Trung tâm Khuyến nông Yên Bái: Nhiều phương thức đưa KHKT đến với nông dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2011 | 9:12:00 AM

YBĐT - Phấn đấu đến năm 2015, 100% số hộ nông dân trong tỉnh Yên Bái sản xuất nông nghiệp được tiếp cận với các nguồn thông tin thông qua hệ thống khuyến nông.

Khuyến nông viên cơ sở ở Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc lúa. (Ảnh: Mạnh Cường)
Khuyến nông viên cơ sở ở Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc lúa. (Ảnh: Mạnh Cường)

Thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 15/2/2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về " Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước", với nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ KHKT, đào tạo, huấn luyện và truyền nghề cho nông dân để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn, 10 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, tổ chức chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề cho nông dân.

Kết quả, đã tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT 15 nghìn lớp cho 620 nghìn lượt hộ nông dân tham gia; Xây dựng 236 loại mô hình về cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật mới, với 677 điểm trình diễn tại khắp các vùng trong tỉnh.

Công tác tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật cho hộ nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng rất hiệu quả, mỗi tuần thực hiện 1 chuyên mục "Khuyến nông” trên Đài Phát thanh - Truyền hình, 1 chuyên mục “Nhà nông cần biết” trên Báo Yên Bái, vv... với nội dung giới thiệu và hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật mới, nêu gương các điển hình, các mô hình sản xuất giỏi, đã góp phần chuyển đổi nhận thức, nâng cao dân trí cho nông dân, giúp nông dân nắm được kỹ thuật, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Hệ thống khuyến nông phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hội thi tìm hiểu KHKT trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp như: Hội thi Nông dân với khoa học kỹ thuật, Phụ nữ Tìm hiểu khoa học kỹ thuật, Nhà nông đua tài, Hội thi Cán bộ khuyến nông giỏi vv… Tạo ra một phong trào thi đua học tập sôi nổi, đưa kiến thức đến với nông dân một cách sinh động. Ngoài ra, còn xây dựng 328 câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện với 10.110 hội viên. Đây là nguồn lực rất quan trọng trong việc tiếp nhận các tiến bộ KHKT và công nghệ mới áp dụng nhanh và hiệu quả vào sản xuất.

Hoạt động khuyến nông Yên Bái đã bám sát vào định hướng phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của nông dân, thực hiện thành công các chương trình trọng điểm của tỉnh như: chương trình khuyến nông cây lương thực, cây công nghiệp; cây ăn quả, chương trình khuyến nông về chăn nuôi - thuỷ sản, chương trình khuyến lâm...

Phương thức và hình thức hoạt động khuyến nông ngày càng phong phú, đa dạng, bước đầu đã tạo ra mối liên kết xã hội hoá công tác khuyến nông sâu rộng tới mọi tầng lớp nông dân, góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu, tạo lập tư duy, tiến bộ mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đội ngũ cán bộ khuyến nông là lực lượng nòng cốt trong việc truyền tải mọi chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước, chuyển giao KHKT và công nghệ mới, đào tạo tập huấn cho nông dân. Khuyến nông thực sự là người bạn của nhà nông, là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Hoạt động khuyến nông đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW giai đoạn 2011-2015 có hiệu quả, trong thời gian tới, công tác khuyến nông tỉnh Yên Bái tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình dự án khuyến nông phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Các đơn vị cũng xác định sẽ tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông, bồi dưỡng, tập huấn xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, trong đó,  cán bộ mỗi chuyên ngành phải có trình độ thạc sỹ trở lên, cán bộ kỹ thuật hệ thống khuyến nông cấp tỉnh và cấp huyện có trình độ đại học và có kỹ năng khuyến nông đạt trình độ tương đương giáo viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa khuyến nông, chú trọng tăng cường các mối liên kết với các tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp bằng những chương trình hành động cụ thể để hoạt động khuyến nông đi sâu tới mọi tầng lớp nông dân.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tăng cường liên kết với các vụ, viện nghiên cứu của Trung ương trong việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình nhằm truyền tải kịp thời các vấn đề sản xuất mang tính thời vụ và thời sự đến nhiều hộ nông dân; tiếp tục đổi mới hình thức và phương pháp khuyến nông sao cho thiết thực và có hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2015, 100% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được tiếp cận với các nguồn thông tin thông qua hệ thống khuyến nông.

Nguyễn Thị Hán

Các tin khác
Cán bộ, kỹ sư Nhà máy và các nhà thầu sửa chữa, phục hồi tổ máy số 3.

YBĐT - Việc Nhà máy vận hành tốt, an toàn trong suốt 40 năm qua là một “kỳ tích” và là kết quả của sự vận dụng tri thức khoa học, năng động sáng tạo của cán bộ, kỹ sư trong mỗi tình huống cụ thể.

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Dù có những bước phát triển nhưng tồn tại và yếu kém nhất của DN Yên Bái hiện nay chính là đa số quy mô kinh doanh của DN còn nhỏ, yếu về vốn, máy móc, thiết bị sản xuất lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế...

Toàn cảnh Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, ASEM hoàn toàn có khả năng và trách nhiệm đóng góp tích cực cho nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh toàn cầu.

Mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Ngọc Kim (đứng giữa) địa chỉ tin cậy cho nông dân trong xã đến học tập kinh nghiệm.

YBĐT - Những năm qua, Đại Đồng đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục