Cây chè Chấn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/9/2011 | 2:49:09 PM

YBĐT - Tháng 8 nắng nóng và mưa rào, thời điểm này mọi năm chè Chấn Thịnh rộ búp nhất nhưng năm nay qua các thôn: Cao I, Cao 2, Mũi Kim, Khe Ráo… không khí khá trầm lắng, từ sáng tới tối thi thoảng mới có một xe chở chè đi cân, trên nương lác đác người hái, người phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ...

Chè đạt tiêu chuẩn phải đạt một tôm hai lá và hái bằng tay.
(Ảnh: H.N)
Chè đạt tiêu chuẩn phải đạt một tôm hai lá và hái bằng tay. (Ảnh: H.N)

Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh - ông Lại Văn Đông chẳng cần sổ sách mà nắm rất tường tận mọi mặt kinh tế - xã hội của xã, đặc biệt là lĩnh vực chè. Ông chủ tịch xã này cho biết: “Toàn xã Chấn Thịnh có 350 ha chè kinh doanh, năng suất đạt bình quân 8 tấn/ha, trên địa bàn xã có 7 nhà máy chế biến chè đen, công suất từ 10 đến 15 tấn/ngày và một số cơ sở chế biến chè xanh. Diện tích chè rất lớn trong khi ruộng cấy không nhiều, phong trào trồng rừng và chăn nuôi chưa thực sự phát triển nên chè là nguồn thu nhập chính cho 1500 hộ dân trong toàn xã”.

Ai cũng biết mấy năm nay đời sống của người trồng chè khó khăn hơn nhưng chuyện bỏ chè, quay lưng lại với cây chè thì chưa ai dám nghĩ tới bởi bao thế hệ người Chấn Thịnh sống nhờ vào cây chè. Nói chẳng ngoa, cỡ tuổi trên dưới bốn mươi trở ra là đẻ dưới gốc chè, ăn, học, lấy vợ, gả chồng, làm nhà, mua xe đều nhờ tán chè cả. Hồi còn xí nghiệp Công nông nghiệp chè Trần Phú, chè hái một tôm, hai lá bán vài trăm đồng còn hăng hái cuốc gốc, bốc trà đào hố, đánh rạch trồng thêm chè, khi Liên Xô, Đông Âu đỗ vỡ, rồi Iraq bị bao vây cấm vận… thị trường xuất khẩu chè gần như đóng băng, nhiều nơi để hoang nương chè, trồng cam, quýt, quế, keo vào nương chè nhưng người Chấn Thịnh không thế.

Rồi những trận hạn hán, nắng nóng, những vụ chè “vàng”, chè “thối” đều nhanh chóng qua đi. Khi cơ chế mở ra, nhà máy mọc lên như nấm sau mưa thì cơ hội cho cây chè đã thoáng xuất hiện nhưng bởi quá nhiều lẽ mà “cơ hội” chỉ thoáng xuất hiện rồi thôi. Thêm nhiều nhà máy, thêm nhiều lựa chọn nhưng chẳng thêm nhiều niềm vui. Họ - những nhà chế biến, thay vì cạnh tranh nguyện liệu bằng việc tăng giá, đầu tư hỗ trợ cho dân, họ lại hạ thấp phẩm cấp búp chè, để rồi “một tôm, hai lá” chỉ còn trên sách vở, chè “liềm”, chè “cắt” năm, sáu bảy, tám lá là chuyện thường.

Chưa hết, khi sử dụng máy hái chè mà người thao tác cứ hạ máy xuống thật thấp để tăng năng suất thì không phải là một tôm, hai lá mà một cành, nhiều lá già, non! Xin đừng trách nông dân khi mà các nhà chế biến vẫn chiều lòng họ, sẵn sàng mua tất những cành, những lá, những búp như vậy, trong khi bà con thì vẫn còn nặng tư tưởng dễ làm, khó bỏ.

Ông Toàn ở thôn Cao, thủng thẳng nói: “Tôi không phải là nhà kinh tế nhưng tôi thấy cái bất hợp lý là từ nhiều năm qua năm nào giá phân bón, giá thuốc trừ sâu và công lao động cũng tăng, chỉ có giá thu mua chè tươi là  vẫn… “giữ ổn định” 2.500 đồng - 3.800 đồng - 3.000 đồng - 3.200 đồng/kg. Công ty, nhà máy mua nhanh, trả tiền gọn còn vất vả, chuyện mua nợ, chịu tiền là chuyện thường xuyên”.

Câu chuyện bi hài đã từng xảy ra chưa lâu ở vùng chè Văn Chấn khi nông dân mang chè bán cho các nhà máy, nhà máy không có tiền trả mà chỉ trao lại cho bà con một mảnh giấy nhận nợ, rồi bà con dùng mảnh giấy nhận nợ ấy ra chợ đong gạo, mua thức ăn, mua phân bón…  sử dụng giấy nhận nợ của nhà máy như một … loại tiền nhiều mệnh giá! Không muốn đầu tư cho chè bởi đầu tư là lỗ, cứ muốn hái dài, cắt già… cho năng suất cao, thế là vùng chè Chấn Thịnh như bao vùng chè khác rơi vào tình trạng “Dưới đói, trên đau” đúng như những gì mà công luận đã phản ánh.
Chuyển sang câu chuyện chè “bẩn”, nói cho đúng từ ngữ là “chè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” thì chắc chắn đây là câu chuyện không mới, chè mà còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chè “đội nón phơi suốt” mặc cho gà bới, bụi bặm ngoài đường thì không thể nói là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng chuyện búp chè non, già bất biết, quá trình xao, vò cho thêm phụ gia gồm: cám lợn, bùn, đất cao lanh… bán cho tư thương với giá cao rồi đưa sang Trung Quốc thì là chuyện mới.

