Hậu quả từ trốn và nợ đọng BHXH

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/8/2011 | 3:15:15 PM

YBĐT - Việc nợ đọng bảo hiểm hay trốn bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng khả năng chi trả của ngành bảo hiểm mà hậu quả rõ nhất là người lao động phải gánh chịu. Khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào...

Công nhân lao động nặng nhọc sẽ rất thiệt thòi nếu không được hưởng các quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. (ảnh minh họa)
(Ảnh: Quang Thiều)
Công nhân lao động nặng nhọc sẽ rất thiệt thòi nếu không được hưởng các quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. (ảnh minh họa) (Ảnh: Quang Thiều)

Trốn và nợ đọng bảo hiểm ngày càng tăng

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 2.000 đầu mối với trên 552.047 người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc và tự nguyện, trong đó có 45.542 đối tượng tham gia ba loại hình bảo hiểm; 506.854 đối tượng tham gia BHYT; 769 đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện;15.713 đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Cùng với số người tham gia tăng lên hàng năm, số thu BHXH tăng lên cùng với điều chỉnh tăng của tiền lương, tương ứng với các loại hình bảo hiểm trên đã thu về mỗi năm vài trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên thực tế cho thấy số nợ, số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH hàng năm ngày càng tăng lên, tập trung ở khối doanh nghiệp.

Theo báo cáo, đến hết 6 tháng năm 2011, số nợ BHXH bắt buộc với tổng số tiền nợ là trên 23 tỷ đồng, trong đó khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên 10 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh  6,8 tỷ đồng. Có 17 đơn vị nợ bảo hiểm bắt buộc từ 3 tháng trở lên là: Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin  nợ 51 tháng với số tiền trên 4,4 tỷ đồng;, Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp nợ 27 tháng với số tiền trên 490 triệu đồng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Yên Bái 24 tháng và Lâm trường Lục Yên 37 tháng; Công ty cổ phần xi măng và Khoáng sản Yên Bái trên 3 tháng, Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh nợ  gần 4 tháng số tiền là 140 triệu đồng... Việc nợ đọng các loại bảo hiểm đã ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của   trên 14 ngàn lao động .

Cùng với những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm, số lao động trốn đóng bảo hiểm cho người lao động cũng ngày càng tăng. Theo điều tra, khảo sát, thống kê của ngành BHXH đối với 1.077 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, thì có 400 doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng trên 3643 lao động, trong đó có 1275 lao động trong diện được tham gia BHXH bắt buộc song không được doanh nghiệp đóng bảo hiểm… Còn hàng ngàn lao động khác doanh nghiệp thực hiện các hình thức để "lách” luật  không tham gia bảo hiểm cho người lao động.

Người lao động thiệt thòi

Ông Nguyễn Xuân Nghi - Công ty Cửu long Vinashin  bức xúc: "Tôi đã trên 65 tuổi vẫn chưa được nghỉ hưu vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm, vì vậy những chế độ của tôi sau bao nhiêu năm  tham gia đóng bảo hiểm đều bị gác lại không được giải quyết". Còn chị Vũ Thị Tuyết, công nhân Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh, dù đã bỏ Công ty nhưng do doanh nghiệp nợ  bảo hiểm mà quyền lợi của chị sau trên 10 năm đóng bảo hiểm vẫn không được thực hiện. Chị tâm sự: "Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên Công ty nhưng vẫn không được giải quyết, không biết bao giờ quyền lợi của chúng tôi mới được thực hiện".

Có thể thấy, việc nợ đọng bảo hiểm hay trốn bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng khả năng chi trả của ngành bảo hiểm mà hậu quả rõ nhất là người lao động phải gánh chịu. Khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào như: BHYT, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như luật quy định. Khi ốm đau, tai nạn lao động họ không được trợ cấp từ BHXH nên phải đối diện với nguy cơ đói nghèo, trở thành gánh nặng cho xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nói chung. Thậm chí có nhiều trường hợp người lao động chuyển công tác đã vài năm vẫn không chuyển được BHXH vì doanh nghiệp nợ BHXH tới cả vài tỷ đồng; thậm chí có người khi mất cũng không được hưởng chế độ vì doanh nghiệp chưa đóng BHXH. 

