Yên Bái: Giá lương thực, thực phẩm giảm nhưng vẫn ở mức cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/9/2011 | 9:01:31 AM

YBĐT - Điệp khúc “tăng giá” hay lời phàn nàn của những bà nội trợ đã ngớt dần khi rất nhiều mặt hàng đã và đang giảm giá. Đi tiên phong chính là các mặt hàng lương thực, thực phẩm- những mặt hàng có chỉ số tăng giá mạnh nhất từ mấy tháng trước.

Đặc biệt đây là thời điểm giao mùa nên có đủ các loại rau như muống, ngót, mồng tơi, dền, dậu đều có giá cao nên người tiêu dùng khó mặc cả.
Đặc biệt đây là thời điểm giao mùa nên có đủ các loại rau như muống, ngót, mồng tơi, dền, dậu đều có giá cao nên người tiêu dùng khó mặc cả.

Sau một thời gian tăng giá với tốc độ phi mã, đẩy lạm phát lên gần 20% (thời điểm tháng 5/2011), nhờ sự nỗ lực điều hành của Chính phủ, nhất là các giải pháp ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11, giá cả các mặt hàng nói chung, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm đã bắt đầu giảm. Tuy mức giảm chưa nhiều nhưng đã phần nào trấn an người tiêu dùng và giảm bới khó khăn trong cuộc sống của người lao động.

Điệp khúc “tăng giá” hay lời phàn nàn của những bà nội trợ đã ngớt dần khi rất nhiều mặt hàng đã và đang giảm giá. Đi tiên phong chính là các mặt hàng lương thực, thực phẩm - những mặt hàng có chỉ số tăng giá mạnh nhất từ mấy tháng trước.

Tại chợ Hồng Hà (phường Hồng Hà, TP Yên Bái), thịt lợn mông sấn 130 nghìn đồng/kg, thịt vai 120 nghìn, ba chỉ 110 nghìn đồng; mức giá này tương đồng với các chợ Yên Ninh, Yên Thịnh và Nguyễn Phúc, riêng chợ Bách Lẫm (chợ Bến đò) thì rẻ hơn từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg tùy loại, chợ Đồng Tâm hay những chợ cóc và thịt lợn của những người bán dạo thì đắt hơn từ 5 đến 10 nghìn đồng.

Tại các chợ nội thành thành phố , mặt hàng cá tươi có giá: cá khúc loại ngon giá 120 nghìn đồng/kg, cá trắm, chép cả con, nặng từ 2 kg trở lên 70 đến 80 nghìn đồng, các loại trôi, mè loại dưới 1 kg/con  giá dao động từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg. Như vậy sau một thời gian dài tăng giá mạnh, đưa mức giá một số mặt hàng như thịt lợn, gà mổ sẵn lên gấp đôi, đến nay đã chững lại và đang có dấu hiệu giảm.

Mặt hàng lương thực, cụ thể là gạo, có nhiều mức giá cho người tiêu dùng lựa chọn. Cô Hòa bán gạo ở phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) cho biết: “Các loại gạo đều giảm giá. Đây là điều khá lạ trên thị trường lương thực bởi mọi năm sau mùa gặt giá  thường thấp, tháng ba ngày tám giá sẽ tăng nhưng năm nay thì ngược lại, tháng 6, tháng 7 mùa gặt giá gạo tăng vù vù, cuối tháng 8 đầu tháng 9 (thời điểm đói giáp hạt) giá  lại giảm”.

Cô Hòa cũng cho biết , hiện các mặt hàng gạo cao cấp bán rất chậm do phần lớn người có thu nhập khá đã chuyển sang ăn loại gạo chất lượng cao nhưng phù hợp túi tiền như Chiêm hương, tám thơm… những người có thu nhập trung bình thì ăn các loại gạo thường, giá phổ biến từ 11 đến 13 nghìn đồng/kg. Các loại gạo cao cấp nhập khẩu hay gạo đặc sản, có thương hiệu sản xuất trong nước giá từ 18 đến 19 nghìn đồng/kg hiện bán rất chậm, có lẽ do tâm lý “Gạo thì ăn hết bao nhiêu, cứ mua loại ngon về mà ăn” một thời thịnh hành bây giờ đã hết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,76% đây là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong đó dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 3,16%, nhóm hàng lương thực giảm 1,39%; các nhóm hàng dịch vụ khác giá không tăng hoặc tăng dưới 1% so với tháng 7.

