Kinh nghiệm chống hàng giả ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2011 | 3:10:13 PM
YBĐT - Trong những năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng như cấp uỷ, chính quyền địa phương huyện Yên Bình, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 đã xử lý được nhiều vụ mua bán, vận chuyển, nhập khẩu hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá xâm phạm quyền.
Đội Quản lý thị trường số 5 bắt giữ, tiêu hủy bột giặtgiả.
|
Điển hình, ngày 27/3/2010, đội QLTT số 5 phối hợp với Cảnh sát giao thông -Công an huyện Yên Bình kiểm tra xe ô tô BKS 24N- 4663, trên xe vận chuyển 816 hộp dầu nhớt giả mạo nhãn hiệu của các hãng VITTRA, HONDA, YAMAHA, đều là hàng giả nhập từ Trung Quốc vào nội địa. Quá trình đấu tranh xác định chủ hàng là ông Đỗ Tiến Cử, địa chỉ: Đức Giang, Hoài Đức - Hà Nội. Đội đã trình cấp trên xử lý phạt hành chính 79.200.000 đồng, tịch thu toàn bộ số hàng giả mạo trên để tiêu huỷ.
Ngày 13/4/2011, Đội kiểm tra xe ô tô BKS 17L-0715 vận chuyển 74 sản phẩm thiết bị sứ vệ sinh (bồn cầu, lavabo) có dấu hiệu giả mạo của ông Nguyễn Văn Vi trú tại Trấn Yên, Yên Bái vận chuyển từ Thái Bình lên Yên Bái. Để làm rõ hành vi vi phạm, Đội mời đại diện Công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng Viglacera phối hợp kiểm tra, xác nhận tình trạng tang vật, kết luận 74 sản phẩm vận chuyển trên xe ôtô trên đều là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu VIGLACERA.
Đội đã chuyển hồ sơ trình cấp trên xử phạt ông Nguyễn Văn Vi với số tiền 22.500.000 đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hoá giả mạo trên. Ngoài ra, Đội còn xử lý được nhiều vụ buôn bán bột giặt giả nhãn hiệu OMO, mỳ chính giả nhãn hiệu Ajinomoto và nhiều mặt hàng giả là thực phẩm, hàng tiêu dùng khác. Đội được Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại của tỉnh (Ban 127) đánh giá là một trong các đơn vị đi đầu trong công tác chống hàng giả tại địa phương.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh chống hàng giả, Đội QLTT số 5 đã rút ra một số kinh nghiệm trong việc nhân mối thông tin, trinh sát và xử lý vi phạm. Đó là cần phải khoanh vùng xác định nguồn gốc, xuất xứ của phần lớn các loại hàng giả là ở đâu.
Ngoài các loại hàng hoá giả mạo được nhập khẩu từ nước ngoài vào thì phần lớn các loại hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng vi phạm chủ thể quyền đều có xuất xứ chủ yếu ở các địa bàn các tỉnh Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Thái Bình và Bắc Giang, Bắc Ninh. Nơi đây tập trung nhiều làng nghề truyền thống nhưng vì chạy theo lợi nhuận nên một số người đã cố ý vi phạm khi gắn lên sản phẩm của mình các nhãn hiệu giả mạo, hoặc có thể vô ý vì thiếu hiểu biết pháp luật cũng dẫn tới việc vi phạm này.
Khi xác định được các địa bàn thường có các hoạt động sản xuất hàng giả thì cần nhân mối, có nguồn tin từ nhân dân cung cấp, tiến hành chi trả tiền chi phí báo tin để động viên, khích lệ kịp thời những quần chúng đã mạnh dạn báo tin. Sau khi nhận được thông tin, cần phải xử lý thông tin, cử cán bộ trong đơn vị đi theo dõi thị sát thực tế, xác định lịch trình, tuyến đường vận chuyển của đối tượng để tổ chức bắt giữ.
Việc bắt giữ phải có sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông để dừng phương tiện theo quy định. Các loại hàng hoá giả mạo nhãn hiệu xuất hiện trên thị trường hiện nay đều vô cùng tinh xảo rất khó phân biệt, do vậy, khi kiểm tra phải xem xét thật kĩ, không được bỏ sót thông tin nào dù là nhỏ nhất, nếu bỏ sót những thông tin nhỏ thì rất có thể sẽ bỏ lọt đối tượng. Nếu phát hiện những dấu hiệu khả nghi, thì cần liên hệ với hãng có sản phẩm chính hiệu để được giúp đỡ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn để làm rõ hành vi, tang vật vi phạm.
Tuy nhiên, sự phối hợp của các doanh nghiệp chính hãng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp ngại hợp tác trong đấu tranh, ngại cung cấp các thông tin phân biệt hàng thật - hàng giả, vì tâm lý lo sợ người tiêu dùng biết có hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ chuyển sang mua sản phẩm của hãng khác. Do vậy, để có sự hợp tác trong công tác chống hàng giả, lực lượng chức năng cần có sự tuyên truyền, giải thích và vận động để doanh nghiệp thấy hết trách nhiệm của mình đối với cộng đồng xã hội, đối với người tiêu dùng.
Đội QLTT số 5 tuy đã đạt được một số thành tích nhất định song vẫn còn nhiều tồn tại như: chuyên môn nghiệp vụ trong việc phân biệt hàng giả còn hạn chế, việc nắm bắt địa bàn được phân công của một số cán bộ chưa sát thực, chưa khai thác được triệt để các nguồn tin từ cơ sở cũng như nhân dân cung cấp.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các loại hàng hoá giả mạo vô cùng tinh xảo trên thị trường đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thị trường hàng hoá, gây bất ổn cho tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất kinh doanh chân chính và được coi là một vấn nạn cho toàn xã hội.
Do đó, Đội QLTT số 5 cũng như các lực lượng chống hàng giả nói chung cần quan tâm hơn nữa tới công tác liên hệ với các hãng, các doanh nghiệp có sản phẩm chính hiệu để có các thông tin phân biệt hàng thật - hàng giả, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ nhận biết hàng giả, đồng thời thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị để công tác đấu tranh chống hàng giả ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Phương Uyên
Các tin khác
Trưa nay, giá vàng trong nước lại tiếp tục vượt qua mốc 4 triệu đồng/chỉ mặc dù đêm qua giá vàng thế giới tiếp tụt sụt giảm phiên thứ 2 liên tiếp khi lực bán chốt lời gia tăng.
YBĐT - 6 tháng đầu năm nay ngành thú y và người chăn nuôi Yên Bái luôn phải gồng mình đối phó dịch bệnh triền miên, kéo dài. Với môi trường chăn nuôi thì dễ hiểu vì sao hết 6 tháng đầu năm sự tăng trưởng đạt thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó đàn bò giảm tới 20,99%.
YBĐT - Ngày 28/7, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đã có Công điện số 02/CĐ-PCLB, yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp đối phó với bão và hoàn lưu sau bão số 3 (bão Nock-ten).
Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức ngày Hợp tác xã Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức...