Thành phố Yên Bái: Hệ thống chợ vừa thiếu vừa nhếch nhác

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/7/2011 | 2:50:13 PM

YBĐT - Tình trạng chợ tràn lòng đường, hè phố không còn lạ trên địa bàn thành phố Yên Bái bấy lâu nay. Các cấp chính quyền đã quyết liệt dẹp bỏ tình trạng này nhưng cứ sau mỗi đợt ra quân tình trạng họp chợ vỉa hè lại tái diễn.

Không đủ chỗ bán hàng, người dân tràn ra lòng đường gây mất ATGT.
Không đủ chỗ bán hàng, người dân tràn ra lòng đường gây mất ATGT.

Dân số gia tăng, đời sống đô thị ngày càng phát triển, kéo theo quá trình trao đổi, buôn bán của người dân không ngừng được tăng lên. Thế nhưng hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện đang ở vào tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, chưa theo kịp nhu cầu buôn bán của người dân, nhiều điểm buôn bán tự phát “chợ cóc, chợ quê” mọc ngay giữa phố, lấn chiếm hành lang, lòng đường vừa gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, văn hóa thương mại, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Tình trạng chợ tràn lòng đường, hè phố không còn lạ trên địa bàn thành phố Yên Bái bấy lâu nay. Các cấp chính quyền đã quyết liệt dẹp bỏ tình trạng này nhưng cứ sau mỗi đợt ra quân tình trạng họp chợ vỉa hè lại tái diễn. Cuộc chiến với chợ cóc, chợ tạm sẽ còn gian nan và không hiệu quả nếu chúng ta không có quy hoạch, mở rộng, xây dựng thêm các điểm chợ đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. Với trên 13 vạn người nhưng chỉ có 11 chợ, trong đó có 10 chợ là hoạt động (7 chợ phường, 1 chợ trung tâm và 2 chợ xã).

Trong nội thành có 7 phường thì mỗi phường chỉ có 1 điểm chợ, như vậy là rất thiếu. Không chỉ thiếu chợ mà cơ sở vật chất đến diện tích của chợ cũng rất nhỏ hẹp.

Chợ phường Nguyễn Phúc có diện tích chưa đầy 970 m2, trong đó diện tích xây dựng chỉ có 370 m2, chợ Đồng Tâm tổng diện tích 834 m2, diện tích xây dựng 412 m2, còn lại chợ Hồng Hà, Yên Thịnh, Nguyễn Thái Học… diện tích quy hoạch cũng chỉ trên dưới 1 ngàn m2. Chợ hẹp trong khi nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa lại lớn, dẫn đến sự quá tải.

Bên cạnh đó, ngoài chợ Trung tâm thành phố Yên Bái là được quy hoạch khá rộng và có bãi gửi xe, còn lại tất cả các chợ phường đều không có bãi gửi xe. Nhiều hộ buôn bán muốn vào chợ nhưng không có mặt bằng, thậm chí ngay cả các hộ đã buôn bán lâu năm muốn mở rộng kinh doanh cũng không được.

Chợ quá tải, không bãi gửi xe thế là người bán tràn ra hành lang, hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông. Cứ chiều chiều các điểm chợ từ Yên Thịnh đến Đồng Tâm, Minh Tân… người bán, người mua tấp nập trong chợ, vỉa hè thậm chí mua bán luôn trên lòng đường. Để đảm bảo trật tự, tổ quản lý chợ, lực lượng quản lý đô thị lại đi nhắc nhở, thu giữ hàng hóa, phương tiện khiến người bán, người mua phải chạy khắp phố phường.

Bài toán không khó nhưng hiện đang không có lời giải vì chưa có một quy hoạch cụ thể nào và các phương án mở rộng chợ cũng rất nan giải. Cả phường chỉ có một chợ, người dân, người nội trợ không muốn đi vài cây số đường để đến chợ phường mua mớ rau, con cá mà hàng ngày cứ tiện đâu là mua đấy. Mua mãi thành quen, bán mãi thành quen và cứ như vậy thành các điểm bán hàng tự phát chợ cóc lúc nào không biết.

Các ngành chức năng ra quân dẹp bỏ chỉ có hiệu lực tức thì, khi rút quân thì chỉ vài phút sau họ lại tụ tập buôn bán. Phương tiện của người bán hàng chủ yếu là xe thồ hoặc chiếc mẹt nhỏ nên rất cơ động, người mua cũng vậy, dừng xe ngay lòng đường rút ví mua bó rau, con cá xong là phóng thẳng về nhà. Do vậy để giải bài toán chợ cóc, chợ xép, chợ tràn đường nhất thiết chúng ta phải quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các khu chợ mới.

Đối với các chợ hiện có cần xây dựng và mở rộng hơn nữa để thu hút người bán, người mua vào chợ. Biết rằng đầu tư xây dựng chợ mới và mở rộng chợ hiện nay là rất khó, quỹ đất ở các phường, nhất là đất ở những nơi thuận tiện hầu như không còn, hơn thế nguồn ngân sách lại có hạn. Vì vậy, nên chăng chúng ta có thể huy động nguồn vốn đầu tư của các tổ chức cá nhân và huy động sự đóng góp của nhân dân để xây chợ mới, các chợ hiện có thì giải pháp tốt nhất là nâng cấp.

 Thanh Phúc 

Các tin khác

YBĐT - Những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái phải chịu áp lực thực sự của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mùa thu hoạch lúa. (Ảnh: Quang Hùng)

YBĐT - Vụ đông xuân năm nay, huyện Văn Chấn thực hiện ứng dụng Chương trình canh tác lúa cải tiến SRI toàn phần trên diện tích 80 ha. Ngoài ra, kết hợp sử dụng phân viên nén dúi sâu trên 1.500 ha với sự tham gia của trên 10 nghìn hộ.

YBĐT - Tuy sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011 gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Yên Bái đã chủ động tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.

YBĐT - 6 tháng đầu năm 2011, Đội quản lý thị trường số 6 huyện Lục Yên đã phát hiện và xử lý kịp thời 61 vụ có hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, hàng nhập lậu, tem nhãn hàng hóa… thu nộp ngân sách Nhà nước gần 67 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục