Hiệu quả từ dự án nuôi ong ở Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2011 | 9:46:13 AM

YBĐT - Dự án “Phát triển nuôi ong nội cho người dân tộc thiểu số và người dân nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam" giúp cho người nông dân ở Yên Bái thoát nghèo và đang mở hướng phát triển mạnh trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị như nhiều nông sản khác.

Các hội viên Câu lạc bộ Nuôi ong xã Cảm Ân và xã Tân Hương trao đổi kinh nghiệm nuôi ong theo phương pháp hiện đại.
Các hội viên Câu lạc bộ Nuôi ong xã Cảm Ân và xã Tân Hương trao đổi kinh nghiệm nuôi ong theo phương pháp hiện đại.

Dự án “Phát triển nuôi ong nội cho người dân tộc thiểu số và người dân nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam" giai đoạn 2009 – 2012 do Hội Nuôi ong Đan Mạch - DBF tài trợ được thực hiện trên địa bàn 7 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái. Dự án không chỉ giúp người nông dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp hiện đại, hiểu biết về tác dụng của việc nuôi ong đối với môi trường sinh thái mà còn mở ra hướng thoát nghèo cho người nông dân, giúp nghề nuôi ong ở Yên Bái phát triển mạnh và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị như nhiều nông sản khác. Qua kiểm tra thực tế, chuyên gia Đan Mạch đã đánh giá cao khả năng thành công của mô hình tại Yên Bái.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Dương Đình Phúc, xã Cảm Ân (huyện Yên Bình) - người đã có trên 30 năm kinh nghiệm với nghề nuôi ong. Trước đây, việc nuôi ong theo phương pháp truyền thống, dựa vào tự nhiên là chính, lượng mật thu về không đáng là bao. Sau gần 2 năm tham gia Dự án, ông Phúc đã được tiếp cận với phương pháp nuôi ong hiện đại.

 Trong quá trình chăn nuôi, do nắm được phương pháp, quy trình kỹ thuật nuôi nên lượng mật thu đã tăng cao. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Phúc đã được các hội viên trong Câu lạc bộ (CLB) Nuôi ong xã Cảm Ân tín nhiệm bầu làm chủ tịch CLB. Ông Phúc cho biết: “Nuôi ong theo phương pháp này rất dễ dàng trong việc chăm sóc, chất lượng mật cũng tốt như mật của ong rừng, lượng mật thu về cao hơn”.

Điểm nổi bật của Dự án là các học viên được dạy nghề ngay tại các trại thực nghiệm nuôi ong. Những trại nuôi ong thực nghiệm này được xây dựng theo mô hình và kinh nghiệm của Đan Mạch, phục vụ thực hành cho các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi ong. Người nông dân được chuyển giao công nghệ nuôi ong theo phương pháp mới, dùng các nguyên liệu sẵn có như tre, gỗ, gạch, đất để làm thùng 2 lớp và được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật tạo chúa mới để nhân đàn. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ người dân.
 Cũng như gia đình ông Phúc, gia đình chị Nguyễn Thị Thoa ở thôn Ngòi Cát là một trong 32 hộ gia đình của xã được lựa chọn tham gia Dự án. Từ 2 đàn ong ban đầu do Dự án cấp vào tháng 3/2010, đến nay gia đình chị đã phát triển được 20 đàn ong. Cùng với 10 đàn ong mô hình của Dự án đặt tại nhà, gia đình chị đã có 30 đàn ong với trên 100 cầu ong. Mỗi vụ, gia đình chị thu được trên 2 tạ mật, thu về gần 40 triệu đồng.

Chị Thoa cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương và Hội Nuôi ong Đan Mạch hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật đã giúp gia đình tôi tiếp cận với nghề nuôi ong. Nuôi ong theo phương pháp hiện đại không mất nhiều công sức, chi phí đầu thư thấp mà thu nhập lại cao, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Đây thực sự là cơ hội tốt để chúng tôi tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hóa, mở ra cơ hội làm giàu cho người nông dân”.

Hiện nay, CLB Nuôi ong xã Cảm Ân có 32 thành viên với gần 100 đàn ong. Hàng tháng, các hội viên trong CLB duy trì sinh hoạt định kỳ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, nâng cao số lượng đàn ong và chất lượng mật. Năm 2010, do nhiều thành viên CLB chưa có kinh nghiệm nên lượng mật thu về cả vụ chỉ được gần 4 tạ nhưng ngay vụ đầu tiên của năm 2011, lượng mật thu về đã đạt gần 6 tạ. Ông Hà Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Cảm Ân cho biết: “Đây là mô hình mới, mang lại hiệu quả cao, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống của người dân”.

Không chỉ người dân ở xã Cảm Ân mà 30 hộ nông dân của xã Tân Hương huyện Yên Bình cũng được tham gia Dự án Nuôi ong do Hội Nuôi ong Đan Mạch tài trợ. Đây là địa phương có điều kiện thuận lợi để nuôi ong với quy mô vừa và nhỏ. Xã đã thành lập CLB Nuôi ong với 32 thành viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số có thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn.

Ông Lục Văn Khai, Phó chủ tịch HĐND xã Tân Hương cho biết: “Từ thành công của Dự án, người dân trong xã rất tâm đắc với nghề nuôi ong bởi nghề này không phải đầu tư nhiều vốn, công sức, lợi nhuận thu về cao. Chúng tôi mong muốn dự án này tiếp tục mở rộng, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.

Hà Anh

Các tin khác
Nông dân Văn Chấn thu hái chè đúng phẩm cấp bán cho nhà máy.

YBĐT - Trước thực trạng sản xuất "chè bẩn" diễn ra trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp xử lý triệt để, đến nay, đã không còn tình trạng sản xuất “chè bẩn”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, lấy lại uy tín cho chè Yên Bái.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (phải) và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông - Nguyễn Bắc Son chủ trì họp báo chiều 26/9.

Chính phủ khẳng định chủ trương “ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý” sẽ là mục tiêu nhất quán trong điều hành năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015. Chính sách tiền tệ, do đó, sẽ tiếp tục được thắt chặt.

Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 26-9 tại Hà Nội đã nóng lên với sự quan tâm của báo giới về những tranh cãi của Bộ Công thương, Bộ Tài chính về điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua cũng như việc giá vàng lại nhảy múa trong ngày 26-9.

Giá vàng trong nước bỏ xa giá thế giới

Trước việc giá vàng trong nước bỏ xa giá thế giới trong một vài ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông điệp khuyến cáo người dân nên thận trọng; cơ quan này đang theo dõi và cho phép nhập vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục