Việt Nam kiện Mỹ lên WTO
- Cập nhật: Thứ ba, 13/9/2011 | 2:17:36 PM
Lần đầu tiên Chính phủ và doanh nghiệp (DN) tôm Việt Nam khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đòi lại quyền lợi cho mình sau 7 năm bị áp thuế chống bán phá giá.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm khiếu nại lên WTO để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình.
|
7 năm cho một quyết định
Tính đến tháng 2.1010 - thời điểm Việt Nam đệ đơn khiếu nại Mỹ lên WTO liên quan đến vụ kiện tôm, DN tôm Việt Nam đã trải qua 7 năm liền bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá. Việc bị DOC áp mức thuế cao đã gây thiệt hại cho DN tôm Việt Nam. Lý do phải đến 7 năm sau, Việt Nam mới quyết định khởi kiện Mỹ bởi xung quanh việc này có khá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Phần lớn DN đều ủng hộ việc khiếu nại để đòi những quyền lợi chính đáng cho mình nhưng một số ý kiến lại cho rằng Việt Nam sẽ khó giành thắng lợi trước Mỹ. Chưa kể khiếu nại sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ giao thương giữa 2 nước. Thậm chí có ý kiến nên hy sinh “lợi ích con tôm” để đi đến một lợi ích lớn hơn.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã triệu tập cuộc họp sau này được ví như “Hội nghị Diên Hồng” nhằm kêu gọi sự đồng lòng của DN. Hội nghị đã chỉ ra những lợi ích nếu Việt Nam khiếu nại Mỹ lên WTO. Đặc biệt nêu rõ, nếu Việt Nam không sớm khiếu nại sẽ có nguy cơ nhường lại thị trường Mỹ cho những nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan - vốn đã khiếu nại Mỹ lên WTO và giành được thắng lợi.
Quyết định khởi kiện Mỹ đã được tiến hành vào ngày 1.2.2010. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, Việt Nam khiếu nại lên WTO ba điểm trong đó “đánh mạnh” vào phương pháp zeroing - một thông lệ được DOC sử dụng trong nhiều vụ kiện chống phá giá. Theo đó, DOC chỉ tính các biên độ có giá trị dương, còn các giá trị âm sẽ tự động chuyển về 0. Trước đó, nhiều nước đã khiếu nại lên WTO về việc DOC đã sử dụng bất hợp pháp phương pháp tính zeroing và cho rằng, phương pháp này thổi phồng một cách giả tạo biên độ phá giá. Phần lớn các nước khiếu nại đều giành được thắng lợi. Đó chính là cơ sở để tin tưởng khả năng thắng lợi trong việc khiếu nại của Việt Nam .
''Qua vụ này, chí ít Việt Nam hiểu phần nào đó luật lệ WTO. Phán quyết như vừa qua của WTO sẽ khích lệ cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi vụ việc'' - GS-TS Nguyễn Vân Nam |
Thắng lợi bước đầu
Theo phán quyết cuối cùng của Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO, Mỹ đã thực hiện trái với quy định của WTO trong việc áp dụng phương pháp zeroing khi tính biên độ phá giá trong các đợt rà soát lần 2 và 3. Tuy nhiên, DSB lại cho rằng việc Mỹ tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện (ám chỉ các đợt rà soát lần 4, 5 và rà soát cuối kỳ) không nằm trong phạm vi thảo luận của ban hội thẩm. Ông Trương Đình Hòe cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi như vậy phán quyết sẽ không thay đổi được kết quả rà soát lần 4 trở về sau đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam . Bởi theo quy định của Mỹ, DN có thể thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện chống bán phá giá nếu ba lần rà soát liên tục có kết quả 0%. Trong hai đợt xem xét trước, các bị đơn bắt buộc của Việt Nam đã có mức thuế chống bán phá giá là 0% nhưng trong lần xem xét thứ 4 (giai đoạn 2008-2009), các bị đơn bắt buộc chịu mức thuế suất trên 2% nên Việt Nam chưa thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá.
Một điểm bất lợi nữa của ngành tôm Việt Nam là mới đây, Mỹ đã đưa ra dự thảo luật trong đó quy định ngay cả đối với công ty có ba lần liên tiếp chịu mức thuế chống bán phá giá là 0% thì không thể rút ra khỏi vụ kiện. Nếu dự luật này được thông qua thì Việt Nam không còn cách nào thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá.
