Vinpearl “quy mối” vào Vincom: Sự kiện sáp nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2011 | 8:24:38 AM
Ngày 4/10, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup chính thức công bố: Nhằm phát huy và tập trung nguồn lực cộng hưởng trong hoạt động, Công ty CP Vinpearl sẽ được chính thức sáp nhập vào Công ty CP Vincom.
Sau khi hoàn thành sáp nhập, doanh nghiệp sẽ hoạt động dưới tên mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (gọi tắt là Tập đoàn Vingroup).
Đó là sự sáp nhập doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay; đồng thời sẽ tạo ra một doanh nghiệp lớn mạnh, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Bởi lẽ, hai công ty này đều là những doanh nghiệp rất lớn. Công ty CP Vincom là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực BĐS cao cấp, với vốn điều lệ hơn 3.900 tỷ đồng và tính tới ngày 4/10/2011, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp là hơn 36.960 tỷ đồng. Vincom cũng sở hữu hàng loạt các dự án, tổ hợp BĐS lớn như Vincom Center Hà Nội, Vincom Center TP.HCM, Vincom Village, Times City, Royal City…
Bên cạnh đó, Công ty CP Vinpearl cũng là cánh chim đầu đàn trong ngành du lịch. Với số vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng, vốn hoá thị trường tính đến ngày 4/10/2011 là hơn 17.460 tỷ đồng, Vinpearl cũng đang sở hữu hàng loạt những tổ hợp và dự án du lịch hàng đầu Việt Nam như Vinpearl Nha Trang (Vinpearl Resort Nha Trang, Vinpearl Land, Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinpearl Golf Club); Vinpearl Luxury Đà Nẵng; Vinpearl Resort Hội An…
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom cho biết: “Sự kiện sáp nhập này nhằm tạo ra sức mạnh mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, tập trung trí tuệ và thống nhất chỉ đạo trong các phương thức, chiến lược đầu tư kinh doanh… Như chúng ta đã biết, Vincom hoạt động chính trong lĩnh vực BĐS còn Vinpearl là du lịch mà đây là hai lĩnh vực có sự liên quan mật thiết và bổ trợ cho nhau nên sự sáp nhập này là rất hợp lý và chắc chắn sẽ tạo ra một sức bật mới trên thị trường. Mặt khác, trong chiến lược vươn ra biển lớn, tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, với sự sáp nhập này, chúng tôi mong muốn hình thành một pháp nhân tập đoàn có tầm vóc quốc tế và đủ sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của các tập đoàn bất động sản lớn trong khu vực và trên thế giới”.
Ông Hiệp cũng cho biết: Khi hoạt động thống nhất với pháp nhân mới là Tập đoàn Vingroup, tập đoàn sẽ phát triển dựa trên 4 nhóm thương hiệu tương đương 4 nhóm ngành chính là Vincom (bất động sản), Vinpearl (du lịch – giải trí), Vincharm (chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ), Vinmec (dịch vụ y tế chất lượng cao). Đồng thời Ban lãnh đạo và cơ cấu tổ chức tập đoàn cũng sẽ được tái cấu trúc với tinh thần: tập trung lãnh đạo, thống nhất điều hành và hội tụ tinh hoa.
Các tin khác
Đó là thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong cuộc họp với nhóm 12 ngân hàng thương mại hàng đầu tại Hà Nội ngày 4-10.
Từ nay đến cuối năm, EVN cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí và điện mua của Trung Quốc.
Lượng thép xuất khẩu của Việt Nam là không lớn, nhưng gần đây lượng xuất khẩu tăng cao, cộng thêm với giá bán ở mức khá thấp, đã khiến các nước đối tác xem xét đến phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.
YBĐT - Tự hào với truyền thống vẻ vang 40 năm, cán bộ, công nhân Công ty Thủy điện Thác Bà hôm nay nguyện phấn đấu không ngừng để xây dựng Nhà máy, xây dựng Công ty lớn mạnh hơn nữa, đóng góp hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.