Thú y cho thuỷ sản: Vừa thiếu vừa yếu
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2011 | 3:07:24 PM
YBĐT - Để chăn nuôi thuỷ sản phát triển ổn định, bền vững và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí của tỉnh, đòi hỏi phải có một mạng lưới thú y cho thuỷ sản vững về chuyên môn, đủ về số lượng và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Thiếu cán bộ thú y thủy sản nên người chăn nuôi vẫn phải tự “mò mẫm” phòng dịch cho ao cá, lồng nuôi của mình.
|
Tuy là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái lại có nhiều hồ, đập, ao, sông, suối để phát triển chăn nuôi thuỷ sản. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi thuỷ sản, cùng với đó người dân rất say mê với cái nghề “mới mà cũ” này. Nhờ vậy mà chăn nuôi thuỷ sản phát triển khá mạnh mẽ từ vùng thấp đến vùng cao, đã và đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 32 ngàn ha mặt nước, trong đó diện tích ao, đầm, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện là 24 ngàn ha còn lại là sông, suối. Không chỉ vậy ,Yên Bái còn có nguồn lợi thuỷ sản rất phong phú và đa dạng với 164 loài thuộc 8 bộ, 23 họ và 97 giống, trong đó có 66 loài cá kinh tế, chủ yếu sống trên lưu vực sông Hồng, sông Chảy và hồ Thác Bà với nhiều loài cá quý hiếm như cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá chình. Ngoài ra, còn có một số loài đặc hữu như: cá rầm xanh, cá hỏa, đặc biệt có loài ba ba gai - một loại thuỷ đặc sản chỉ miền núi mới có.
Với những lợi thế đó, từ năm 2003, tỉnh đã có Đề án quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản và có Quyết định phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2010-2015. Tỉnh cũng tích cực đề ra những cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản cụ thể. Song song với đó là phong trào nuôi trồng thuỷ sản phát triển rộng khắp, đưa diện tích nuôi thả đạt trên 2.700 ha và hàng chục ngàn ha nuôi trên hồ Thác Bà.
Cá nuôi trong ao, cá nuôi trong hồ, cá nuôi lồng bè với hàng ngàn lồng và trên 500 ha nuôi cá ruộng. Bình quân mỗi năm tỉnh đầu tư thả bổ sung được trên 90 vạn con cá vào hồ Thác Bà và các hồ thuỷ lợi nhỏ.
Từ những giống cá đơn thuần nay đã có nhiều giống cá mới năng suất, chất lượng cao được đưa nuôi thả rất hiệu quả như: cá chép lai, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá trôi Trường Giang, cá chiên, cá trắm đen, cá tầm, cá hồi, cá mè Vinh, ba ba gai…Nhờ vậy, sản lượng thuỷ sản đánh bắt hàng năm tăng đáng kể. Chỉ tính riêng trong năm 2010, sản lượng đánh bắt đạt 5.500 tấn, tăng 350 tấn so cùng kỳ.
Chăn nuôi thuỷ sản phát triển đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, nhất là các xã vùng ven hồ. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá như hộ gia đình ông Nông Văn Việt ở huyện Yên Bình, hộ ông An, ông Bình ở Trấn Yên…
Chăn nuôi thuỷ sản đã và đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chăn nuôi thuỷ sản vẫn đang bộc lộ nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề thú y thuỷ sản.
Thực tế, phong trào chăn nuôi thuỷ sản phát triển mạnh là thế nhưng công tác thú y thuỷ sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống thú y cho thuỷ sản vừa thiếu vừa yếu, nếu không muốn nói là không có. Chăn nuôi muốn phát triển mạnh, bền vững đòi hỏi phải đầu tư, chăm sóc và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Hệ thống thú y có từ tỉnh đến huyện và các thú y viên thôn, bản, nhưng thú ý cho thuỷ sản, nhất là cán bộ thú y có chuyên ngành lại không có.
Hàng năm, tỉnh vẫn bố trí một nguồn kinh phí cấp cho các huyện mua thuốc phòng chống dịch bệnh cho chăn nuôi thuỷ sản, thế nhưng không phải hộ chăn nuôi nào cũng được thụ hưởng nguồn thuốc này.
Trong suốt nhiều năm nay, người chăn nuôi thuỷ sản vẫn tự “mò mẫm” phòng chống dịch bệnh cho ao cá, lồng nuôi của mình. Kinh nghiệm có nhưng chuyên môn không sâu, hộ nào may mắn thì được học qua vài ngày tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản do cán bộ Chi cục Thuỷ sản hướng dẫn, do vậy công tác phòng chống dịch bệnh rất kém. Bởi vậy mà vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào chăn nuôi cá lồng, cá bè phát triển mạnh mẽ, có lúc lên tới hàng ngàn lồng cá, thế nhưng đã sớm lụi tàn vì cá bị dịch bệnh chết hàng loạt, nhiều gia đình đã phải phá sản vì cá.
Cho đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch bệnh cho chăn nuôi thuỷ sản vẫn chưa thật rõ ràng. Chỉ khi nào các hộ chăn nuôi phát hiện ra dịch bệnh mà “nhờ” thì Chi cục Thuỷ sản mới cử cán bộ xuống giúp đỡ, bởi cả Chi cục cũng chỉ có 15 cán bộ biên chế.
Để chăn nuôi thuỷ sản phát triển ổn định, bền vững và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí của tỉnh, đòi hỏi phải có một mạng lưới thú y cho thuỷ sản vững về chuyên môn, đủ về số lượng. Ngành thủy sản không thể phát triển bền vững nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngọc Trúc
Các tin khác
2 mặt hàng dầu hỏa và diezel sẽ được tái áp thuế trở lại mức 5%.
Nguyên nhân của việc tăng giá trở lại là do FED vẫn duy trì lãi suất đồng USD thấp, giá dầu thô và ngũ cốc tăng…
YBĐT - Nghị quyết Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XX đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị công nghiệp của huyện đạt gần 1000 tỷ đồng; hết nhiệm kỳ, công nghiệp - xây dựng chiếm 40% cơ cấu kinh tế, trong đó công nghiệp chiếm 24%.
YBĐT - Tính đến ngày 9.6, đã có trên 100 ha lúa được thu hoạch, chủ yếu là những chân ruộng trũng và theo đúng tiến độ, đến ngày 20.6, nông dân Trấn Yên sẽ gặt rộ với tổng diện tích đạt khoảng 1.500 ha.