Vẻ vang truyền thống, lớn mạnh hôm nay

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2011 | 2:50:29 PM

YBĐT - Tự hào với truyền thống vẻ vang 40 năm, cán bộ, công nhân Công ty Thủy điện Thác Bà hôm nay nguyện phấn đấu không ngừng để xây dựng Nhà máy, xây dựng Công ty lớn mạnh hơn nữa, đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Thác Bà.
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Ngày 05/10/1971, trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, đồng chí Lê Thanh Nghị - Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và đồng chí Phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng Liên bang Xô Viết đã cắt băng khánh thành Nhà máy Thủy điện Thác Bà và khởi động tổ máy số 1. Từ buổi lễ trọng đại ấy, dòng điện Thác Bà đã bắt đầu tỏa sáng, đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử xây dựng, quản lý vận hành các nhà máy thủy điện ở Việt Nam. Ngày lịch sử ấy cũng được chọn là ngày truyền thống của Nhà máy Thủy điện Thác Bà trước đây và Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà hôm nay.

Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy, thuộc địa bàn huyện Yên Bình, theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Công trình thuỷ điện đầu tiên của miền Bắc XHCN với sự giúp đỡ của Nhà nước Liên Xô. Với công suất thiết kế 108 MW, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 400 triệu KWh, trong quãng thời gian từ năm 1959 - 1964, các chuyên gia Liên Xô cùng với lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam đã hoàn thiện một khối lượng lớn công việc, tiến hành hàng trăm cuộc khảo sát, đo đạc, vận chuyển hàng triệu mét khối đất đá, đổ hàng vạn khối bê tông…

Đại Ngọc Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà

Thủy điện Thác Bà cũng ghi dấu những đóng góp to lớn của bà con các dân tộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên đã dời bỏ quê hương, làng mạc, ruộng đồng của mình dành đất cho công trình. Xây dựng trong thời kỳ Đế quốc Mỹ tập trung đánh phá miền Bắc, Thác Bà trở thành mục tiêu công phá của không quân Mỹ, nhưng dù bom rơi, đạn nổ, chưa bao giờ sức mạnh quân sự của cường quốc số 1 thế giới dập tắt được lòng tin, khát khao chiến thắng của cán bộ, nhân dân nơi đây.

Sau năm 1975, đất nước vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh, đời sống của nhân dân cả nước nói chung và cán bộ, công nhân Nhà máy nói riêng còn thiếu thốn và khó khăn, cơ sở vật chất của Nhà máy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy luôn động viên cán bộ, công nhân phát huy nội lực, nâng cao ý thức làm chủ, khắc phục mọi khó khăn để giữ vững sản xuất, đảm bảo mục tiêu vận hành an toàn và liên tục, kiểm tra bảo dưỡng máy móc thiết bị theo định kì, phát hiện, sửa chữa, thay thế kịp thời những hỏng hóc, khai thác hồ chứa có hiệu quả, từng bước đưa đời sống của cán bộ công nhân thoát ra khỏi khó khăn.

Hòa chung với công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, đặc biệt trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Thủy điện Thác Bà đã có những chuyển biến to lớn trong công tác quản lý và tổ chức sản xuất, trong đó phải kể đến việc tăng cường quản lý và nâng cao ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật lao động của cán bộ, công nhân viên (CBCNV), coi trọng và tập trung vào công tác cán bộ, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có đủ năng lực giải quyết công việc. Liên tục trong nhiều năm Nhà máy đã không để xảy ra sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến con người và thiết bị, sản xuất an toàn, hiệu quả.

 Với những thành tích đặc biệt đó, Thủy điện Thác Bà đã trở thành một đơn vị điển hình của ngành điện Việt Nam. Với đội ngũ cán bộ kỹ sư và chuyên gia giỏi, cùng lực lượng công nhân lành nghề, từ tháng 5 năm 2003, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam giao cho Nhà máy nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất cho Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang với định hướng 2 nhà máy sẽ do một công ty quản lý.

Ngay sau khi  nhận nhiệm vụ, công ty đã bắt tay vào việc tổ chức tuyển dụng, đào tạo, thành lập cơ cấu tổ chức, bổ nhiệm cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, soạn thảo các quy trình đào tạo, tổ chức lực lượng giám sát lắp đặt thiết bị trên công trình thủy điện Tuyên Quang. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, về cơ bản công tác chuẩn bị sản xuất đã hoàn thành, tạo nền tảng quan trọng cho công tác quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang sau này.

Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2011, Nhà máy liên tục tiến hành đầu tư để đại tu, nâng cấp, trong đó phải kể đến các hạng mục như: phục hồi 3 tổ máy, lắp đặt hệ thống Đo lường - Điều khiển - Bảo vệ (DCS) và sửa chữa, cải tạo các công trình thủy công, công trình phụ trợ nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành, cũng như khắc phục những hạn chế của hệ thống máy móc, công trình. Bên cạnh việc đại tu, nâng cấp các tổ máy và lắp đặt hệ thống, Công ty cũng tiến hành đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình kiến trúc và thiết bị phụ trợ như: đại tu đập chính, mặt tiền gian máy, trạm OPY, hệ thống nén khí..... 

Quá trình đại tu, phục hồi, nâng cấp, hiện đại hoá Nhà máy Thủy điện Thác Bà về cơ bản đã kết thúc vào năm 2011. Từ một nhà máy điện 40 năm tuổi với công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, đến nay đã trở thành một trong những nhà máy có công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam. Thành công này chính là kết quả của sự vận dụng tri thức khoa học và sự đoàn kết nhất trí của Ban lãnh đạo Công ty, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân Thuỷ điện Thác Bà hôm nay.

Phiên họp giao ban của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và lãnh đạo nhà máy.

Ngày 30/3/2006 đã ghi một dấu ấn quan trọng đối với Công ty Thủy điện Thác Bà khi đơn vị chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. Mô Hình quản lý mới đã tạo ra khí thế mới trong quá trình sản xuất kinh doanh và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năm 2010, Công ty đã triển khai và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2004. Đến nay, Thuỷ điện Thác Bà là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành điện thực hiện và áp dụng thành công Hệ thống quản lý môi trường.

Năm 2010, Công ty thành lập Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật, đơn vị có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về đào tạo vận hành, sửa chữa và các dịch vụ kỹ thuật khác cho các nhà máy thủy điện trong khu vực miền Bắc. Hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật đã thu hút được đông đảo khách hàng, hàng loạt các hợp đồng được ký kết và thực hiện thành công như: Dự án Thủy điện Thái An (Hà Giang), Thủy điện Bát Đại Sơn (Hà Giang), Thủy điện Sông chảy 05 (Hà Giang) và đang chuẩn bị thực hiện các dự án Thủy điện Văn Chấn (Yên Bái), Thủy điện Cửa Đạt (Quảng Trị). Bên cạnh đó, Công ty còn nhận hướng dẫn, đào tạo hàng trăm lượt học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đến thực tập.

Đảng bộ Công ty đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo chính trị, lãnh đạo các đoàn thể quần chúng, tạo ra sự đoàn kết, nhất trí trong đội ngũ cán bộ đảng viên, công nhân viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Hoạt động của các đoàn thể như: công đoàn, Đoàn thanh niên, nữ công, cựu chiến binh… luôn được chú trọng và theo sát với cơ chế, điều kiện mới, tích cực phối hợp với chuyên môn trong công tác quản lý, thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và trở thành chỗ dựa vững chắc của người lao động.

40 năm xây dựng và phát triển, Thủy điện Thác Bà đã liên tục sản xuất, cung cấp trên 15 tỷ KWh điện phục vụ nền kinh tế quốc dân, đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cắt lũ và điều tiết nước cho đồng bằng Bắc bộ. Cũng từ nơi đây, nhiều thế hệ cán bộ đã trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của nhiều nhà máy thủy điện trong cả nước, Nhà máy được xem như cái nôi của ngành thủy điện Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất điện phục vụ nền kinh tế quốc dân, Công ty đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên quê hương Yên Bái.

Thế hệ cán bộ, nhân viên Thủy điện Thác Bà hôm nay không bao giờ quên những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để xây dựng và bảo vệ nhà máy. Tự hào với truyền thống vẻ vang 40 năm, cán bộ, công nhân Công ty Thủy điện Thác Bà hôm nay nguyện phấn đấu không ngừng để xây dựng Nhà máy, xây dựng Công ty lớn mạnh hơn nữa, đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảng vàng thành tích

Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1999.
Huân chương Chiến công năm 1996.
Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1973.
Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1982.
03 Huân chương Lao động hạng Nhì các năm 1973, 1979, 1995.
04 Huân chương Lao động hạng Ba các năm 1976, 1980, 1996, 1998.
02 Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010.
Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2011.
Nhiều Bằng khen của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh Yên Bái...

Đại Ngọc Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà

Các tin khác
Vàng thế giới đang trên đà phục hồi.

Chỉ trong ba tiếng, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, TP.HCM nâng giá bán ra từ 44,6 lên hơn 45 triệu đồng/lượng. Trong lần cập nhật lúc 11h1', công ty này công bố vàng miếng SJC mua vào 45,05 triệu đồng/lượng, bán ra 45,35 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt là 670.000 đồng và 820.000 đồng/lượng so với cuối ngày 3-10.

Nông dân phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ tập trung trồng ngô vụ đông.

YBĐT - Với phương châm: “Gặt đến đâu, cày bừa làm đất” ngay đất đó, ở khắp các địa phương trong tỉnh, bà con nông dân đang khẩn trương, tập trung xuống đồng thu hoạch lúa mùa sớm, làm đất để đảm bảo gieo trồng cây vụ đông kịp khung thời vụ. >>>Văn chấn: Khẩn trương vụ đông / Yên Bái: Phát động thi đua sản xuất vụ đông năm 2011

Khuyến nông viên cơ sở ở Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc lúa. (Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Phấn đấu đến năm 2015, 100% số hộ nông dân trong tỉnh Yên Bái sản xuất nông nghiệp được tiếp cận với các nguồn thông tin thông qua hệ thống khuyến nông.

Cán bộ, kỹ sư Nhà máy và các nhà thầu sửa chữa, phục hồi tổ máy số 3.

YBĐT - Việc Nhà máy vận hành tốt, an toàn trong suốt 40 năm qua là một “kỳ tích” và là kết quả của sự vận dụng tri thức khoa học, năng động sáng tạo của cán bộ, kỹ sư trong mỗi tình huống cụ thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục