Trạm Tấu: Cây ngô khẳng định hiệu quả kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2011 | 3:32:24 PM
YBĐT - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đang có những bước đi đúng hướng. Cây ngô là một trong những loại cây gắn bó từ rất sớm với người dân địa phương nhưng việc phát triển loại cây này lại đang vấp phải nhiều khó khăn từ nhận thức chưa đúng của người dân.
Mỗi ha ngô nếu được đầu tư tốt người Mông Trạm Tấu sẽ thu lãi gần 30 triệu đồng.
|
Chị Giàng Thị Dua ngừng tay bóc những bắp ngô vàng suộm hạt chắc, đều hồ hởi nói: "Mình gieo 6 cân giống ngô lai 9698 thu hoạch được hơn 17 tạ, bán đi cũng được 10 triệu đồng. Hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa nương". Niềm vui của chị Giàng Thị Dua, thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu đang khẳng định hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã vùng cao Trạm Tấu hôm nay.
Đối với người Mông huyện Trạm Tấu, việc canh tác lúa nương hiện vẫn là phương thức canh tác truyền thống. Tuy nhiên, trước đây đất đai còn rộng, người Mông sống du canh, du cư với những vùng đất mới phì nhiêu nên lúa nương cho năng suất cao. Còn nay họ đã định canh, định cư, đất đai không có nhiều, canh tác lúa nương không còn giai đoạn bỏ hoang để phục hồi đất năng suất mỗi năm một giảm. Và cây ngô đang là lời giải tốt nhất cho bài toán lúa nương kém hiệu quả ở vùng cao Trạm Tấu.
Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu có diện tích đất tự nhiên trên 74.000 ha, trong đó, chủ yếu là đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp chỉ chiếm 6%. Bên cạnh đó, địa hình phức tạp, ruộng nước, nương rẫy phân bố rải rác, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, biến đổi phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông - lâm nghiệp.
Xuất phát từ điều kiện như vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu đã xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, trong đó tập trung sắp xếp lại đất canh tác, đảm bảo mỗi người dân đều có đất sản xuất. Song song với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, với mục tiêu ổn định lương thực, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Trong các giải pháp đã thực hiện, giải pháp quan trọng được Huyện ủy Trạm Tấu tập trung chỉ đạo là trồng ngô thay thế diện tích lúa nương kém hiệu quả.
Xây dựng mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân là một phương thức hữu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân. Năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện được giao thực hiện 10 mô hình trồng ngô trên đất nương rẫy. Theo đó, người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tổng kết các mô hình cho thấy, 1 ha ngô năng suất bình quân đạt 57 tạ/ ha, bán với giá thị trường hiện nay người dân được thu về 34 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 7,5 triệu vẫn có lãi 26,5 triệu đồng/vụ.
Trong khi đó trồng lúa nương một năm chỉ thu được 8 triệu đồng. Hiệu quả rõ rệt được so sánh bởi chính những người trực tiếp tham gia mô hình đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cả cộng đồng.
Năm 2010, xã Trạm Tấu hoàn thành sắp xếp lại đất sản xuất, trong niềm vui đó người dân còn được hỗ trợ 100% giống cây trồng. Anh Giàng A Lềnh - Trưởng thôn Mo Ngang, xã Trạm Tấu cho biết: "Thôn có 69 hộ, chỉ có 8 ha lúa nước một vụ, còn lại là 10 ha đất nương. Trồng lúa nương hiệu quả thấp nên quá nửa số hộ thường xuyên phải cứu đói. Vụ xuân này người dân bắt đầu chuyển sang trồng ngô nhiều hơn vì trồng ngô lãi gấp nhiều lần trồng lúa nương, đời sống của người dân sẽ khá hơn". Điều đáng ghi nhận ở xã Trạm Tấu là mặc dù không được tham gia mô hình điểm của Trạm Khuyến nông huyện nhưng nhiều người dân vẫn trồng ngô và có sự đầu tư đáng kể.
Chị Thào Thị Dê, thôn Tấu Giữa nhanh tay gom những thân ngô đã lấy bắp cho hay: "Bắp đem bán còn thân ngô mình đem về làm thức ăn cho trâu". Năm 2010 chị Dê cũng được tham gia làm mô hình trồng ngô, năm nay tuy không được tham gia mô hình nữa nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật, lại nhận thức được hiệu quả, nên chị vẫn gieo 10 cân giống và đầu tư 2 triệu đồng phân bón, trừ chi phí vụ xuân này chị lãi 10 triệu đồng. Tuy số người nhận thức được hiệu quả của việc đầu tư phân bón chưa nhiều nhưng lợi nhuận đem lại từ trồng ngô đã tác động mạnh đến người dân. Chính vì thế diện tích ngô xuân của huyện Trạm Tấu đã tăng từ 1.300 ha năm 2010 lên 1.660 ha năm 2011, diện tích lúa nương kém hiệu quả giảm từ 1.200 ha xuống còn 820 ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng cao Trạm Tấu đang có những bước đi đúng hướng. Cây ngô là một trong những loại cây gắn bó từ rất sớm với người dân địa phương nhưng việc phát triển loại cây này lại đang vấp phải nhiều khó khăn từ nhận thức chưa đúng của người dân. Để thay đổi một tập quán canh tác từ bao đời nay của người Mông vùng cao là không dễ, tuy nhiên không phải không làm được.
Bài học rút ra chính là sự quyết tâm, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó còn có cả tình cảm, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ. Những kết quả đã đạt được là cơ sở vững chắc, là động lực để Trạm Tấu tiếp tục thực hiện những cải cách mới, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Sở Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trấn Yên tổ chức đoàn kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài: Sử dụng các biện pháp thâm canh tăng vụ trên đất ruộng kém hiệu quả tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái do Thạc sỹ sinh học Trần Thị Lụa, Nghiên cứu viên Bộ môn Vi sinh vật - Viện thổ nhưỡng nông hóa làm chủ nhiệm.
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2011, hoạt động KHCN tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND,UBND tỉnh, Bộ KHCN, sự giúp đỡ, phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh, sự đoàn kết thống nhất của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở KHCN đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm được giao.
YBĐT - Ngày 25/7/2011, tại KBNN Yên Bái đã long trọng tổ chức lễ nhấn nút khởi động hệ thống TABMIS tại tỉnh Yên Bái, sau đó tiến hành ngay việc nhập dữ liệu tập trung tại KBNN tỉnh và Sở Tài chính. >>>Yên Bái khởi động dự án Tabmis
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã ban hành một số cơ chế, chính sách về thuế nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.