Trong số các mặt hàng giảm giá, đáng mừng nhất là mặt hàng rau xanh. Theo giải thích của người bán rau thì trời đã mát mẻ, mưa nắng đã thuận hòa, cây rau cắm xuống là phát triển tốt; đặc biệt đây là thời điểm giao mùa nên có đủ các loại rau như muống, ngót, mồng tơi, dền, đậu đỗ các loại và các loại rau mùa lạnh như cải bẹ, cải ngọt… Nguồn cung dồi dào đã kéo giá rau từ 5 đến 6 nghìn đồng/mớ xuống 3 đến 4 nghìn, thậm chí 1- 2 nghìn nếu mua trực tiếp từ người sản xuất.

Chị Huệ ở phường Hồng Hà cho biết: “Rau rẻ rồi, mua nhiều về ăn cho bõ lúc đắt. Mấy tháng trước  6 nghìn đồng một mớ rau tý tẹo, nấu bát canh toàn phải tăng thêm… nước cho bố con nó chan. “Bí quyết” ấy kéo dài được mươi ngày thì cả bố  con đều kêu “Bữa nào cũng ít rau nên xót ruột”. Rõ khổ!”

Giá cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày như lương thực, thực phẩn tăng mạnh do khủng hoảng kinh tế và do nguồn cung thu hẹp đã và đang được khắc phục nhờ sự điều hành của Chính phủ, nhờ Nghị quyết 11 đã và đang được triển khai; đặc biệt là nhờ sự nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc đầu tư tăng đàn, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng cấy đã nhanh chóng tạo ra được nguồn thực phẩm dồi dào, trong đó đáng kể nhất là thịt lợn, cá tươi và rau xanh các loại.

Thông thường, khi giá cả sinh hoạt đi xuống thì đời sống người dân được nâng lên, đó là về mặt lý thuyết, thực tế là giá  có hạ nhưng mức hạ không nhiều, giá các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm vẫn ở mức cao thì chưa có hy vọng gì trong việc nâng cao chất lượng mâm cơm trong mỗi gia đình người lao động.

Nói như chị Hương ở phường Minh Tân (TP Yên Bái)  thì: “Giá cũng hạ được phần nào rồi đấy nhưng đi chợ vẫn cứ như bị kẻ cắp móc ví, nhanh lắm”. Cũng dễ hiểu, mức lương hai vợ chồng chị chưa đầy 5 triệu đồng, lo ăn cho 4 miệng ăn, mỗi hôm đi chợ mèng nhất cũng trăm bạc, chưa kể cả trăm loại chi tiêu khác, riêng tháng 9 này phải đóng các khoản thu đầu năm cho 2 đứa con nên bí tiền, thiếu thốn là phải. Lý do đóng học đầu năm nên khách giảm sức mua, hàng ế ẩm phải bán tháo giá cũng là nỗi than phiền của nhiều tiểu thương ngồi chợ.

Thị trường vốn rất nhạy cảm, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Khi đài, báo đồng loạt đưa tin lũ lụt ở chỗ này, chỗ kia hay dịch bệnh trên đàn gia súc ở nơi này, nơi khác là mấy bữa sau giá đã nhỉnh hơn chút ít, dù số thiệt hại có khi chẳng đáng kể. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã hạ và vẫn còn tiếp tục, người dân đã rất phấn khởi nhưng tiếng thở dài của cô vợ vốn hay phàn nàn chuyện cơm áo, gạo tiền kèm lời than: “Lại sắp tăng lương rồi, không biết tăng được bao nhiêu? Không khéo tăng lương không bù nổi tăng giá thì khổ” cũng là tâm lý chung của cán bộ công chức mỗi lần rục rịch tăng lương.

Lê Phiên

Các tin khác

Giá vàng trong phiên Thứ hai đã giảm mạnh 2,5% do lo ngại gia tăng về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thúc đẩy các nhà đầu tư bán vàng để bù lỗ trên thị trường chứng khoán. Đầu phiên châu Á sáng nay (13/9) giá vàng giao dịch ở mức thấp 1.817 USD/ounce.

Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái luôn đảm bảo chất lượng và tiến độ các công trình giao thông.

YBĐT - Do ảnh hưởng của lạm phát tăng cao, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chính sách tiền tệ... khi mà rất nhiều công ty phá sản vì thua lỗ thì Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái vẫn đứng vững trên thương trường và không ngừng phát triển.

Người dân thôn Trực Thach, xã Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hái chè búp tươi.

YBĐT - Thuận lợi và tiềm năng không ít nhưng những khó khăn vẫn còn nhiều, hầu hết bà con nông dân trồng chè ở Bảo Hưng đều có chung một mong muốn đó là có sự hỗ trợ thêm của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp về vốn, kỹ thuật, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

VAFI kiến nghị cần có cơ chế thu hút dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa gửi một lá thư đặc biệt tới Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với nhiều đề xuất cải tổ mạnh mẽ, trong đó có việc đưa lãi suất về 12%, thay đổi cách quản lý vàng và cắt giảm tới 20% số lượng ngân hàng cổ phần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục