Yên Bái: Ngành chăn nuôi đối diện khó khăn
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/8/2011 | 2:49:20 PM
YBĐT - Sau một thời gian triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII vào cuộc sống, bên cạnh hiệu quả bước đầu, ngành chăn nuôi hiện đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao.
|
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu phát triển mạnh chăn nuôi, đầu tư xây dựng một số mô hình chăn nuôi quy mô lớn tập trung, phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp. Sau một thời gian triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống, bên cạnh hiệu quả bước đầu, ngành chăn nuôi hiện đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, người chăn nuôi đã có điều kiện phát triển sản xuất từ những giải pháp tích cực như: chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa, hỗ trợ trâu, bò đực giống, trâu bò cái sinh sản cho các hộ nghèo… Đặc biệt, thời gian qua, giá các sản phẩm thịt khá cao đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả bước đầu, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai, và dịch bệnh. Đầu tiên phải kể đến thiệt hại trong dịp rét đậm, rét hại đầu năm đã làm chết trên 7 nghìn con gia súc, chiếm trên 1% tổng đàn, trong đó: trâu 5.730 con (chiếm 4,3% tổng đàn), bò 1.111 con, ngựa 68 con và dê 125 con.
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là một số dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng (LMLM), dịch tai xanh… Dịch LMLM xảy ra ở 1.018 hộ, tại 176 thôn, bản của 67 xã, thuộc 9 huyện, thị, thành phố đã khiến 3.365 con gia súc mắc bệnh, trong đó trâu, bò 1.882 con, lợn 1.483 con (đã tiêu hủy 490 con). Ngoài ra, tại một số địa phương còn xảy ra một số bệnh như: tụ huyết trùng lợn, bệnh viêm màng ruột lợn, bệnh viêm ruột…
Kết quả sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm: tổng đàn trâu đạt 107.488 con, bằng 90,55% kế hoạch; đàn bò đạt 25.904 con, bằng 83,56% kế hoạch; đàn lợn đạt 440.693 con, bằng 92,62% kế hoạch; đàn gia cầm đạt trên 3 triệu con; sản lượng thịt xuất chuồng các loại ước đạt 14.500 tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 24 triệu quả. |
Dịch bệnh đã khiến nhiều hộ gia đình e dè trong việc tái sản xuất.
Ngoài tác động của thiên tai, dịch bệnh thì một trong những nguyên nhân khiến việc tăng đàn, tái đàn hiện nay của nông dân đang gặp khó khăn là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Theo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 12-15% và tăng 35,5% so với năm 2010. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho gà thịt tăng 24,6%, thức ăn cho lợn thịt tăng 28,7% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chịu hậu quả nặng nhất là đàn lợn. Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn tăng gần 100% chính là hệ lụy của việc hàng loạt người dân bỏ trống chuồng, gây thiếu nguồn cung cục bộ, đẩy giá thịt lợn lên cao.
Bên cạnh đó, hiện nay giá các loại con giống vừa thiếu, lại vừa đắt, đặc biệt là lợn giống. Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi (Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các cơ sở sản xuất lợn giống mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập từ địa phương khác.
Theo ông Đàm Duy Đức - Trưởng phòng Chăn nuôi, nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là làm sao để người dân có thể tái đàn, khôi phục sản xuất. Muốn vậy, trước mắt cần nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh, có chính sách để các trang trại, hộ gia đình được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để họ có vốn tái sản xuất. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã đánh mạnh vào tâm lý người chăn nuôi nên đặc biệt phải tập trung mọi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để người dân yên tâm sản xuất.
Nhận định về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, ông Đức cho biết: “Việc nuôi lợn ở Việt Nam hiện nay đã tiêu thụ đến 70% thức ăn ngoại nhập và Yên Bái cũng không ngoại lệ, do đó chi phí chăn nuôi chịu ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi thế giới. Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ dân đã biết tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với thức ăn công nghiệp ”. Song, vấn đề đặt ra là để chăn nuôi phát triển thực sự bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chúng ta cũng cần tập trung phát triển các con vật nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật thường xuyên, nhiều hội viên nông dân Vĩnh Kiên đã phát triển mô hình VACR kết hợp, thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam có tổng số vàng là 81,4 tấn, tăng trưởng 11% trong năm 2010.
YBĐT - Vụ mùa năm nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phấn đấu gieo cấy 4.100 ha lúa và gần 3.000 ha cây trồng cạn là ngô, đậu tương, lúa nương.
YBĐT - Hiện nay, toàn tỉnh có 10.226 tổ chức, cá nhân kinh doanh (KD) (gồm 1232 tổ chức và 8.984 hộ, cá nhân). Năm 2011, có 1.122 tổ chức và 335 hộ KD đang sử dụng hoá đơn, trong đó có 166 DN đã tự in và đặt in hoá đơn, 1.291 DN mua hoá đơn tại cơ quan thuế.