Đại Phác: Thành công từ mô hình sản xuất lúa giống
- Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2011 | 9:22:40 AM
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã cơ bản đáp ứng được nguồn giống tốt cho nhân dân địa phương, dự kiến vụ mùa sẽ mở rộng gieo trồng từ 8- 10 ha sản xuất ra khoảng 40 - 50 tấn thóc giống để cung cấp cho thị trường các xã trong huyện.
Cán bộ Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc kiểm tra sản xuất lúa giống tại thôn Ba Luồng, xã Đại Phác.
|
Đại Phác là xã thuộc vùng thấp của huyện Văn Yên, cách trung tâm huyện 10 km về phía Tây Nam, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.136 ha trong đó có 361 ha đất sản xuất nông nghiệp với 131 ha đất trồng lúa nước 2 vụ, 42 ha đất mầu soi bãi, xã được chia thành 10 thôn với 748 hộ với 3.204 khẩu, là xã thuần nông, nên điều kiện để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại chậm phát triển so với các xã trong vùng.
Tuy gặp khó khăn trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhưng Đại Phác lại được thiên nhiên ưu đãi bởi sự bồi đắp phù sa hàng năm của dòng suối Thia đã tạo nên cánh đồng rộng bằng phẳng phì nhiêu, người dân chịu khó cần cù lao động biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Từ những tiềm năng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định muốn sản xuất nông nghiệp phát triển cần phải khắc một số hạn chế, phải chủ động được nguồn giống đặc biệt là nguồn giống lúa thuần hoặc sản xuất hạt giống để bán ra thị trường có thu nhập cao hơn.
Năm 2009, Chương trình Nâng cao năng lực sản xuất hạt giống cho các tỉnh trung du do Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai sản xuất thí điểm lúa giống Chiêm hương và giống T10 trên địa bàn thôn Ba Luồng với diện tích 3,7 ha được người dân đồng đồng tình ủng hộ. Trước đó, địa phương đã nổi tiếng có dòng lúa thuần giống Chiêm hương có chất lượng gạo ngon, dẻo có mùi thơm đặc trưng nhưng do không có kỹ thuật trong bảo tồn, bảo quản duy trì nguồn gen của giống nên giống lúa này đã thoái hóa nghiêm trọng, gạo không còn mùi thơm dẻo và ăn ngon như ban đầu.
Khi chương trình được triển khai, các cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn 19 hộ nông dân tự nguyện tiến hành phục tráng giống lúa Chiêm hương để tìm lại những tính năng ưu việt ban đầu, bên cạnh đó còn khảo nghiệm một số loại giống mới như giống T10.
Trong 2 năm triển khai sản xuất lúa giống Chiêm hương và giống lúa T10 cho thấy, năng suất bình quân của giống T10 đạt 220kg/sào, giống Chiêm hương năng suất bình quân đạt 180- 200 kg/sào, với giá bán cho Công ty Giống cây trồng 9.000 đồng/kg lúa giống thì các hộ nông dân ở đây đã được thu về gần 2 triệu đồng/sào. Đặc biệt, giống lúa Chiêm hương và T10 của nông dân Đại Phác hiện rất được ưa chuộng tại thị trường trong huyện.
Ông Trần Mạnh Hùng người dân ở thôn Ba Luồng cho biết: "Mỗi năm gia đình tôi cấy 1,4 mẫu ruộng, tôi dành 8 sào ruộng để làm lúa giống Chiêm hương và sản xuất được 3 tấn lúa giống. Tôi đã cung cấp, trao đổi với bà con xã viên và bán cho các đơn vị trong và ngoài huyện với giá bình quân 9.000 đồng/kg, mỗi năm cũng thu được 29 triệu đồng, lãi 15 triệu đồng".
Tại hội nghị đầu bờ nhóm sản xuất lúa giống, ông Phạm Tùng Nguyên - Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao về kết của dự án, người dân trong xã đã hoàn toàn chủ động được nguồn giống chất lượng tại chỗ. Qua đó, ý thức của người dân được nâng lên trong quá trình sử dụng giống, ý thức sản xuất lúa gạo hàng hóa của nông dân cũng đã được hình thành. Hiện nay, trên địa bàn xã đã cơ bản đáp ứng được nguồn giống tốt cho nhân dân địa phương, dự kiến vụ mùa sẽ mở rộng gieo trồng từ 8- 10 ha sản xuất ra khoảng 40 - 50 tấn thóc giống để cung cấp cho thị trường các xã trong huyện”.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giống lúa do nông dân sản xuất, phục vụ mục tiêu sản xuất hàng hoá bền vững và đảm bảo an ninh lương thực, các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh hoạt động của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, đào tạo kỹ thuật tại chỗ bằng cách lựa chọn những người dân trực tiếp sản xuất, ham học hỏi, tự nguyện... hỗ trợ lượng giống gốc ban đầu như hạt siêu nguyên chủng, nguyên chủng đó là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo chất lượng hạt giống cung cấp cho các hộ dân tiếp tục nhân rộng sản xuất trong toàn địa phương đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra chất lượng các giống lưu hành trong sản xuất.
Ngoài ra, khuyến khích các nhóm, câu lạc bộ sản xuất giống lúa tại địa phương tổ chức sản xuất hạt giống theo kế hoạch, thường xuyên trao đổi, phổ biến nội dung kiến thức về các hoạt động có liên quan đến sản xuất giống.
Thực hiện tốt và đồng bộ các biện pháp trên, sản xuất giống nông hộ sẽ tạo ra nguồn giống có chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất cho địa phương và nâng cao nhận thức của các hộ nông dân về vai trò của giống trong sản xuất nông nghiệp.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Dự ước 6 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Yên Bái đạt 16.021,7 USD, bằng 43,3% kế hoạch năm, tăng 21,56 % so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội xem xét, quyết định các giải pháp về miễn, giảm thuế tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống người lao động.
YBĐT - Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 1,51% so với tháng trước. Như vậy, 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 17,47%.
YBĐT - Đến thời điểm này, có thể nói vụ chiêm xuân ở Trạm Tấu (Yên Bái) đã đạt kết quả khá về năng suất và sản lượng.