Yên Bái: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông
- Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2011 | 9:50:16 AM
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 180/180 xã, phường có đường ô tô đến trung tâm xã hoặc trung tâm cụm xã.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Quản lý và xây dựng đường bộ II bảo dưỡng mặt đường.
|
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, cùng sự nỗ lực của địa phương Yên Bái đã thu hút, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và hiệu quả hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong 5 năm (từ năm 2006 - 2010), tổng giá trị các nguồn lực đầu tư cho xây dựng giao thông đạt 2.820 tỷ đồng, bình quân 564 tỷ đồng/năm. Trong đó: đầu tư cho đường Quốc lộ là 470 tỷ đồng, đường tỉnh 1.762 tỷ đồng, đường giao thông nông thôn (GTNT) 590 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 90 tỷ đồng).
Với các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn, tỉnh đã tập trung nâng cấp, cải tạo 143 km đường quốc lộ (QL) (QL 70, QL 32, Ql 32C), mở mới, nâng cấp, cải tạo 148 km đường tỉnh lộ (trong đó có nhiều công trình đọng điểm có qui mô lớn như cầu Trái Hút vượt sông Hồng, đường Nguyễn Tất Thành, đường Đại Lịch - Minh An...), mở mới, nâng cấp, cải tạo trên 1.500 km đường tới các xã, thôn, bản, gần 100 cầu cống, ngầm tràn vượt suối, đưa tổng chiều dài giao thông đường bộ của tỉnh hiện nay lên 6.602 km với 4 tuyến quốc lộ QL70, QL32, QL 32C và QL 37 có tổng chiều dài 377km; 15 tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài 471 km, 160 km đường đô thị, tổng số đường GTNT 5.694 km (đường huyện, xã 3.410 km, đường thôn bản 2.293 km, đường được vào cấp A, B trở lên 1.937 km, đường đã được kiên cố hoá 741/1937 km đạt 40%).
Các công trình được đầu tư đã bám sát vào quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt, các tuyến đường bộ từng bước được cải tạo, nâng cấp cùng với vận tải đường sắt, đường thủy bước đầu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ.
Đặc biệt, các hệ thống công trình vượt sông, suối trên các tuyến QL, tỉnh lộ đã cơ bản được đầu tư xây dựng, mạng lưới giao thông đô thị từng bước được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị theo hướng hiện đại, góp phần hình thành các đô thị xanh- sạch- đẹp.
Hệ thống đường GTNT có bước phát triển mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 180/180 xã, phường có đường ô tô đến trung tâm xã hoặc trung tâm cụm xã.
Tuy nhiên, hệ thống đường GTNT còn chiếm tỷ lệ rất lớn trong mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh, nhưng hiệu quả khai thác còn rất thấp, do năng lực vận tải trong GTNT hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là nhu cầu của các khu công nghiệp.
Hiện nay, đường đến trung tâm các xã đã khai thông được nền đường nhưng tỷ lệ mặt đường được kiên cố hoá đạt thấp, chủ yếu là đường đất, vì vậy chỉ đi lại được mùa khô và thường ắch tắc giao thông trong mùa mưa lũ.
Ngoài ra, do nguồn vốn quản lý, bảo trì còn khó khăn nên nhiều tuyến đường, công trình cầu, cống đưa vào khai thác đã lâu không được sửa chữa kịp thời bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều tuyến đường vừa được đầu tư đã hư hỏng nặng do lưu lượng xe tải trọng lớn trên tuyến tăng cao. Hiện vốn cho bảo trì chỉ đáp ứng được chưa tới 50% nhu cầu bảo trì quốc lộ, trong khi vốn cho bảo trì tỉnh lộ còn thấp hơn rất nhiều và vốn cho bảo trì đường huyện, xã gần như hoàn toàn bỏ trống...
Ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cho biết: “Để việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có hiệu quả, trước hết các địa phương phải đầu tư lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, hàng năm các địa phương căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt và lồng ghép tốt các nguồn vốn để xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới GTNT.
Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng hạ tầng giao thông và tự nguyện tham gia đóng góp; tăng cường phân cấp quản lý các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho chính quyền cơ sở, coi trọng công tác quản lý bảo trì và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng GTNT hiện có.
Đồng thời tiếp tục đầu tư các tuyến đường GTNT quan trọng, tập trung đầu tư công trình thoát nước, kiên cố hoá mặt đường đến trung tâm xã, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTNT đến cơ sở khai thác tối đa điều kiện tự nhiên và lợi thế về địa lý của địa phương, kết hợp giao thông đường bộ và giao thông khác, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợph để huy động các nguồn lực xã hội cùng với phát huy nội lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vật liệu mới, công nghệ tiên tiến với sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm giảm giá thành xây dựng các công trình GTNT”.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Trong khó khăn chung, đối với Yên Bái, ngành chế biến gỗ đang có dấu hiệu phát triển chậm, ngành chè đang vật lộn với nạn chè "bẩn"... thì tỉnh cần có những giải pháp cụ thể về tín dụng, thuế... để giúp đỡ doanh nghiệp, qua đó giúp đỡ hàng vạn nông hộ có việc làm, thu nhập.
YBĐT - Vụ đông xuân 2011, Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái đưa vào trồng thử nhiệm giống ngô LVN 37, với diện tích 1 ha ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc.
YBĐT - Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, Hạt Kiểm lâm Lục Yên (Yên Bái) đã tăng cường lực lượng tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc khai thác gỗ rừng trồng, vận chuyển và tiêu thụ lâm sản, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng giáp ranh, tuyến quốc lộ 70, tuyến đường từ thị trấn Yên Thế đi Xuân Long (Yên Bình)...
NHNN vừa có ý kiến về sự biến động của giá vàng, theo đó NHNN sẽ theo dõi sát tình hình và sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường, chống đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân.