Yên Bình: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2011 | 3:04:18 PM

YBĐT - Nếu như năm 2008, toàn huyện Yên Bình (Yên Bái) mới chỉ có 72 mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì nay đã có tới 147 trang trại.

Nuôi cá tầm trên hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc.
Nuôi cá tầm trên hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc.

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh các giải pháp cải tạo và thay thế giống vật nuôi, đưa vào nhiều giống mới hiệu quả cao, ngành chăn nuôi Yên Bình đã và đang có những chuyển biến tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển chăn nuôi trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, Yên Bình đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa thông qua các chính sách kích cầu của tỉnh. Cụ thể, với mô hình 100 lợn thịt, người dân được hỗ trợ 30 triệu đồng, 1.000 gia cầm là 15 triệu đồng (năm 2011 mức hỗ trợ được tăng từ 10 triệu đồng lên 15 triệu đồng)...

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn đều có các hoạt động hỗ trợ giúp nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi như: tín chấp vay vốn ngân hàng, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm…

Từ những giải pháp và cách làm đúng đắn, ngành chăn nuôi của Yên Bình đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung có quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn con.

Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và thấy được hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi hàng hóa, năm 2009, anh Bùi Mạnh Hoàn (tổ 12, thị trấn Yên Bình) đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi gà siêu trứng. Hiện tại, gia đình anh có trên 1.000 gà đẻ trứng, cung cấp cho thị trường trung bình 800 trứng/ngày, trừ chi phí, mỗi ngày anh bỏ túi vài trăm nghìn đồng.

Anh Hoàn cho biết: “Trước khi tham gia mô hình chăn nuôi hàng hóa, gia đình tôi cũng có nuôi gà đẻ trứng nhưng với quy mô nhỏ, do vậy hiệu quả không cao. Từ khi tăng đàn lên 1.000 con gà siêu trứng Ấn Độ, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, trong khi công đầu tư, chăm sóc không tốn kém hơn là mấy”. Anh Hoàn là một trong hàng trăm chủ trang trại của huyện Yên Bình đầu từ phát triển chăn nuôi theo hướng hóa. Mặc dù, mô hình mới được đầu tư phát triển nhưng đã thể hiện được hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Hoàn đang trao đổi với cán bộ khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc gà siêu trứng Ấn Độ.

Cũng tham gia mô hình chăn nuôi hàng hóa từ năm 2009 nhưng gia đình chị Đào Thị Yến (tổ 8A, thị trấn Yên Bình) lại tận dụng diện tích trên các đảo hồ để mở rộng chăn nuôi. Ngoài hàng chục ha rừng trồng, chị tận dụng nuôi thêm 20 con lợn nái, 30 con dê cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Anh Trần Văn Tiệp - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Nếu như năm 2008 toàn huyện mới chỉ có 72 mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì nay đã có tới 147 trang trại. Trong đó, 52 mô hình lợn thịt, 45 mô hình lợn nái sinh sản và 59 mô hình gia cầm, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, Yên Bình đã xây dựng và mở rộng được 20 cơ sở nuôi baba hàng hóa, góp phần đáng kể vào tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong sản xuất nông-lâm-nghiệp”.

Với lợi thế trên 15 ngàn ha mặt nước hồ Thác Bà và 450 ha ao hồ nhỏ trong dân, chăn nuôi thủy sản cũng là một thế mạnh của Yên Bình. Để phát huy tiềm năng này, huyện đã phát động phong trào chăn nuôi thuỷ sản tới hầu hết các xã vùng ven hồ.

Mặc dù nguồn vốn ngân sách của huyện rất hạn hẹp, song để thúc đẩy nghề nuôi cá huyện đã có chính sách hỗ trợ giúp người nuôi với mức 3 triệu đồng/lồng nuôi cá thường, 25 triệu đồng/lồng nuôi cá tầm và 4 triệu đồng/ha nuôi quảng canh. Nhờ vậy, số lồng cá không ngừng tăng dần qua các năm, đến nay toàn huyện đã có gần 500 lồng cá, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 1.200 tấn, cho thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/lồng.

Không dừng lại ở đó, chăn nuôi thủy sản của Yên Bình còn thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, tiêu biểu là Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc. Với phương pháp chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao chăn nuôi thủy sản Yên Bình hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa, góp phần vào mục tiêu đưa ngành chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản lượng trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010-2015.

Mặc dù đã có chuyển biến mạnh mẽ nhưng cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Yên Bình đang gặp phải hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động của giá cả thị trường, thiếu con giống tốt, đảm bảo, đặc biệt là lợn giống.

Để chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, bên cạnh những chính sách kích cầu, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật Yên Bình cần chú trọng đến vấn đề dịch bệnh. Có như vậy người dân mới yên tâm đầu tư, sản xuất.

 Hùng Cường

Các tin khác

YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng Tạ Văn Long-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc làm việc về tình hình hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái (BIDV) ngày 16/11.

Ngày 15-11, Bộ Tài chính tổ chức buổi hội thảo đầu tiên nghe ý kiến các nhà khoa học về đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà bộ đang soạn thảo. Hầu hết đại biểu đều cho rằng cần giảm tỉ trọng DNNN.

Vàng thế giới sáng nay giảm khoảng 10USD.

Tính đến cuối buổi sáng, giá bán ra tại các công ty kim hoàn lớn giảm về mức 46,3 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 150.000 đồng/lượng so với sáng 15-11.

Sản phẩm gỗ bóc ở xã Quy Mông.

YBĐT - Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN 10 tháng năm 2011 huyện Trấn Yên đạt 112 tỷ đồng tăng 27,3% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục