Nhìn lại hoạt động chế biến gỗ rừng trồng ở Lương Thịnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/11/2011 | 9:21:58 AM

YBĐT - Sự phát triển và gia tăng thái quá của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng ở nhiều địa phương trong hơn một năm trở lại đây đang đẩy không ít gia đình đứng trước cảnh nợ nần, thậm chí phá sản mà xã Lương Thịnh là một ví dụ.

Để đảm bảo sản xuất nhiều cơ sở chế biến gỗ phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang.
Để đảm bảo sản xuất nhiều cơ sở chế biến gỗ phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang.

Việc đầu tư xây dựng các xưởng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng đang tạo ra những cơ hội mới, tăng việc làm, tăng thu nhập cho không ít lao động nông thôn ở các địa phương trong tỉnh Yên Bái. Hoạt động này cũng đã và đang tham gia đóng góp tích cực tăng thu cho ngân sách địa phương, tăng giá trị kinh tế cho cây gỗ rừng trồng. Thế nhưng, sự phát triển và gia tăng thái quá của các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng ở nhiều địa phương trong hơn một năm trở lại đây đang đẩy không ít gia đình đứng trước cảnh nợ nần, thậm chí phá sản mà xã Lương Thịnh là một ví dụ.

Là xã vùng 3 của huyện Trấn Yên, xã Lương Thịnh có hơn 450 ha rừng trồng, thêm 145 ha rừng trồng mới trong năm 2011, mỗi năm cho khai thác khoảng 20.000 m3 gỗ. Sản lượng gỗ này chỉ đủ phục vụ cho 5 cơ sở chế biến hoạt động trong vòng một năm. Ấy thế nhưng chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, tại địa phương này đã mọc lên hơn 60 cơ sở ván bóc và chế biến gỗ rừng trồng với trên 100 chiếc máy. Và cũng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm 2011, Lương Thịnh đã có tới 10 cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, trong đó có 1 hộ đã phải bán cả nhà cả đất, cả máy móc mà vẫn không đủ trả nợ ngân hàng như hộ anh Nguyễn Văn Hiếu thôn Lương Thiện; số khác bán máy móc chuyển sang làm các ngành nghề  kinh doanh hoặc đầu tư phát triển chăn nuôi...

Ông Triệu Đình Viện - Phó chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho hay, có 50 - 70% số cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn xã phải vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất. Chính vì vậy khi thị trường đầu ra bị chững lại như thời điểm giữa năm 2011 vừa rồi thì không ít cơ sở gặp khó khăn do sản phẩm ứ đọng, vốn chết mà lãi suất ngân hàng cứ đội lên…

Mở xưởng được hơn một năm nay, hiện cơ sở chế biến gỗ của gia đình anh Dương Kim Điệp cũng như nhiều xưởng sản xuất chế biến gỗ rừng trồng mới mở trên địa bàn xã Lương Thịnh đang gặp phải một khó khăn chung là thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào trong khi lãi suất vay ngân hàng cao. Được biết, để mở được xưởng chế biến gỗ, anh Điệp đã phải bỏ ra trên 70 triệu đồng đầu tư kéo đường điện, 100 triệu mua máy, vốn vay ngân hàng dùng quay vòng sản xuất.

Dẫn chúng tôi thăm xưởng sản xuất, chỉ có một trong hai máy bóc gỗ hoạt động với 5 công nhân, anh Điệp cho biết: “Cả công nhân và máy đang tạm nghỉ chờ nguyên liệu về. Vấn đề khó khăn trong đầu ra cho sản phẩm chỉ mang tính thời điểm, năm nào cũng mất một vài tháng, giờ lo nhất là chạy đủ nguyên liệu để đảm bảo sản xuất".

