Sản xuất công nghiệp: Tăng trưởng chưa cao
- Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2011 | 9:36:42 AM
YBĐT - Theo báo cáo của ngành công thương, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2011 ước đạt 2.153,120 tỷ đồng (chưa tính giá trị phân phối điện), bằng 59,8% so với kế hoạch (KH), tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Phòng điều hành sản xuất tại Nhà máy xi măng Vinaconex Yên Bình
|
Trong đó: công nghiệp Trung ương đạt 575,857 tỷ đồng, bằng 48% so với KH, giảm 4% so với cùng kỳ; công nghiệp địa phương đạt 1.516,411 tỷ đồng, bằng 65,1% so với KH, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,822 tỷ đồng, bằng 86,9% so với KH, tăng 89,5% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành gồm: quặng sắt đạt 181.825 tấn; cao lanh tinh lọc đạt 95.776 tấn. Trong khi một số sản phẩm đạt thấp so với KH và giảm hơn so với cùng kỳ như: Felspat bột đạt 97.196 tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ, bằng 42,3% KH năm; xi măng + clinke thương phẩm: ước đạt 756.025 tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ, đạt 61,2% KH năm; chè chế biến 17.838,8 tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ, đạt 67,3% KH năm.
Những con số trên cho thấy, sản xuất công nghiệp 9 tháng tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn đạt thấp so với kế hoạch (59,8%). Năng lực tăng thêm chủ yếu tập trung ở các nhóm sản phẩm truyền thống như: quặng sắt, đá vôi hạt, đá bột, cao lanh tinh lọc. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: chè chế biến, felspat bột, xi măng, clinke, sứ công nghiệp, điện thương phẩm, bao bì PP… với kết quả này nhiệm vụ còn lại của các tháng còn lại của năm 2011 là rất khó khăn.
Nhiều chuyên gia nhận định, kết quả trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp 9 tháng qua của Yên Bái như vậy cũng rất đáng mừng. Nói như vậy là bởi dù điều kiện kinh tế vĩ mô đã có tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung các khó khăn về vốn, thị trường, cơ sở hạ tầng vẫn còn rất gay gắt; vấn đề điện cho sản xuất tuy không bị cắt giảm như những năm trước nhưng chất lượng điện cho sản xuất thấp và không ổn định, thời tiết đang giữa mùa mưa… cũng ảnh hưởng không thuận tới sản xuất của doanh nghiệp.
Những khó khăn về nguồn vốn và giá cả vật tư đầu vào là rất cơ bản, đã có nhiều bài viết phân tích rõ, chỉ riêng vấn đề thời tiết đã gây không biết bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp của Yên Bái. Thời điểm đầu năm mưa nhiều khiến hàng trăm cơ sở chế biến gỗ nằm ngay giữa vùng nguyên liệu mà không thể vào sản xuất.
Cũng vì thời tiết khó khăn, nhiều ngày mưa mà các nhà máy xi măng, nghiền đá, tinh lọc cao lanh, khai thác và chế biến quặng sắt cũng gặp khó khăn trong sản xuất. Mưa thì không thể khai thác, khai thác rồi không thể vận chuyển về chế biến, cá biệt có đơn vị như xưởng chế biến quặng sắt tại xã Hưng Thịnh đã chế biến được sản phẩm rồi cũng không thể đưa đi tiêu thụ vì mưa xuống, đường lầy, giao thông đi lại khó khăn.
Sang quý IV, nhiều tín hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển như kinh tế vỹ mô tiếp tục ổn định, giá cả vật tư đầu vào không tăng, đặc biệt các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ khôi phục và thúc đẩy sản xuất.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành công thương là rất nặng nề vì hơn 1.300 tỷ đồng là con số mà ngành phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch được giao (bình quân mỗi tháng sản xuất đạt giá trị hơn 400 tỷ đồng). Đây là những mục tiêu rất lớn, không dễ thực hiện bởi chưa có ngành hàng, chưa có những doanh nghiệp nào thể hiện được mình là đầu tàu, tạo bước đột phá hay kéo cả đoàn tàu tăng tốc.
Bên cạnh đó, những khó khăn như thị trường tiêu thụ, tình trạng chất lượng điện không ổn định, ngay cả vấn đề thời tiết cũng không thể nói là thuận lợi khi nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn cho thấy: “Năm nay bão sẽ rất muộn và phức tạp” đã thành hiện thực, liên tiếp các cơn bão đã đổ vào đất liền, khiến mưa lũ xảy ra ở nhiều nơi.
Công nhân Công ty cổ phần chế biến Lâm sản Hoàng Lâm vận hành máy tạo góc đũa. (Ảnh: Quang Thiều)
Trên tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch được giao, ngành công thương đã đề ra các giải pháp chủ động phối hợp với lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp, kinh doanh trên địa bàn, tạo điều kiện và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu đầu vào, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động; các doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất đặc biệt là đối với một số sản phẩm có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao như xi măng; Felspat bột, bột đá, giấy đế, giấy vàng mã, chế biến chè, chế biến gỗ… và sản xuất công nghiệp - TTCN các địa phương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công năm 2011 đạt hiệu quả cao nhằm khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Triển khai hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia hội chợ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường các hoạt động quảng cáo, khuyến mại nhằm tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Lê Phiên
Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa được Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) trao tặng danh hiệu “Hội viên danh dự”.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết tháng 9, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 9,82% so với cuối năm 2010, tuy nhiên lại giảm 1,07% so với cuối tháng trước.
YBĐT - Đại Lịch xác định vẫn phải duy trì cây chè và gỗ rừng trồng nhưng trước mắt cần phải tập trung đi sâu vào cải tạo diện tích chè giống cũ, trồng lâu năm bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao và đầu tư theo hướng thâm canh.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 260 /BTC-QLG chấp thuận về việc điều chỉnh giá xăng, dầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, thực hiện giảm giá bán (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với dầu điêden và dầu hỏa.