“Việt Nam chỉ còn một cơ hội cuối cùng là tiếp tục kiện bổ sung Mỹ ra WTO về sử dụng phương pháp zeroing tại lần rà soát thứ 4. Nếu chúng ta thắng kiện trước khi dự luật trên có hiệu lực mới thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện chống bán phá giá”, ông Trương Đình Hòe khẳng định.
GS-TS Nguyễn Vân Nam cho hay Mỹ là một trong những nước chủ chốt soạn thảo ra luật WTO và đã biết cách vận dụng luật lệ của tổ chức này rất tài tình. Tuy nhiên, qua vụ khiếu nại này, chí ít Việt Nam hiểu phần nào luật lệ WTO. Phán quyết như vừa qua của WTO sẽ khích lệ cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi vụ việc. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam dám sử dụng quyền của mình khiếu nại lên WTO.
Đứng trên góc độ DN, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho rằng việc khiếu kiện Mỹ là chuyện bình thường và không thể né tránh được. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng con tôm, con cá mà là khởi đầu cho nhiều vấn đề khác, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập vào WTO.
Phương pháp zeroing Zeroing là một phương pháp tính toán trong quá trình tính biên độ phá giá trong đó cho phép quy về 0 tất cả các giao dịch có biên độ phá giá âm. Ví dụ, nếu một DN bị điều tra thực hiện năm giao dịch xuất khẩu, trong đó có hai giao dịch có biên độ phá giá là 20%, một giao dịch có biên độ phá giá bằng 0 và hai giao dịch có biên độ phá giá -25%, nếu không sử dụng phương pháp zeroing, bình quân biên độ phá giá của nhà xuất khẩu này là: (20% + 20% + 0% - 25% - 25%): 5 = -2% (với biên độ phá giá âm, tức là không phá giá, nhà xuất khẩu này sẽ không bị áp thuế). Tuy nhiên, nếu sử dụng zeroing, biên độ phá giá trung bình là: (20% + 20% + 0% + 0% + 0%): 5 = 8% (và kết quả là nhà xuất khẩu sẽ bị áp thuế 8%). Mỹ là nước sử dụng phương pháp này và gây ra làn sóng phản đối từ nhiều nước có hàng hóa bị kiện tại Mỹ. Nhiều nước cho rằng phương pháp zeroing là công cụ bảo hộ sản xuất trong nước trái quy định WTO. |
Diễn biến vụ việc Ngày 20.1.2004, Mỹ bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh Việt Nam. Cuối năm 2004, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cho rằng VN bán phá giá tôm đông lạnh, áp thuế 4,13-25,76%. Năm 2009, VASEP có đơn đề nghị khiếu nại ra WTO để giải quyết tranh chấp với phía Mỹ và được Chính phủ đồng ý. Ngày 1.2.2010, Việt Nam có đơn gửi WTO yêu cầu tham vấn với Mỹ về cách tính biên độ phá giá theo phương pháp zeroing trong vụ việc chống bán phá giá tôm. Hai bên tiến hành tham vấn nhưng không đạt được giải pháp chung. Ngày 7.4.2010, Việt Nam đề nghị WTO thành lập ban hội thẩm để xem xét. Sau đó, WTO chỉ định thành viên ban hội thẩm. Trải qua nhiều phiên điều trần, làm việc căng thẳng, đến ngày 11.7.2011, WTO ra phán quyết theo hướng có lợi cho tôm Việt Nam. Ngày 2.9.2011, WTO có phán quyết cuối cùng, trong đó nhấn mạnh phương pháp tính zeroing mà Mỹ đưa ra trái với quy định WTO. |
(Theo TNO)
Các tin khác
Mới đây, một công ty luật quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam đã phát hiện ra một doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký sử dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc.
YBĐT - Năm 2011, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã trồng 950 ha ngô, trong đó: 645 ha ngô thu đông, 305 ha ngô vụ mùa.
YBĐT - Điệp khúc “tăng giá” hay lời phàn nàn của những bà nội trợ đã ngớt dần khi rất nhiều mặt hàng đã và đang giảm giá. Đi tiên phong chính là các mặt hàng lương thực, thực phẩm- những mặt hàng có chỉ số tăng giá mạnh nhất từ mấy tháng trước.
Giá vàng trong phiên Thứ hai đã giảm mạnh 2,5% do lo ngại gia tăng về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thúc đẩy các nhà đầu tư bán vàng để bù lỗ trên thị trường chứng khoán. Đầu phiên châu Á sáng nay (13/9) giá vàng giao dịch ở mức thấp 1.817 USD/ounce.