Yên Bái: Kinh nghiệm qua sản xuất vụ đông 2011
- Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2011 | 9:48:24 AM
YBĐT - Vụ đông 2011, Yên Bái phấn đấu đưa vào gieo trồng 11 ngàn ha cây vụ đông, trong đó có 5.300 ha ngô (ngô trên đất 2 vụ lúa 3 ngàn ha), 2.700 khoai lang và trên 3 ngàn ha rau, củ, quả.
Chăm sóc rau màu vụ đông ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn.
|
Đây không phải là nhiệm vụ quá nặng nề đối với một tỉnh đã trải qua hơn 15 năm sản xuất và vụ đông và vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Song, đến nay mặc dù thời vụ đã khép lại nhưng diện tích gieo trồng cây vụ đông vẫn không đạt như mong muốn, hàng ngàn ha đất ruộng màu mỡ vẫn phải “ngủ đông”.
Theo số liệu báo cáo của ngành nông nghiệp, đến ngày 2/11 các địa phương mới gieo trồng được 1954 ha ngô soi bãi, 2.114 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, 1306 ha khoai lang và 2.267 ha rau màu các loại. Như vậy, so với kế hoạch thì hầu hết các chỉ tiêu cây trồng vụ đông đều không đạt, thời vụ cũng đã khép lại đối với cây ngô và khoai lang, chỉ còn trồng được rau màu.
Vùng cánh đồng Mường Lò huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, cánh đồng Đại-Phú-An (Văn Yên) là những địa phương có phong trào sản xuất vụ đông tốt nhất tỉnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng thế nhưng vụ đông này diện tích cũng giảm rõ rệt. Trong đó, huyện Văn Chấn trồng 720 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, giảm một nửa so với vụ đông 2010, huyện Văn Yên chỉ trồng 500 ha, giảm 50% so cùng kỳ, huyện Trấn Yên 210 ha, giảm gần 1 ngàn ha so với cùng kỳ...
Nguyên nhân dẫn tới diện tích gieo trồng cây vụ đông nhất là cây ngô, khoai lang không đạt kế hoạch và giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng của thời tiết. Như chúng ta đã biết, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011 làm cho thời vụ sản xuất lúa xuân muộn hơn so với cùng kỳ 20 ngày.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, số 5 và ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa nhiều ngày, nhất là trong các ngày từ 4-10/10/2011 đây cũng là thời điểm thu hoạch lúa mùa, do vậy, không giải phóng được đất. Song song với những khó khăn do thời tiết còn có những nguyên nhân khác như sự chỉ đạo chưa thật quyết liệt của các cấp, các địa phương cơ sở.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất vụ đông, đồng thời tổ chức lễ phát động ra quân làm cây vụ đông rất sớm nhưng việc tham gia chỉ đạo, vận động ở một số địa phương chưa quyết liệt, chưa sâu sát. Tỉnh ra quân phát động, huyện cũng chỉ đạo cụ thể về xã, xã chỉ hô hào chung chung về chủ trương, chính sách, thông báo thời vụ về thôn, bản còn việc làm như thế nào là của người dân.
Cùng với đó, người dân không mấy mặn mà, hứng khởi trong sản xuất như những vụ trước vì sự ám ảnh, thiệt thòi, bất lợi từ những vụ đông gần đây. Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất cây vụ đông không đạt kế hoạch đề ra. Song, nhìn một cách tổng thể và tầm chiến lược thì đó không phải là tất cả mà nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp của ta vẫn dựa quá nhiều vào yếu tố thời tiết. Lúa đã chín, trời lại mưa khiến nhà nông không thể thu hoạch được để giải phóng đất cho gieo trồng vụ đông.
Lý do rất đơn giản là: “Gặt về phơi ở đâu?”. Không có chỗ phơi, cứ gặt về đắp đống, lúa nảy mầm hết thì gay, giải pháp tốt nhất là để ở ruộng và đợi nắng lên. Điều đó cho thấy, vấn đề thu hoạch và sau thu hoạch vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì sao vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn của cả nước khi lũ về, lúa chìm hết nhưng người dân vẫn thu hoạch hiệu quả, thậm chí lúa gạo vẫn đạt chất lượng tốt đảm bảo cho xuất khẩu? Tỉnh cũng đã quy hoạch và địa phương nào cũng có vùng sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hoá với diện tích trên 5 ngàn ha, đó là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng mới chỉ làm được phần ngọn là quy hoạch và gieo trồng ở ngoài ruộng.
Bên cạnh đó, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất rất hạn chế, ngay cả trên cánh đồng Mường Lò thì hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” vẫn là chủ yếu. Như vậy làm sao có năng suất cao, hiệu quả cao, trong khi áp lực về thời vụ lại rất cần kíp? Cơ giới hóa trong làm đất và thu hoạch đã được áp dụng nhưng rất nhỏ lẻ và chưa công nghiệp bởi ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, giống thì nhiều chủng loại. Việc sản xuất vụ đông không đạt kế hoạch sẽ làm giảm sản lượng lương thực có hạt trên 10 ngàn tấn và giảm nguồn thu cho người dân rất lớn.
Để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, Yên Bái đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấp không 4 tấn hạt giống rau (cải bẹ mào gà, cải xanh lá vàng, cải ngọt, cải củ) để phân bổ về cho nông dân gieo trồng trong vụ đông này. Đến nay, số hạt rau này đã được chuyển về các địa phương, do vậy các huyện xã, thôn, bản chỉ đạo và vận động nhân dân khẩn trương gieo trồng kịp thời vụ tăng nguồn thu giúp xóa đói giảm nghèo.
Nói như vậy không có nghĩa là vụ đông 2011 thất bại hoàn toàn mà cũng đã có nhiều địa phương, bà con nông dân nỗ lực vượt qua khó khăn về thời tiết gieo trồng khá tốt. Việc cần làm ngay bây giờ là hãy tập trung chăm sóc, đầu tư phân bón, phòng trừ sâu bệnh, để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất, sản lượng cao. Về lâu dài, chúng ta cần tính toán tới việc đầu tư đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây trồng vụ đông.
Thanh Phúc
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 104/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Đây là nội dung rất được quan tâm tại Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP mới được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.
YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tăng khá nhanh, đưa tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.105 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ phát triển thì chất lượng hoạt động của khối doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.
YBĐT - Những chuyển dịch đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp đã giúp cho vùng cao Mù Cang Chải dần giải quyết hiệu quả “bài toán” lương thực. Năm 2011, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 21.500 tấn, tăng 7.721 tấn so với năm 2005 đưa mức lương thực bình quân đầu người tăng lên 400kg/năm.