Gỡ nút thắt về vốn
- Cập nhật: Thứ ba, 18/10/2011 | 8:40:23 AM
YBĐT - Cụ thể hóa chương trình hành động nhằm thực hiện Chỉ thị 02 và Nghị quyết 11 là nhiệm vụ quan trọng nhưng lời giải cho bài toán kinh doanh của các ngân hàng phải là duy trì được nguồn vốn, nhất là nguồn tiền gửi tiết kiệm và hạ lãi suất cho khách hàng nhưng phải đảm bảo lợi nhuận.
Khách hàng được tư vấn và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ngân hàng.
|
Thời gian qua, hệ thống các ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Yên Bái bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và kế hoạch kinh doanh phục vụ do ngành đề ra; đặc biệt là tập trung thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến hết tháng 9/2011, tổng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đạt 6.710 tỷ đồng, tăng 4,42% so với đầu năm. Trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 15,73%, riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 34,83% (so với cùng kỳ năm trước tăng 55,19%). Tổng doanh số cho vay của các ngân hàng thương mại và QTDND 9 tháng ước đạt 3.912 tỷ đồng, giảm 3,92% so với cùng kỳ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 9.520 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ giảm 14,77% (riêng Ngân hàng Công thương giảm dư nợ 23,1%, tương đương 156 tỷ đồng). Cơ cấu tín dụng trung và dài hạn chiếm tỷ trọng 57,71% và tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,88% so với tổng dư nợ, tăng 2,38% so với đầu năm.
Câu chuyện về giữ trần lãi suất huy động không quá 14%/năm kể cả các chương trình khuyến mại, tặng thưởng và việc hạ lãi suất cho vay đang là chủ đề “nóng” của các ngân hàng lúc này. Cụ thể hóa chương trình hành động nhằm thực hiện Chỉ thị 02 và Nghị quyết 11 là nhiệm vụ quan trọng nhưng lời giải cho bài toán kinh doanh của các ngân hàng phải là duy trì được nguồn vốn, nhất là nguồn tiền gửi tiết kiệm và hạ lãi suất cho khách hàng nhưng phải đảm bảo lợi nhuận vì đã một thời gian dài các ngân hàng thương mại đều huy động vốn với lãi suất cao, chưa kể một tỷ lệ đáng kể số vốn huy động được phải dùng làm dự trữ bắt buộc (không lãi) theo quy định, cùng các khoản chi phí khác.
Trong vai người có món tiền lớn, có nhu cầu gửi tiết kiệm dài hạn, chúng tôi cũng đến nhiều phòng giao dịch ngân hàng để “đàm phán mức lãi suất” nhưng ở đâu cũng chỉ nhận được sự ân cần, niềm nở của nhân viên giao dịch với câu nói “Không quá được 14% năm anh ạ! ủng hộ tụi em thì gửi vào đây! Chúng em sẽ có xe ô tô đưa anh về lấy tiền cho đảm bảo hoặc làm các thủ tục gửi tiền ngay tại nhà cũng không sao”.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái khẳng định, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng vượt trần lãi suất huy động, các ngân hàng hàng thực hiện rất nghiêm Chỉ thị của Thống đốc. Ngoài việc ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các ngân hàng thương mại cũng cử cán bộ nắm bắt thông tin kiểm tra chéo và có thông tin rất kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước.
Yên Bái thực hiện rất nghiêm, tuy nhiên không loại trừ khả năng các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ở các thành phố lớn vẫn lách luật, huy động tiền gửi trên mức 14% dẫn đến tình trạng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại huy động ngoài địa bàn đã bị rút; tốc độ tăng trưởng nguồn tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn giảm đáng kể so với thời gian trước hoặc cùng kỳ năm 2010.
Bổ sung cho nhận định của vị đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhiều giám đốc ngân hàng thương mại ở thành phố Yên Bái cho biết, cục diện huy động vốn đã giảm đáng kể, giảm mạnh nhất là đối tượng khách ngoài địa bàn. Các ngân hàng đang áp dụng biện pháp tăng cường quảng bá và nâng hơn nữa chất lượng phục vụ để thu hút nguồn tiền gửi dân cư không để thâm hụt nguồn vốn xảy ra.