Nguyễn Văn Giang là một trong những thanh niên năng động và táo bạo trong làm ăn ở thôn Đồng Bằng, đã từng mở xưởng bóc gỗ từ 3 năm trước, thêm nghề tay trái là buôn bán máy bóc gỗ. Theo Giang, vài năm trước mới thời hoàng kim, bởi cơ sở chế biến gỗ ít, nguồn nguyên liệu tại chỗ sẵn, đầu ra cũng rất thuận lợi. Còn bây giờ, khi các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở địa phương mọc lên như nấm, anh đã nhanh chóng bán máy móc, góp vốn chuyển sang đầu tư mở cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Anh Giang bộc bạch: “Thời điểm tôi bán máy để chuyển nghề là khi nhà nhà đua nhau mở xưởng chế biến gỗ nên máy mua thế nào bán thế ấy, không bị lỗ. Trụ được đến bây giờ chưa biết chừng mình cũng rơi vào tình trạng chung của nhiều xưởng mới mở bởi vốn không nhiều mà để có nguyên liệu sản xuất thì nhất thiết phải đi thu gom ở các tỉnh ngoài như Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang chứ nguyên liệu tại chỗ là không thể đáp ứng đủ…”.

Lãnh đạo xã Lương Thịnh trao đổi với chủ cơ sở chế biến gỗ rừng trồng Phạm Văn Nghĩa.

Là một trong những cơ sở chế biến gỗ rừng trồng hoạt động lâu năm nhất ở xã Lương Thịnh, xưởng chế biến gỗ của anh Phạm Văn Nghĩa đang trực tiếp tạo việc làm cho hơn 10 lao động, đó là chưa kể đến số lao động gián tiếp như nhận phơi ván bóc. Năm 2010, cơ sở của anh đã đóng góp trên 100 triệu đồng cho ngân sách địa phương. Là người có tiềm lực kinh tế, anh Nghĩa đã nhanh chóng đầu tư thêm dây chuyền ép ván với số vốn hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông chủ này cũng phải thừa nhận: “Để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay, khi mà có quá nhiều các cơ sở chế biến gỗ mọc lên ở địa phương thì buộc các cơ cở phải cạnh tranh về nguồn nguyện liệu, do vậy giá nguyên liệu bị đẩy lên cao. Một số cơ sở chế biến đã đưa máy bóc gỗ đến tận chân rừng để khai thác. Với những cơ sở bóc ván mới mở trên địa bàn mà phải vay vốn ngân hàng nhiều, gặp thời điểm khan thiếu nguyên liệu như hiện nay thì để trụ được là rất khó khăn”.

Thực tế, lợi ích kinh tế mang lại từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh này là điều không thể phủ nhận. Với 54 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng hiện còn, trên 700 lao động nông nhàn ở Lương Thịnh đang được giải quyết việc làm với mức thu nhập khá ổn định từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ tháng, đồng thời tăng thu cho ngân sách địa phương khoảng 400 triệu đồng mỗi năm.

Ông Triệu Đình Viện khẳng định, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng hoạt động, song không khuyến khích tất cả các hộ phát triển theo hướng này.  Xã đã và đang tiến hành rà soát lại hoạt động sản xuất chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn. Sẽ không xét duyệt thủ tục vay vốn ngân hàng mở xưởng chế biến gỗ đối với các hộ thiếu tiềm lực kinh tế. Đây là việc làm đảm bảo tốt nhất giúp nhiều hộ tránh được rủi ro khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này, tránh đầu tư tràn lan, làm theo phong trào. Địa phương cũng mong muốn ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh này.

Phạm Minh

Các tin khác
Ảnh minh họa

YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định cấp kinh phí tiêm vác xin lở mồm long móng (LMLM) gia súc theo chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM năm 2011.

Ngày 2.11, Bộ Tài chính cho biết trong dự toán ngân sách năm 2012, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tực ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dự kiến bố trí từ nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ khoảng 370.000 tỉ đồng, bằng 40,9% tổng chi ngân sách nhà nước.

Ngày 1-11, Bộ NN-PTNT cho biết vừa hoàn thành đề án mới về xây dựng chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 11/2011 của Tập đoàn là khai thác cao các nhà máy thuỷ điện có nước về tốt, đồng thời đảm bảo kế hoạch tích nước cuối năm. Ngoài ra, không thực hiện điều hoà tiết giảm điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục