Cần mở rộng diện tích vùng măng tre Bát Độ
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/7/2011 | 3:19:54 PM
YBĐT - Tuy mới được đưa vào trồng và mới có 30% diện tích cho thu hoạch nhưng cây măng tre Bát độ đã khẳng định được tính hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn.
Nông dân xã Hồng Ca (Trấn Yên) nhận giống tre măng Bát Độ về trồng. (Ảnh: Đức Hồng)
|
Sau nhiều năm thử nghiệm, cuối cùng cây măng tre Bát độ đã có chỗ đứng vững chắc trong tập đoàn cây lâm nghiệp ở Yên Bái. Măng tre Bát độ đã được trồng ở Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên và Văn Chấn với diện tích gần 3 ngàn ha, kể từ những diện tích trồng tập trung đến nay đã có trên 1 ngàn ha cho thu hoạch với sản lượng măng đạt gần 60 ngàn tấn. Măng tre Bát độ đã làm hồi sinh nhiều bản làng vùng cao từ Kiên Thành, Tân Đồng huyện Trấn Yên tới các xã vùng Đông hồ Yên Bình, Lục Yên và góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn Yên Bái.
Cây tre được xem là loài cây đa mục đích, là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành nghề, đặc biệt măng có thể chế biến nhiều món ăn phục vụ cho bữa ăn hàng ngày và xuất khẩu. Không chỉ có vậy, cây tre còn rất dễ trồng và thích nghi với thổ nhưỡng, đất đai nhiều vùng, trồng tre còn có tác dụng bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất đai.
Cây tre đã được khẳng định là một loài cây hữu ích hàng ngàn đời nay, nhưng trồng tre, nhất là tre Bát độ với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá thị trường thì mới được bắt đầu trong vòng 5-6 năm trở lại đây.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có trên 6.300 ha cây họ tre, trong đó có 3.455 ha cây tre gai, luồng, mai và cây có đốt, tre măng Bát độ 2.835 ha. Với nguồn nguyên liệu này mỗi năm khai thác 180 ngàn tấn nguyên liệu giấy; 87 ngàn tấn măng (măng tre Bát độ 56 ngàn tấn, tre, luồng 29 ngàn tấn).
Sở dĩ, cây măng tre Bát độ phát triển mạnh là do đây là loài cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó còn có sự vào cuộc đầu tư liên kết của các nhà doanh nghiệp. Công ty TNHH Vạn Đạt đã đầu tư trồng 1.200 ha, chủ yếu tập trung tại huyện Trấn Yên, Công ty TNHH Yên Thành đầu tư trồng 520 ha tại Yên Bình, 350 ha tại Lục Yên và 250 ha tại Văn Chấn, Công ty TNHH Thành Tín 650 ha tại Văn Chấn.
Qua đó đã hình thành được những vùng sản xuất tương đối tập trung phục vụ nguyên liệu giấy, măng cho chế biến tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu. Song song với phát triển vùng nguyên liệu các cơ sở chế biến cũng phát triển khá mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có trên 30 dây chuyền chế biến giấy đế, Công ty TNHH Yên Thành đã xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản với công suất 5 - 7 tấn/ngày, 2 công ty thu mua măng qua sơ chế rồi đóng gói vận chuyển về xuôi chế biến.
Thị trường tiêu thụ măng cũng khá tốt, măng mai tươi có giá bán từ 4 - 4.500 đồng/kg, khô có giá từ 92 - 95 ngàn đồng/kg; măng Bát độ có giá thu mua từ 3 - 4 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp thu mua chế biến 3 ngàn tấn/năm, giá xuất khẩu đạt trên 0,56 USD/kg.
Tuy mới được đưa vào trồng và mới có 30% diện tích cho thu hoạch nhưng cây măng tre Bát độ đã khẳng định được tính hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần quan trọng xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Xã vùng cao Kiên Thành là một minh chứng rõ nhất cho tính hiệu quả của trồng măng tre Bát độ. Đây là một xã vùng sâu, vùng xa khó khăn và nghèo đói vào bậc nhất huyện Trấn Yên, thế nhưng hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều hộ đã trở nên giàu có, nhà xây, xe máy không còn là chuyện hiếm.
Có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã cùng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ từ cây măng tre Bát độ. Toàn xã có 750 hộ dân thì có tới trên 507 hộ trồng măng tre Bát độ, nhà ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều 5 - 6 ngàn gốc, đưa tổng diện tích lên 500 ha.
Sau 5 năm trồng đến nay, măng tre Bát độ đã cho thu hoạch, riêng trong năm 2010 Kiên Thành bán măng thu trên 5 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ ở một xã vùng cao. Nhiều gia đình từ nghèo khó nay đã có cuộc sống khá giả hơn, với mức thu gần trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình các anh: Giàng A Sáu, Giàng A Khay bản Đồng Ruộng; Lộc Văn Tường, thôn Gốc Đa...
Trồng măng tre Bát độ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi rừng; vốn đầu tư ít, giai đoạn kiến thiết cơ bản ngắn, chỉ sau 1 năm là đã bắt đầu cho thu hoạch, sau 3 năm cây cho thu hoạch với năng suất cao, bình quân 18-20 tấn, giá trị đạt trên 20 triệu đồng/ha, cao gấp 2,5-3 lần so với trồng cây nguyên liệu giấy. Không riêng gì ở Kiên Thành mà người dân xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành (huyện Trấn Yên) hay xã Xuân Lai, Vũ Linh, Đại Đồng (huyện Yên Bình) cũng đang được hưởng lợi từ cây măng tre Bát độ.
Rõ ràng tính hiệu quả của cây măng tre Bát độ là rất rõ, khó ai có thể phủ nhận được, bởi nó đã và đang làm thay da đổi thịt các vùng quê từ vùng thấp đến vùng cao của tỉnh. Quan trọng hơn là thổ nhưỡng, đất đai cũng như trình độ thâm canh, vốn đầu tư hoàn toàn phù hợp với người dân sản xuất nông - lâm nghiệp Yên Bái, cùng với nhu cầu, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là rất tốt, do vậy chúng ta cần tiếp tục quy hoạch mở rộng vùng sản xuất măng tre Bát độ.
Qua khảo sát của các địa phương thì diện tích có thể mở rộng vùng măng tre Bát độ khoảng 4.600 ha nữa (một số xã vùng đông bắc huyện Lục Yên 350 ha, các xã phía Tây sông Hồng huyện Trấn Yên 1.400 ha, các xã vùng thấp huyện Yên Bình 520 ha, các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn 2.800 ha).
Mở rộng diện tích để phát huy tối đa về đất đai, nguồn nhân lực, tạo ra vùng trồng tre có quy mô lớn đáp ứng cho chế biến xuất khẩu đáp ứng thị trường tiêu thụ. Làm được như vậy sẽ tạo ra một ngành hàng quan trọng trong cơ cấu hàng hoá nông nghiệp của tỉnh, có đủ các điều kiện về chất lượng và ổn định bền vững đủ sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng chúng ta cần tích cực đầu tư thâm canh chiều sâu và trồng tập trung thành vùng cung cấp nguyên liệu tập trung, đảm bảo cung cấp ổn định cho thị trường trên 300 ngàn tấn măng cho các nhà máy chế biến và 140 ngàn tấn măng tươi cho thị trường nội tiêu và xuất khẩu.
Cùng với mở rộng diện tích, cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống thu mua, chế biến đảm bảo tiêu chuẩn. Hiện các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng vùng măng tre Bát độ đều ủng hộ và cam kết liên doanh liên kết với các địa phương và nông dân mở rộng vùng nguyên liệu và thu mua hết nguyên liệu.
Thanh Phúc
Các tin khác
Đã có 2 mặt hàng bị loại khỏi danh mục 5 mặt hàng thiết yếu có thể phải có dự trữ lưu thông bắt buộc.
YBĐT - Những ngày này đi dọc tuyến đường Đông hồ hay dọc các xã trên quốc lộ 70 của huyện Yên Bình đâu đâu cũng gặp cảnh nông dân tấp nập xuống đồng làm mùa chạy đua cùng thời vụ.
YBĐT - Đến hết tháng 6/2011, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn thành phố Yên Bái đạt 92,67 tỷ đồng / 150 tỷ đồng dự toán tỉnh giao, bằng 62% và bằng 54% dự toán phấn đấu của thành phố, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010.