Ở Chấn Thịnh, phong trào làm chè “bẩn” không nổi, cả xã chỉ có 14 hộ làm (con số này kém xa các xã lân cận như: Tân Thịnh, Hưng Thịnh) nhưng nó cũng khiến cho các nhà máy trên địa bàn xã gần như ngưng hoạt động hoàn toàn, cây chè bị “đau nặng” hơn trong “cơn đói”, khi người dân bán hết chè cho thương lái mang đi bán cho các lò chè “bẩn”.

Khi “cơn bão” chè “bẩn” đang ở cấp độ cao nhất, nhiều ý kiến còn cho rằng: “Người Chấn Thịnh không nhanh, nhạy” thì cán bộ xã Chấn Thịnh vẫn xuống dân tuyên truyền cho họ  phải hết sức thận trọng, không nên thấy người ta làm được mà đầu tư làm theo, kinh nghiệm vụ chè “vàng” năm 2008 để lại là nó diễn ra rất ngắn, những người tham lam làm nhiều, làm sau, đến khi “đối tác” không mua nữa, om trong nhà cả đống loại hàng “đặc biệt” ấy rồi mang nợ.

Những bản cam kết không chế biến chè “bẩn” chỉ mang ý nghĩa tượng trưng bởi khó có thể áp dụng những chế tài xử phạt nhưng cái đáng quý là  sau những lời kiên trì vận động, tuyên truyền, bà con Chấn Thịnh đã hiểu ra, làm như vậy chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho một số ít người, còn thiệt hại là rất lớn cho cả nền sản xuất, cả ngành chè, cả vùng chè Chấn Thịnh, Văn Chấn (Yên Bái).

Các nhà máy chế biến chè trên địa bàn đã có nguyên liệu sản xuất sau “cơn lốc” chè “bẩn”. (Ảnh: Văn Thông)

Chúng tôi cùng với lãnh đạo xã Chấn Thịnh về thăm xưởng chế biến chè của doanh nghiệp chè Định Lý, ông chủ cơ sở Vũ Văn Lý mừng ra mặt khi sản xuất đã được khôi phục cho dù năng suất vẫn chưa đạt, (15 ngày đầu tháng 8 đã sản xuất được 16 tấn chè khô, trong khi cả tháng 7 mới làm được 2 tấn). “Chè năm nào chẳng có cái khó, không bệnh nọ thì tật kia. Năm nay thì nhiều bệnh hơn, nào là giá cả vật tư, phân bón, cộng với chè kém búp khiến nông dân gặp khó khăn. Chế biến thì khó khăn khâu nguyên liệu, cộng với khoản lãi suất ngân hàng tăng cao, rồi chè “bẩn”, chè “bùn” khiến anh lớn, anh nhỏ liêu xiêu cả. Tháng 8 mưa nhiều chắc chè sẽ nhiều búp, vụ chè đến muộn chắc sẽ kết thúc muộn. Vấn đề tiêu thụ sẽ không ngại vì đang và sẽ không có hàng giao cho khách theo hợp động nên giá sẽ  được đẩy lên. Khó mấy rồi cũng qua dù kết quả rất có thể không được như mấy vụ trước”. Ông chủ cơ sở chế biến chè Định Lý đã nói với chúng tôi như vậy với niềm tin mãnh liệt.

Lạc quan, tin tưởng đúng là rất cần, cơn “bão” chè “bẩn” rồi cũng tan nhưng nó thực sự là một vết thương trên một cơ thể nhiều bệnh tật, đang đau yếu của ngành chè Yên Bái chứ không riêng gì Chấn Thịnh. Bệnh thì đã rõ, lúc này rất cần một cuộc đại phẫu cho ngành chè vươn lên để 350 ha chè kinh doanh của Chấn Thịnh không chỉ là cây trồng truyền thống, cây xóa đói mà còn là cây giảm nghèo, là niềm tự hào của người dân Chấn Thịnh.

Lê Phiên

Các tin khác

Từ 1/9, giá bán điện đã chính thức được điều chỉnh dần theo cơ chế thị trường. Đó là nội dung của Thông tư số 31 của Bộ Công thương.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm khiếu nại lên WTO để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình.

Lần đầu tiên Chính phủ và doanh nghiệp (DN) tôm Việt Nam khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đòi lại quyền lợi cho mình sau 7 năm bị áp thuế chống bán phá giá.

Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: CAND Online

Mới đây, một công ty luật quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam đã phát hiện ra một doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký sử dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc.

Huyện Mù Cang Chải trồng 305 ha ngô vụ mùa năm 2011.

YBĐT - Năm 2011, nhân dân huyện Mù Cang Chải đã trồng 950 ha ngô, trong đó: 645 ha ngô thu đông, 305 ha ngô vụ mùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục