cơ sở sẽ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng, nguồn đầu tư này tạo điều kiện để cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất".
Tìm hiểu được biết, cơ sở sản xuất gạch không nung Diệp Thanh Phong mỗi tháng sản xuất 1,5 vạn viên gạch bê tông, cung cấp cho thị trường, giải quyết việc làm cho 5 đến 10 lao động có thu nhập.
Chủ cơ sở chế biến gỗ vườn rừng thôn 4, xã Tân Lĩnh - Nguyễn Ngọc Hưởng, phấn khởi cho biết: "Hiện nay cơ sở chế biến gỗ rừng trồng mỗi tháng thu mua 100 m3 gỗ rừng trồng trong dân, tạo việc làm cho 11 lao động với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Được sự quan tâm của huyện, năm nay cơ sở được hỗ trợ 50 triệu đồng từ chính sách đầu tư công, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy móc mở rộng sản xuất”.
Về vấn đề đầu tư công, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng của huyện cho biết thì: "Nhiều năm qua, chính sách đầu tư công đã phát huy hiệu quả, là điều kiện thuận lợi để các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay!".
Được biết năm nay sẽ có 4 cơ sở chế biến gỗ được hưởng chính sách từ đầu tư công, với tổng giá trị trên 200 triệu đồng. Từ quan tâm tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu điện và thời tiết không thuận lợi nhưng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Lục Yên trong quí I năm 2011 vẫn duy trì ổn định.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 30 tỷ đồng, trong đó công nghiệp quốc doanh đạt trên 2 tỷ đồng, công nghiệp ngoài quốc doanh trên 24 tỷ đồng, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là trên 3,2 tỷ đồng với các sản phẩm như: đá block 2.070 m3, cát 11 ngàn m3, đá dăm các loại 38 ngàn m3, đá hộc xây dựng 8.500m3, gạch các loại 460 nghìn viên, gỗ rừng trồng 267.000 m3...
Tiếp tục phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và để công nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, Bí thư Huyện uỷ Nông Văn Lịnh khẳng định: Doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương được tạo điều kiện thông thoáng nhất về thủ tục hành chính. Được hưởng ưu đãi đầu tư theo đúng chính sách thu hút ưu đãi của tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ bám sát, động viên, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đây là khâu khó khăn cần quan tâm tích cực, làm tốt công tác đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài; được biết cùng với tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách, việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh tuyến đường Khánh Hoà - Minh Xuân đang được đầu tư nâng cấp, huyện đã xây dựng dự án nâng cấp cầu Tô Mậu bắc qua sông Chảy để xe trọng tải lớn có thể vận chuyển hàng hoá; có dự án mở thêm 4 tuyến đường đi các huyện phụ cận và ngoại tỉnh; dự án nâng cấp 7 tuyến đường giao thông nội huyện...
Những giải pháp đồng bộ này sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất công nghiệp - khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế Lục Yên nhanh, mạnh và bền vững.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Tính đến ngày 9.6, đã có trên 100 ha lúa được thu hoạch, chủ yếu là những chân ruộng trũng và theo đúng tiến độ, đến ngày 20.6, nông dân Trấn Yên sẽ gặt rộ với tổng diện tích đạt khoảng 1.500 ha.
Chiều 9/6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% đối với diezel và dầu hỏa; đồng thời trích quỹ bình ổn 100 đồng/lít đối với xăng, thay vì điều chỉnh giảm giá bán.
Theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30-6-2011 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của các tổ chức tín dụng so với tổng dư nợ tối đa phải giảm xuống 22% và đến 31-12-2011 giảm xuống còn tối đa 16%.
YBĐT - Trong một hai năm trở lại đây, khắp các địa phương trong tỉnh Yên Bái, từ vùng thấp đến vùng cao, đâu đâu cũng thấy mọc lên các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, nhất là các xưởng ván bóc.