“Nghĩa Lộ phố”
- Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2011 | 10:09:18 AM
YBĐt - Trong giai đoạn hiện nay, việc chuyển hướng tập trung mạnh vào phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là một trong những bước làm đúng, khá “nhạy bén với thời cuộc” của thị xã Nghĩa Lộ.
Khu bày bán sản phẩm quần áo tại chợ Mường Lò
|
So với cách đây khoảng 5 năm về trước, quả thực, bộ mặt của Nghĩa Lộ đã hoàn toàn biến đổi. Hôm nay đến đây, người ta nhìn thấy con đường trung tâm đã được mở rộng, những công trình xây dựng quy mô lớn, không khí buôn bán giao thương tấp nập... thực sự xứng đáng với tên gọi “đầu mối giao thương khu vực miền Tây”.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, thị xã đã từng bước có những quy hoạch cụ thể và định hướng trong kinh doanh, chú trọng phát triển sản xuất chế biến lương thực thực phẩm, từng bước tạo thương hiệu riêng; xây dựng hệ thống cơ sở kinh doanh, đại lý bao tiêu và phân phối sản phẩm các loại; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ thương mại như dệt may thổ cẩm, ẩm thực dân gian... nhằm phục vụ phần lớn cho công tác phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng...
Nổi bật nhất trong thời gian qua là sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn, ông chủ doanh nghiệp lớn mà tiêu biểu trong số đó là khách sạn Nghĩa Lộ với quy mô vài chục phòng nghỉ mới được đầu tư, nâng cấp lại với số vốn trên 20 tỷ đồng và đạt chuẩn 3 sao; khách sạn Mường Lò vừa được khánh thành từ đầu năm 2011 với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng; nhà hàng Mường Lò, Giang Bính, Hải Béo...
Cùng với những loại “hàng cao cấp” phục vụ nhu cầu của khách “hạng sang” này, các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu bình dân cũng rất nhiều, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến mua sắm hàng hóa. Thị xã Nghĩa Lộ vốn “nho nhỏ” là thế mà hiện có tới 89 cửa hàng, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cả tại chỗ và lưu động; 11 khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ; 500 cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ các thức món; 25 cửa hàng kinh doanh đồ điện lạnh, điện tử, điện dân dụng, xe máy, xe đạp...; 80 cơ sở đại lý kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm bánh kẹo, thuốc lá, rượu...
Tổng số lên tới gần 800 cơ sở đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thương mại, dịch vụ các ngành nghề... Đấy là còn chưa kể tới hệ thống chợ Mường Lò với hàng trăm gian hàng bày bán đủ loại mặt hàng từ gia dụng, tiêu dùng đến hàng thủ công, mỹ nghệ; đây cũng là nơi tập trung hàng trăm hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp...
Nếu để ý quan sát một chút, có thể dễ dàng nhận thấy sự manh nha hình thành của các “khu kinh doanh” theo từng tuyến phố trong lòng thị xã như khu vực bán đồ điện, khu vực bán quần áo với hàng dãy dài; các cửa hàng xe đạp, xe máy tập trung quanh khu vực chợ trung tâm, thậm chí khu vực kinh doanh lĩnh vực vui chơi, giải trí như nhà hàng karaoke cũng khá liền kề nhau - đây chính là tín hiệu đáng mừng của một nền thương mại - dịch vụ phát triển đúng hướng và đúng nghĩa đen của câu “buôn có bạn, bán có phường”. Nghĩa Lộ đã trở về đúng bản sắc tên vốn có “Nghĩa Lộ phố”.
Trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà đầu tư kinh doanh nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì việc có một quy hoạch tổng thể (không chính thức) về những khu buôn bán là điều nhiều người đã nhận ra và đang làm...
Bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã chia sẻ: “Thành phần kinh tế thương mại, dịch vụ và du lịch của địa phương trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc đáng được ghi nhận với tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2011 đạt 640 tỷ đồng (bằng 75% kế hoạch)...
Vốn được mệnh danh là “cửa ngõ miền Tây”, “trung tâm giao thương, đầu mối buôn bán, trao đổi hàng hóa của 4 huyện thị phía tây của tỉnh”; là nơi “gạo thơm, cơm trắng” với gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc; nơi “miên man âm sắc văn hóa miền Tây” với 6 điệu xòe cổ say đắm lòng người; nơi “quê hương ẩm thực” với các món ăn độc đáo của dân tộc Thái..., Nghĩa Lộ xứng đáng có một vị thế mới trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch trong tương lai. Chúng tôi đang cùng nhau nỗ lực, cố gắng để đạt được điều đó”.
Tương lai của một thị xã văn hóa mạnh về kinh tế đang chờ đợi ở nhận thức mang tầm chiến lược của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương, sự đồng thuận nhất trí và chung tay của tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong việc quy hoạch (mặt bằng, quỹ đất, quy mô...), tạo hành lang thông thoáng về mặt thủ tục pháp lý để thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư...
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống huyện anh hùng, giữ vững đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục xây dựng Trấn Yên trở thành huyện phát triển toàn diện” với 20 chỉ tiêu, 4 nhóm giải pháp chủ yếu.
Lô hàng 4 máy bay hạng nhỏ do một doanh nghiệp tư nhân Việt nhập khẩu đã cập cảng Hải Phòng và đang chờ hoàn tất các thủ tục đóng thuế.
Ngày 25-10, Bộ Tài chính đã có Công văn số 14315/BTC-VP thông tin về điều hành giá mặt hàng xăng dầu.
YBĐT - Tính đến nay, Chi cục Thuế huyện Trấn Yên đã thu được 23,2 tỷ đồng vào ngân sách (bằng 84% kế hoạch). Chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ kết thúc năm 2011, Chi cục đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch thu 29,5 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong thời gian sớm nhất.