“Tam nông” đã đi vào cuộc sống
- Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2011 | 2:47:09 PM
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả khá toàn diện, sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nông dân xã Minh Xuân (Lục Yên) sản xuất phân viên nén dúi sâu.
|
Bước chuyển rõ nét nhất là cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi và kết cấu hạ tầng nông thôn không ngừng được cải thiện.
Trong sản xuất lương thực, tiếp tục đưa các giống tiến bộ, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường. Vùng thâm canh lúa tập trung như: cánh đồng Mường Lò, Đại - Phú - An, Mường Lai, Minh Xuân, bắc Trấn Yên tập trung xây dựng và phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên 5.000 ha. Đối với các xã vùng cao, mở rộng diện tích gieo cấy lúa từ một vụ lên hai vụ, vùng thấp từ sản xuất 2 vụ lên 3 vụ/năm.
Huyện Văn Chấn đã mạnh dạn thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, có trên 100 hộ dân tham gia và đã thực hiện được 17 ha. Toàn bộ diện tích đất này trước đây là các ô ruộng nhỏ của hàng trăm hộ dân, nay đã được các hộ dồn đổi cho nhau tạo cánh đồng rộng lớn, thuận tiện cho việc đưa máy móc vào làm đất, thu hoạch, áp dụng các biện pháp thâm canh, đưa năng suất lúa đạt trên 16 tấn/ha cùng với sản xuất các loại rau màu vụ ba, tạo giá trị thu nhập trên 150 triệu đồng/ha.
Sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình đã và đang hình thành tương đối rõ nét vùng sản xuất tập trung và áp dụng các giống tiến bộ, chất lượng cao vào sản xuất.
Trong sản xuất chè đã trồng cải tạo và thay thế chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội năng suất cao, chất lượng búp tốt, đáp ứng cho chế biến xuất khẩu trên 5.000 ha. Chăn nuôi phát triển mạnh, đồng đều giữa các vùng, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt trên 5% năm. Đồng thời hình thành và phát triển nhiều trang trại chăn nuôi gà, trâu, bò, lợn hàng hóa với quy mô lớn.
Ở vùng cao đã chuyển đổi hàng ngàn héc-ta ruộng kém hiệu quả sang trồng lạc, đậu tương, ngô mang lại giá trị kinh tế cao. Không chỉ có bước chuyển trong sản xuất nông - lâm nghiệp mà hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng không ngừng được hoàn thiện. Nếu như trước đây, chỉ có gần 50% diện tích lúa được tưới nước chủ động thì nay đã là gần 80% nhờ hàng loạt các công trình thủy lợi được xây dựng, sửa chữa với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Riêng cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ), Đại - Phú - An (Văn Yên), Mường Lai, Minh Xuân (Lục Yên)... bảo đảm tưới chủ động 100% diện tích.
Lĩnh vực giao thông nông thôn, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm; nhiều xã, thị trấn đã và đang quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn đạt tiêu chuẩn mặt đường rộng 3,5m. Số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 75% và 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.
Quan trọng hơn cả, từ khi Nghị quyết 26 ra đời đã làm thay đổi thói quen canh tác, cải cách phương thức sản xuất của nông dân, giúp họ năng động hơn trong việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là việc chuyển dịch mùa vụ, mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất hàng hóa nên thu nhập của nông dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục và tháo gỡ như: số hộ đói nghèo còn cao; lao động dư thừa trong nông thôn lớn; sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp kém, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày một cao của thị trường; kiến thức về khoa học kỹ thuật, trình độ lao động trong nông thôn hạn chế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất vẫn mang tính quảng canh, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng nông thôn đã được cải thiện nhưng vẫn thiếu và yếu…
Một vấn đề không thể không nói đến là sự tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và liên kết bao tiêu sản phẩm còn rất hạn chế. Tỉnh, huyện có nhiều cơ chế và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng không mấy doanh nghiệp mặn mà. Nguyên nhân các doanh nghiệp đưa ra là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chứa nhiều rủi ro, phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết trong khi vốn đầu tư cao, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài.
Để Nghị quyết về “tam nông” thực sự đi sâu vào đời sống hơn nữa, tạo tiền đề cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, người nông dân Yên Bái rất cần sự vào cuộc, “bắt tay” hợp tác của nhà doanh nghiệp và nhà khoa học trong việc hỗ trợ kiến thức, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp theo hướng “sản xuất những gì thị trường cần, không sản xuất những gì thị trường có”. Có như vậy mới bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, giúp họ yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài, bền vững.
Thanh Phúc
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng nay giảm trở lại so với cuối ngày 26/9 khoảng 700.000 đồng/lượng, đưa giá bán ra tại các doanh nghiệp kim hoàn lớn còn 44,7 đến 44,95 triệu đồng/lượng.
28 chuyến bay bị hủy trong ngày 26/9 và thêm 12 chuyến khác được dự báo tiếp tục thay đổi lịch trình trong 2 ngày kế tiếp vì bão số 4.
YBĐT - Vào những ngày tháng 9 này, trên công trường Thủy điện Hồ Bốn thuộc xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, không khí khẩn trương thi đua lao động của tập thể đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân của Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn đang trong giai đoạn nước rút để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành việc lắp đặt, căn chỉnh phần cơ khí của 3 tổ máy và hệ thống các thiết bị điện đã cơ bản hoàn thiện, để chuẩn bị cho chạy thử và sẽ phát điện vào tháng 10/2011.
YBĐT - Dự án “Phát triển nuôi ong nội cho người dân tộc thiểu số và người dân nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam" giúp cho người nông dân ở Yên Bái thoát nghèo và đang mở hướng phát triển mạnh trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị như nhiều nông sản khác.