Cùng với việc giữ trần lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Từ ngày 7/9/2011, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái (BIDV) đã áp dụng mức lãi suất (vay mới, ngắn hạn, khách hàng là doanh nghiệp) là 18%/năm, khách hàng cá nhân, vay mới là 19%/năm. Như vậy BIDV đã giảm từ 2,5 - 3% so với trước.
Hiện nay BIDV Yên Bái đang tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho các khách hàng vay cũ khi đảm bảo đủ các điều kiện về thủ tục, tài chính và thời gian theo quy định. Là ngân hàng có khá nhiều khách hàng là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhờ cân đối được tài chính và do phần lớn khách hàng vay vốn chấp hành nghiêm các quy định đề ra, sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái II vừa quyết định đồng loạt hạ lãi suất (cả vay mới và vay cũ).
Cụ thể, các khách hàng đã vay để sản xuất, kinh doanh giảm lãi từ 17,5% xuống còn 17%/năm, riêng hộ sản xuất nông lâm nghiệp giảm từ 17% xuống còn 16,5%/năm. Đối với các khách hàng vay mới để sản xuất, kinh doanh lãi suất là 19%/năm, hộ vay sản xuất nông, lâm nghiệp là 17%/năm.
Không chỉ đồng loạt hạ lãi suất cho vay mà các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều cam kết sẽ có đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng. Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra là lãi suất hạ nhưng tốc độ giải ngân cho vay rất chậm. Trong tháng 9, BIDV cho vay mới chỉ được 20 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp thành phố II dư nợ quý III so với quý II tăng không đáng kể (7 tỷ đồng), toàn hệ thống ngân hàng nông nghiệp Yên Bái được Trung ương bổ sung thêm 250 tỷ để phục vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn không khắc phục được sự hụt hơi trong việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh năm 2011 (mục tiêu dưới 20%).
Rất nhiều cán bộ ngân hàng khi trao đổi với chúng tôi đều cho biết: lãi suất hạ, nguồn vốn nhiều nhưng các quy định cho vay còn rất chặt chẽ và phải tuân thủ nghiêm ngặt, điều này cũng dễ hiểu bởi nhiều doanh nghiệp chỉ mong vay được tiền ngân hàng với lãi suất thấp để đảo nợ những món vay cũ lãi suất cao hoặc đi trả lãi vay “cắt cổ” bên ngoài… như vậy, nỗ lực của Chính phủ, của ngân hàng là vô nghĩa, không thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh phát triển.
Ý kiến của những cán bộ ngân hàng này là không sai nhưng thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn vì những lý do khách quan đang rất cần vay vốn để khôi phục sản xuất nhưng không tiếp cận được với nguồn vốn vay vì áp lực nợ cũ không trả được còn rất lớn. Đây thực sự là vấn đề cần được xem xét, đánh giá và giải quyết. Ngoài ra các ngân hàng thương mại cũng cần làm tốt hơn nữa công tác đánh giá, phân loại khách hàng và thẩm định kỹ các dự án, không bỏ lỡ khách hàng tốt, không bỏ mặc khách hàng đang gặp khó khăn, hợp tác, đồng hành cùng khách hàng phải là kim chỉ nam của lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
Lê Phiên
Các tin khác
Xét đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc xử lý kết quả thanh tra tài chính tại EVN, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản kết luận thanh tra tài chính tại EVN.
YBĐT - Tính đến ngày 12/10/2011, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng được 4770 ha/11.000 ha cây vụ đông theo kế hoạch, trong đó ngô đông thực hiện được 3.069 ha, khoai lang 522 ha, rau mầu các loại 1.197 ha.
Sáng đầu tiên của tuần mới (17/10), giá vàng trong nước tăng nhẹ 3.000-5.000 đồng/chỉ, lên mức 4,435 triệu đồng/chỉ.
YBĐT - Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ huyện Văn Chấn đề ra mục tiêu đến năm 2015 đưa chăn nuôi chiếm 28,2% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi hàng hóa, thủy hải sản…