Nguyên nhân và giải pháp

Bên cạnh  nguyên nhân  khách quan do doanh nghiệp không theo kịp sự vận hành của cơ chế thị trường, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả lại bị ảnh hưởng suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao trong thời gian gần đây, thì theo các cơ quan chức năng, mức xử phạt tối đa không quá 20 triệu đồng đối với hành vi chậm hoặc không đóng BHXH không đủ sức răn đe, khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng, trốn đóng hàng tỷ đồng tiền BHXH. Trong khi đó, cái khó của cơ quan BHXH là chỉ có chức năng thực hiện, còn việc kiểm tra xem doanh nghiệp đã thực hiện hết các chế độ cho người lao động hay chưa lại rất khó.

Thứ hai là các chế tài xử lý không đồng bộ, khó thực hiện. Các chế tài mới chỉ đề cập đến lý do chậm nộp và không đóng BHXH, còn việc doanh nghiệp cố tình chiếm dụng số tiền đã thu của người lao động để sử dụng vào mục đích khác thì lại chưa có chế tài xử phạt. Khi doanh nghiệp không nộp BHXH, người lao động cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào như bảo hiểm y tế, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như luật quy định.

Bên cạnh đó, việc nhiều người lao động thờ ơ với quyền lợi của mình, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà thỏa thuận trái luật với người sử dụng lao động để không tham gia BHXH hoặc tranh thủ “ăn” ngay chế độ khi có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. 

Thực tế, phần đông người lao động ở các khu vực kinh tế từ Nhà nước đến tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm đến thu nhập thực tế (tiền lương cộng với các khoản tiền phụ cấp, làm thêm giờ...) có đủ sống hay không mà ít quan tâm đến mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng lao động làm cơ sở đóng BHXH và ảnh hưởng của việc đóng thấp thì hưởng thấp khi về già hay khi ốm đau, tai nạn...

Tình trạng trên là do công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, chế độ BHXH chưa cụ thể, chưa tạo được sự thông suốt cho người sử dụng lao động và người lao động hiểu để tích cực tham gia BHXH. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, sự phối kết hợp trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về xử lý vi phạm BHXH thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Mặt khác, các tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động như: công đoàn, thanh niên, phụ nữ ở nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh, đơn vị ngoài công lập chưa mạnh dạn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Để nâng cao ý thức quyền và nghĩa vụ cho người sử dụng lao động và người lao động chấp hành tốt Luật BHXH, thời gian tới, các ngành chức năng cũng phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chính sách, chế độ về BHXH đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội và các ngành sự nghiệp; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm, dứt điểm những sai phạm... Có như vậy, quyền lợi người lao động mới được đảm bảo.

Đình Tứ

Các tin khác
Ông Ngyễn Xuân Hiên - Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

YBĐT - Đó là mục tiêu được đưa ra tại buổi toạ đàm quy hoạch phát triển Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 được tổ chức ngày 24/8/2011 tại Liên minh HTX tỉnh Yên Bái. Tham dự buổi toạ đàm có ông Nguyễn Xuân Hiên-Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lúc 3 giờ 30 ngày 23-8, Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức hòa thành công tổ máy số 3 với công suất 400MW vào hệ thống điện quốc gia.

Theo Nghị định mới, Ngân hàng nhà nước sẽ tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Các hộ nghèo, cận nghèo nằm trong phạm vi áp dụng của dự án được hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng/hộ khi chăn nuôi lợn thịt thả chuồng với quy mô 5 con trở lên.

YBĐT - Ngoài hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải nằm trong diện 62 huyện nghèo được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉnh Yên Bái còn 39 xã, 157 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II trên địa bàn huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục